|
Hệ thống pin năng lượng mặt trời của Nhà máy điện TTC Tây Ninh. Ảnh: Lê Đức Hoảnh |
Theo ông Nguyễn Thanh Ngọc, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Tây Ninh, với số giờ nắng nóng nhiều, lượng bức xạ mặt trời cao hơn 20% so với các địa phương khác, Tây Ninh được xem là tỉnh dẫn đầu cả nước về phát triển dự án năng lượng tái tạo ở thời điểm hiện nay.
|
Trạm biến áp của Nhà máy điện mặt trời TTC2 tại Khu công nghiệp Thành Thành Công, huyện Trảng Bàng. Ảnh: Lê Đức Hoảnh |
Nhờ cơ chế, chính sách thông thoáng, đến nay, Tây Ninh đã thu hút được 10 dự án sản xuất điện năng lượng mặt trời (ĐNLMT), tổng công suất khoảng 808 MWp, vốn đầu tư trên 21.000 tỷ đồng. Trong đó có 2 dự án đã hoàn thành là: Nhà máy điện mặt trời TTC 1 và TTC 2 tại Khu công nghiệp Thành Thành Công, huyện Trảng Bàng. Với tổng vốn đầu tư khoảng 2.700 tỷ đồng, do Tập đoàn Thành Thành Công (TTC) và Tập đoàn Gulf (Thái Lan) liên doanh góp vốn thực hiện, 2 nhà máy này có tổng công suất 118,8 MWp, cung cấp cho hệ thống điện lưới quốc gia 184 triệu KWh/năm, đáp ứng nhu cầu sử dụng điện cho khoảng 150.000 hộ dân.
|
Công nhân điện lực huyện Hòa Thành (Tây Ninh) kiểm tra chất lượng pin điện mặt trời áp mái tại nhà dân. Ảnh: Lê Đức Hoảnh |
Trong bối cảnh chi phí điện ngày càng tăng, hơn 100 hộ gia đình trên địa bàn Tây Ninh đã đầu tư lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái (ĐMTAM) với tổng công suất gần 700 KWp, cho hiệu quả rõ rệt. Điển hình như gia đình anh Nguyễn Đăng Trường Giang ở khu phố 4, thị trấn Hòa Thành (huyện Hòa Thành), với 9 tấm pin ĐMTAM có thể tiết kiệm 400.000 đồng/ tháng, tương đương 200 KWp. Ông Nguyễn Tấn Hùng, Giám đốc Công ty Điện lực Tây Ninh cho biết, khi áp dụng mô hình ĐMTAM, các hộ gia đình đã giảm được chi phí tiền điện, đặc biệt những hộ gia đình sử dụng điện từ mức 200 KWh trở lên.
|
Hộ gia đình anh Lưu Xuân Minh ở ấp Tân Hòa, xã Tân Bình, thành phố Tây Ninh nâng cấp hệ thống pin điện mặt trời áp mái từ 3,3 KWp lên 6,6 KWp để có dư điện bán. Ảnh: Lê Đức Hoảnh |
|
Nhà anh Nguyễn Duy tại ấp Ninh Thuận, xã Bàu Năng, huyện Dương Minh Châu vừa lắp đặt điện mặt trời áp mái. Ảnh: Lê Đức Hoảnh |
Tây Ninh phấn đấu trong năm 2019 sẽ có tổng cộng khoảng 1.000 khách hàng lắp đặt hệ thống ĐMTAM, nâng tổng công suất điện theo mô hình này lên 5.000 KWp; đồng thời lắp đặt hệ thống công tơ hạ áp 2 chiều để bán phần điện kết dư, hòa vào điện lưới quốc gia.
Lê Đức Hoảnh