Nghề dệt thổ cẩm truyền thống tại làng dệt Chăm Mỹ Nghiệp. Ảnh: Nguyễn Thành |
Tìm hướng đổi mới Có tuổi đời trên 500 năm, làng gốm Bàu Trúc (thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước) đang là một trong những làng nghề tiên phong ở Ninh Thuận tìm hướng đổi mới để phát triển. Cả làng hiện có trên 400 hộ gắn bó với nghề làm gốm, chiếm khoảng 70% số hộ đồng bào Chăm sinh sống ở địa phương. Trước đây, làng gốm chuyên sản xuất các đồ gia dụng phục vụ nhu cầu của cư dân địa phương nhưng nay đang phát triển thêm dòng gốm mỹ nghệ, gốm phong thủy trang trí nội, ngoại thất với nhiều mẫu mã phong phú. Tuy nhiên, sản phẩm vẫn giữ được dáng vẻ và nét đặc sắc riêng, đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ ngày càng cao của người tiêu dùng, tạo thêm điểm nhấn mới để thu hút đông đảo du khách đến tham quan, mua sắm sản phẩm. Ông Phú Hữu Minh Thuần, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) gốm Chăm Bàu Trúc chia sẻ, HTX hiện có 30 hộ dân với 150 lao động chuyên sản xuất gốm, trình diễn nghệ thuật làm gốm với hàng chục ngàn sản phẩm phục vụ du khách. Hiện gốm của HTX không bó hẹp trong văn hóa Chăm mà còn kết hợp phong thái phương Tây, nét đặc trưng Việt đưa vào sản phẩm để cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng, tạo đột phá. Bên cạnh đó, chất lượng phục vụ, hình thức trưng bày được cải tiến, nhất là việc xây dựng các chương trình trải nghiệm mới cho du khách tới tham quan trải nghiệm nghề làm gốm làng Bàu Trúc.
Sản phẩm thổ cẩm truyền thống của người Chăm làng Mỹ Nghiệp. Ảnh: Nguyễn Thành |
Cùng với làng gốm Bàu Trúc, làng dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp cũng đang có những đổi mới về cách thức sản xuất, phương thức hoạt động. Làng dệt Mỹ Nghiệp chuyên sản xuất các sản phẩm thổ cẩm với những hoa văn độc đáo, đa dạng mẫu mã như: khăn trang trí, chăn mền, túi xách, quần áo, ba lô, cà vạt, ví nam - nữ... được thị trường ưa chuộng. Nhiều sản phẩm đã đạt giải thưởng trong các cuộc thi hàng thủ công mỹ nghệ và được khách hàng trong nước cũng như quốc tế biết đến. Hiện nay, để tăng thêm thu hút, HTX làng nghề xây dựng các chương trình thuyết minh về nội dung ý nghĩa về hoa văn trên sản phẩm từ triết lý riêng về đời sống, phong tục tập quán, tư duy mỹ thuật, kỹ thuật dệt độc đáo... Điều này đã tạo nên nét đặc trưng riêng cho sản phẩm thổ cẩm của người Chăm. Ông Hàm Minh Thiệu, Giám đốc HTX dịch vụ, sản xuất, kinh doanh dệt thổ cẩm Chăm Mỹ Nghiệp cho hay, làng nghề có đặc điểm là giữ được bản sắc dân tộc nhưng cũng phải đi theo xu hướng của thị trường để đổi mới và phát triển. Việc nâng cao chất lượng sản phẩm không đơn thuần chỉ thông qua lao động giàu kinh nghiệm, sử dụng sự khéo léo của đôi bàn tay với những công cụ thủ công truyền thống mà có sự đan xen giữa thủ công truyền thống với thủ công có trình độ chuyên môn cao; kết hợp giữa công nghệ cổ truyền với công nghệ hiện đại để sản xuất ra những sản phẩm vừa mang tính dân tộc cao, lại có mẫu mã đẹp, hiện