Rác thải sinh hoạt tồn đọng tại Nhà máy xử lý rác thải của Công ty cổ phần Đầu tư - Phát triển Tâm Sinh Nghĩa gây ô nhiễm môi trường. Ảnh:TTXVN |
Thành phố Hà Nội và các tỉnh đồng bằng sông Hồng đang phải đối mặt với một trong những vấn đề lớn là việc đốt rơm rạ và các phụ phẩm nông nghiệp. Hành động đốt ngoài trời không những gây ra những hậu quả có thể thấy trước mắt như ô nhiễm không khí và khói, gia tăng nhiệt độ cục bộ, mà còn có thể ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng về lâu dài do nguy cơ phát sinh các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy, tồn tại bền vững trong môi trường.
Thạc sĩ Nguyễn Trung Thuận, Cục Kiểm soát ô nhiễm, Tổng cục Môi trường, cho rằng 28 nhóm chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy (POP) có trong nhiều lĩnh vực, liên quan đến nhiều bộ, ngành. Các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy mới và hóa chất trong sản phẩm và các lĩnh vực đa dạng. Nhiều chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy chưa có quy định quản lý, nhiều khu vực ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy cần phải xử lý.
Đối với Việt Nam, để thực hiện kế hoạch quốc gia cập nhật thực hiện Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy, các chương trình nâng cao nhận thức đóng vai trò quan trọng, tích hợp quản lý ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy với các hóa chất nguy hại, chất thải; cần thúc đẩy tăng cường năng lực nghiên cứu, đánh giá, quản lý và xử lý an toàn, kiểm soát ô nhiễm; huy động sự tham gia tích cực hơn của các bên liên quan; tăng cường năng lực đánh giá, quản lý rủi ro, xử lý ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy và các khu vực ô nhiễm.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Ánh Tuyết, Đại học Bách khoa Hà Nội, rác sinh khối là phần sinh khối hữu cơ bị thải bỏ như củi, gỗ, rơm rạ, bã mía, phế phẩm nông nghiệp, phân động vật khô… Đốt hở không thể kiểm soát được quy trình và các chất phát tán gây ô nhiễm. Trong đó, bụi mịn đang là một trong sáu yếu tố chính gây ô nhiễm không khí và được xem là yếu tố gây ô nhiễm trầm trọng nhất ở các nước đang phát triển. Bởi vậy, tìm kiếm các phương pháp tận dụng rác sinh khối theo cách an toàn, thân thiện với môi trường sẽ làm giảm khối lượng phải đem đốt.
Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Truyền thông Môi trường Nguyễn Việt Dũng cho biết, có nhiều mô hình cộng đồng tối ưu hóa trong nông nghiệp giảm thiểu sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, tăng phân hủy sinh khối tại ruộng. UBND tỉnh Bắc Giang phối hợp hướng dẫn bà con ủ phế phẩm cộng với một số hóa chất sinh học tăng khả năng phân hủy của sinh khối; tận dụng vỏ trấu, rơm làm chất đốt như than nén để thay thế than củi; sản xuất giấy từ mùn cưa…
Tiến sĩ Đào Đức Liêm, Trung tâm Phát triển nông nghiệp bền vững đề xuất các giải pháp sử dụng phế/phụ phẩm nông nghiệp như sản xuất thủ công mỹ nghệ từ rơm, xơ dừa, bẹ ngô; vật liệu xây dựng/ván ép từ mùn cưa, gỗ, rơm; làm thức ăn chăn nuôi từ rơm rạ, thân ngô, rau xanh; làm đệm lót sinh học trong chăn nuôi; bể biogas… Các công nghệ áp dụng như công nghệ sinh học, công nghệ sinh học kỹ thuật cao, thủy phân yếm khí, khí hóa, vi sinh. Tuy nhiên, mô hình sẽ chỉ được người dân áp dụng nếu đem lại hiệu quả tức thì và lâu dài, mô hình và kỹ thuật phải phù hợp với nhiều mức đầu tư khác nhau, dễ áp dụng, bảo vệ sức khỏe con người.
Minh Nguyệt