Trụ sở Huyện ủy Tân Biên ngày nay đã khang trang, sạch đẹp. Ảnh: Thanh Tân – TTXVN |
Gần một phần tư thế kỷ tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược tại Việt Nam, riêng trên đất Tân Biên, Mỹ - Ngụy đã trút xuống hàng chục triệu tấn bom đạn, vũ khí hóa học, hàng chục nghìn trái mìn. Chúng sử dụng lực lượng quân sự hùng hậu, tinh nhuệ nhất, với hàng trăm cuộc càn quét từ cấp tiểu đoàn trên quy mô tập trung tiềm lực quân sự mạnh nhất, để tìm diệt các cơ quan đầu não của cách mạng miền Nam. Đế quốc Mỹ cũng sẵn sàng dùng mọi thủ đoạn, biện pháp, phương tiện chiến tranh để hủy diệt, để biến Tân Biên thành vùng đất trắng.
Với ý chí sắt đá, tinh thần bất diệt và sức sống mãnh liệt, mỗi người dân Tân Biên đã sớm trở thành một người lính, xóm ấp trở thành tường thành kiên cố, vững chắc, chặn bước quân thù, che chắn vùng căn cứ thiêng liêng Trung ương cục miền Nam. Mỗi chiến sĩ cách mạng là một dũng sĩ diệt Mỹ, anh hùng mỗi đoạn đường, địa danh, góp phần khắc ghi nhiều chiến công oanh liệt. Tân Biên trở thành thánh địa bất khả xâm phạm của vùng căn cứ địa cách mạng miền Nam.
Nguyên Bí thư Huyện ủy Tân Biên Nguyễn Văn Sáu (Sáu Dò), sinh năm 1932, hiện ngụ tại thị trấn Tân Biên, huyện Tân Biên (tỉnh Tây Ninh) nhớ như in những ngày đất nước vừa được hoàn toàn giải phóng. Khi đó cả huyện Tân Biên gần như nơi nào cũng có dấu vết cày xới của bom đạn. Cuộc sống người dân vô cùng khó khăn. Làng xóm chỉ có những mái nhà tranh nghèo xơ xác, thưa thớt bóng người. Trường học, trạm y tế sơ xài; các cơ quan Nhà nước, Huyện ủy chỉ là những nhà mái tranh, len lỏi trong rừng, với vài bộ bàn ghế đơn sơ để làm việc. Đất đai ở Tân Biên khi ấy rộng lớn, thích hợp trồng nhiều loại cây lương thực… nhưng phần lớn bỏ hoang hóa do chiến tranh ác liệt, người dân phiêu dạt khắp nơi tìm kế sinh nhai.
Đồng chí Nguyễn Văn Sáu (giữa) nguyên Bí thư Huyện ủy Tân Biên kể lại những ngày khó khăn của Tân Biên. Ảnh: Thanh Tân - TTXVN |
Mỗi nhiệm kỳ Đại hội trôi qua, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Tân Biên đều tập trung trí tuệ lãnh đạo các tầng lớp nhân dân từng bước phấn đấu vươn lên, phát triển kinh tế - xã hội, ổn định an ninh chính trị.
Với 12 dân tộc anh em, tập quán, trình độ khác nhau, phân bố rải rác, mật độ dân số thấp, việc xây dựng chương trình, mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới đã phát huy được sức mạnh của cả hệ thống chính trị, được toàn dân hưởng ứng và triển khai rất tích cực.
Ngày nay, những di chứng của chiến tranh dần dần đã biến mất trên mảnh đất Tân Biên. Ông Sáu Dò cho biết: Tân Biên đang thay đổi từng ngày. Những con đường rộng thênh thang được trải nhựa phẳng tắp nối liền các xã, hai bên đường là những khu dân cư sầm uất. Nhà cửa, khu thương mại, trường học, bệnh viện… được xây dựng kiên cố và khang trang. Những cánh đồng mía, sắn, vườn cao su và cây ăn quả xanh tốt là thành quả đáng ghi nhận của chính quyền, nhân dân Tân Biên.
Đời sống nhân dân cũng từng bước được ổn định, không ngừng cải thiện. Tỷ lệ hộ nghèo trên toàn huyện chỉ còn 2,01% (năm 2019). Nhiều công trình phúc lợi công cộng như điện - đường - trường - trạm khang trang và từng bước hiện đại ở các vùng xa, vùng sâu biên giới trên địa bàn huyện. Sự nghiệp y tế - văn hóa - giáo dục đáp ứng được yêu cầu đời sống nhân dân và ngày càng hội nhập với sự phát triển chung của tỉnh.
Tốc độ phát triển kinh tế tăng trưởng bình quân hàng năm đạt trên 8%; tỷ trọng nông - lâm nghiệp chiếm 45,75%; công nghiệp - xây dựng, chiếm 38,8%; thương mại - dịch vụ, chiếm 15,45%. Sản xuất nông – lâm tăng bình quân hàng năm 2,4%.
Bí thư Huyện ủy Tân Biên Thành Từ Dũ cho biết, mục tiêu của huyện là xây dựng Tân Biên đạt chuẩn huyện nông thôn mới trong nhiệm kỳ 2020-2025. Trước mắt từ năm 2021, huyện phấn đấu sớm hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới ở 3 xã còn lại Thạnh Bắc, Trà Vong và Thạnh Tây (huyện đã có 6/9 xã nông thôn mới) và xây dựng thị trấn Tân Biên trở thành đô thị văn minh. Huyện khuyến khích, thúc đẩy các hoạt động mậu dịch biên giới tại hai cửa khẩu quốc tế Xa Mát và Tân Nam; cùng bốn cặp cửa khẩu phụ, nhằm tạo sự chuyển biến tích cực trong thay đổi cơ cấu kinh tế, tăng cường lưu thông hàng hóa qua biên giới Việt Nam - Campuchia.
Phạm Thanh Tân