Tạo bước đột phá giảm nghèo bền vững ở vùng cao Hà Giang

Tạo bước đột phá giảm nghèo bền vững ở vùng cao Hà Giang

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ 17 nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định, cải tạo vườn tạp là một trong những khâu đột phá, tạo sinh kế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Với quyết tâm cao cùng sự đồng lòng, nhất trí của cả hệ thống chính trị, huyện vùng cao Mèo Vạc bước đầu đã đạt được nhiều kết quả tích cực...

Tạo bước đột phá giảm nghèo bền vững ở vùng cao Hà Giang ảnh 1Người dân xã Sủng Trà, huyện Mèo Vạc cải tạo vườn tạp. Ảnh: Nguyễn Chiến

Vườn rau màu xanh mướt của gia đình chị Trương Thị Mai ở thôn Sảng Pả B, thị trấn Mèo Vạc là kết quả thực hiện Nghị quyết 05 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Giang về cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ để tạo sinh kế cho người dân, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025. Trước đây, gia đình chị Mai trồng ngô, mỗi năm chỉ thu một vụ, cây ngô lại hay bị sâu bệnh nên gia đình chị Mai không chăm sóc nhiều cho mảnh vườn nữa. Được chính quyền tuyên truyền, vận động, gia đình chị Mai quyết tâm thay đổi mảnh vườn. Cùng sự hỗ trợ của cán bộ nông nghiệp, sau hơn một năm, mảnh vườn của gia đình chị Mai được phủ xanh bởi bầu, bí, mướp, mướp đắng, bắp cải, cải xanh… Đến nay, gia đình chị Mai đã có nguồn thu chính từ vườn rau xanh, kinh tế cải thiện nhiều.

Tạo bước đột phá giảm nghèo bền vững ở vùng cao Hà Giang ảnh 2Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Giang Nguyễn Văn Sơn phát biểu tại Lễ phát động cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ để tạo sinh kế cho người dân, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025. Ảnh: TTXVN

Qua hai năm triển khai Nghị quyết 05, gia đình ông Già Mí Của ở thôn Xín Phìn Chư, xã Thượng Phùng đã quy hoạch lại 3.450 m2 để chăn nuôi. Ông đầu tư xây mới chuồng gà, hố gom ủ phân, mở rộng quy mô. Bước đầu, thu nhập tăng thêm của hộ gia đình vào khoảng 20 triệu đồng/năm so với trước khi thực hiện cải tạo vườn tạp.

Tạo bước đột phá giảm nghèo bền vững ở vùng cao Hà Giang ảnh 3Chị Trương Thị Mai ở thôn Sảng Pả B, thị trấn Mèo Vạc, huyện Mèo Vạc chăm sóc vườn rau của gia đình. Ảnh: Nam Thái

Thay đổi tư duy, cải tạo tư duy không đơn thuần, dễ làm như việc cải tạo vườn tạp nhưng đó là thay đổi căn cơ để tạo bước đột phá vươn lên thoát nghèo. Việc đưa Nghị quyết 05 vào cuộc sống đã góp phần làm thay đổi tư duy canh tác trồng trọt, chăn nuôi trước đây, giúp đồng bào có hướng đi mới, cách làm mới một cách bài bản, hiệu quả, dần dần thoát nghèo.

Nghị quyết 05 đã chỉ rõ, cải tạo vườn tạp phải được triển khai một cách đồng bộ từ các cấp, ngành đến người dân với quan điểm “không nóng vội, không thành tích, dễ làm trước, khó làm sau”. Mục tiêu cốt lõi là thay đổi tư duy và phương pháp chăn nuôi, trồng trọt trên chính mảnh vườn của mình, từ đó tăng dinh dưỡng, tạo sinh kế, tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững.

Tạo bước đột phá giảm nghèo bền vững ở vùng cao Hà Giang ảnh 4Gia đình bà Giàng Thị Pháy ở thôn Pả Vi Thượng, xã Pả Vi, huyện Mèo Vạc cải tạo, chăm sóc 1 ha vườn trồng xen kẽ ngô và các loại rau màu. Ảnh: Nam Thái

Trong hai năm vừa qua, huyện Mèo Vạc có 260 hộ thực hiện cải tạo vườn tạp, trong đó có 204 hộ được thụ hưởng chính sách theo Nghị quyết số 58 về chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế vườn hộ và phát triển bền vững cây cam sành trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 với tổng số tiền giải ngân gần 6 tỷ đồng. Kết quả cho thấy, đối với hộ được thụ hưởng chính sách đã cải tạo tổng diện tích trên 1.265.000 m2. Theo Ban Chỉ đạo Chương trình cải tạo vườn tạp huyện Mèo Vạc, qua theo dõi, thu nhập mang lại sau khi thực hiện cải tạo vườn tạp đã trừ chi phí đầu tư, bình quân mỗi hộ thu nhập từ 10,4 triệu đồng trở lên/năm.

Tạo bước đột phá giảm nghèo bền vững ở vùng cao Hà Giang ảnh 5Người dân xã Sủng Trà, huyện Mèo Vạc xếp đá làm bờ rào, đổ đất tạo vườn. Ảnh: Nguyễn Chiến

Ông Hồng Mí Sinh, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Mèo Vạc đánh giá, từ khi triển khai Nghị quyết 05, các hộ đã có khu vườn đẹp, cho ra những sản phẩm có giá trị, phù hợp điều kiện kinh tế gia đình. Tư duy, nhận thức được nâng lên, nhiều hộ mạnh dạn hơn trong việc thay đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn trước đây.

Nam Thái

(DTMN)

Có thể bạn quan tâm