đại; đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng nhưng vẫn luôn gắn liền với đặc trưng riêng của địa phương. Để duy trì và tiếp tục phát triển nghề dệt thổ cẩm, một số hộ đã trang bị máy dệt vào sản xuất tại làng nghề, phát triển kinh tế hộ và đáp ứng nhu cầu thị trường. Hiện sản phẩm dệt máy được tiêu thụ mạnh tại thị trường miền núi có nhiều đồng bào dân tộc sinh sống như: Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng. Do đáp ứng được yêu cầu về số lượng lớn, chất liệu vải mỏng và mềm nên đồng bào dân tộc sử dụng may trang phục cũng rất phù hợp. Xét về kinh tế thì dệt máy mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn các hộ sản xuất bằng khung dệt thủ công.Hỗ trợ phát triển Theo Sở Công Thương tỉnh Ninh Thuận, toàn tỉnh hiện có 3 làng nghề truyền thống đã được công nhận gồm: Gốm Bàu Trúc, Dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp, Dệt thổ cẩm Chung Mỹ (huyện Ninh Phước) và hàng chục làng có các nghề tiểu thủ công nghiệp. Nhiều làng nghề có bước phát triển đáng kể ở lĩnh vực sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ phục vụ chương trình phát triển du lịch của tỉnh như: dệt thổ cẩm, gốm nung, sản phẩm từ mây tre, mỹ nghệ từ hạt cây rừng, mộc mỹ nghệ, đũa mỹ nghệ,... và phát triển các sản phẩm chế biến đặc sản như: rượu nho, mật nho, nho sấy, măng khô, chuối sấy, cá hấp, nước mắm phục vụ thị trường nội địa và hướng tới xuất khẩu.
Sản phẩm gốm thủ công của hợp tác xã gốm Chăm Bàu Trúc. Ảnh: Nguyễn Thành |
Giám đốc sở Công Thương Ninh Thuận Phạm Đăng Thành cho biết, những năm qua, Ninh Thuận có nhiều chương trình, đề án hỗ trợ phát triển làng nghề, ngành nghề tiểu thủ công nghiệp. Từ nguồn vốn các chương trình khuyến công, bình quân mỗi năm tỉnh dành 100 - 150 triệu đồng xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, mở lớp đào tạo nghề, xây dựng webside làng nghề, hỗ trợ cơ sở tham gia 4 đến 5 hội chợ để giới thiệu, quảng bá sản phẩm làng nghề tại các tỉnh, thành phố. Qua đó, các làng nghề truyền thống từng bước nâng cao được chất lượng và giá trị sản phẩm; mở rộng thêm thị trường tiêu thụ, hoạt động sản xuất dần ổn định, nét đặc sắc văn hóa dân tộc được bảo tồn, phát huy. Hỗ trợ phát triển làng nghề, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, góp phần xây dựng và phát triển nông thôn mới, tỉnh Ninh Thuận phê duyệt kế hoạch hỗ trợ phát triển làng nghề tiểu thủ công nghiệp tỉnh Ninh Thuận đến năm 2020 với tổng kinh phí gần 9 tỷ đồng thực hiện nhiều chương trình. Cụ thể như: đào tạo nghề; thành lập doanh nghiệp; tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất, hỗ trợ máy móc, thiết bị sản xuất, xử lý môi trường, xây dựng mô hình sản xuất gắn với du lịch. Tỉnh phấn đấu đến năm 2020 có thêm 4 đến 5 làng nghề được công nhận gồm: nghề thủ công mỹ nghệ từ hạt cây rừng thôn Cầu Gãy (xã Vĩnh Hải); nghề chế biến hải sản thôn Mỹ Tân (xã Thanh Hải); nghề thủ công mỹ nghệ thôn Tập Lá (xã Phước Chiến) và nghề chế biến nước mắm Cà Ná (xã Cà Ná).
Nguyễn Thành