Tấm lòng người dân Bạc Liêu với Bác Hồ

“Bác nhớ miền Nam nỗi nhớ nhà/Miền Nam mong Bác nỗi mong Cha”. Sinh thời, Bác Hồ luôn dành tình cảm đặc biệt cho miền Nam ruột thịt. Dù điều kiện chưa cho phép Bác vào thăm nhân dân miền Nam nhưng trong trái tim mỗi người dân miền Nam nói chung, Bạc Liêu nói riêng mãi luôn có Bác. Nhớ Bác, người dân Bạc Liêu lập đền thờ, làm lễ giỗ Bác và luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, tích cực lao động, xây dựng quê hương ngày thêm giàu đẹp.

vna_potal_bac_lieu_dang_huong_tuong_niem_bac_ngay_tet_doc_lap_7569511.jpg
Các cụ cao niên dâng hương tưởng niệm Bác. Ảnh: Chanh Đa - TTXVN

* Nơi lưu giữ những ký ức về Bác

Chúng tôi về xã Châu Thới (huyện Vĩnh Lợi) vào đúng dịp giỗ Bác (21/7 Âm lịch) và được trò chuyện với cựu chiến binh Nguyễn Văn Khoa (Bảy Khoa), nguyên Đội trưởng Đội bảo vệ Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh (nay là Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Cựu Chiến binh thắp hương, tưởng niệm Bác Hồ tại xã Châu Thới).

Ông Bảy Khoa kể lại: Ngày ấy, tin Bác mất làm cho quân dân cả nước, từ cụ già đến trẻ nhỏ không ai cầm được nước mắt. Sau đó, Huyện ủy Vĩnh Lợi đã mượn tạm ngôi nhà của người dân làm lễ truy điệu, để tang Bác và là nơi để người dân nhang khói cho Người. Năm 1971, địch càn quét ấp Bà Chăng A, dã tâm đốt phá nơi thờ Bác. Hành động ấy khiến nhân dân căm phẫn, quyết tâm biến đau thương thành hành động. Giặc phá đền thì quân dân Châu Thới anh hùng quyết tâm lại xây lại. Năm sau, ngôi đền được khởi công xây dựng và hoàn thành trong 24 ngày vất vả, bí mật. Đền thờ Bác được bảo vệ an toàn đến ngày đất nước thống nhất.

“Tôi làm nhiệm vụ bảo vệ, trông coi Đền thờ Bác Hồ từ năm 1972 đến nay. Vì thế mà từng tư liệu, hình ảnh về Bác được trưng bày, lưu giữ trong đền thờ tôi nhớ rất rõ. Khi khách đến thăm viếng, ai muốn tìm hiểu, tôi sẵn sàng kể lại từ việc xây dựng đền thờ cho đến tình cảm của nhân dân Châu Thới dành cho Bác trong kháng chiến cũng như ở hiện tại.” - ông Bảy Khoa bộc bạch.

Qua bao năm tháng kiên trì, dũng cảm đấu tranh gìn giữ Đền thờ Bác, giờ đây, người dân Châu Thới tự hào khi Đền được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia. Ðây là niềm tự hào của Ðảng bộ và quân dân tỉnh Bạc Liêu nói chung, huyện Vĩnh Lợi nói riêng.

Đến nay, Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Châu Thới được đánh giá là một trong những đền thờ Bác đẹp nhất ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Đền được xây dựng trên một khuôn viên đất rộng với các công trình hạng mục chính như: Ngôi đền thờ Bác Hồ, nhà bao che đền, nhà trưng bày, hội trường và phòng làm việc, khu vườn được trồng nhiều loại cây xanh…

vna_potal_bac_lieu_dang_huong_tuong_niem_bac_ho_trong_ngay_tet_doc_lap_7569510.jpg
Lãnh đạo Huyện ủy, UBND các huyện Vĩnh Lợi và Hòa Bình dâng hoa tại Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Chanh Đa - TTXVN

* Những việc làm ý nghĩa

Năm 2014, Câu lạc bộ Cựu chiến binh thắp hương, tưởng niệm Bác Hồ được thành lập từ lời gợi ý của đồng chí Võ Văn Dũng (lúc đó là Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu, sau khi dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư ấp Bà Chăng A, xã Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi). Câu lạc bộ hiện có gần 50 thành viên là những cựu chiến binh ở các ấp và người dân được chia thành 10 tổ. Các tổ sẽ luân phiên thắp hương tại đền thờ Bác hằng ngày và đã đều đặn trong suốt 10 năm qua. Những nén hương được các thành viên thắp lên với tinh thần, trách nhiệm cao nhất bởi nó xuất phát từ tình cảm thiêng liêng dành cho Bác.

Ông Tô Văn Nhẫn (thành viên Câu lạc bộ) chia sẻ: “Việc thắp hương là để thể hiện lòng biết ơn đối với vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc. Dù sức khỏe đã yếu, đi lại khó khăn, nhà xa nhưng bất kể trời nắng hay mưa, tôi vẫn luôn có mặt vào lúc 4 giờ 30 phút để thắp hương cho Bác. Hôm nào bệnh phải vắng mặt, tôi đành nhờ các thành viên khác làm thay. Tuy đây là công việc đơn giản nhưng nếu không có lòng thành, tinh thần tự giác cao thì khó có thể duy trì được. Tôi sẽ tiếp tục làm cho đến khi không còn sức đi lại được nữa”.

Bên cạnh việc thắp hương, Câu lạc bộ còn tổ chức lễ giỗ Bác vào ngày 21/7 Âm lịch hằng năm. Theo ông Khưu Tam Phước, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Cựu chiến binh thắp hương, tưởng niệm Bác Hồ: “Trước đây, chúng tôi tổ chức giỗ Bác vào ngày tết Độc lập 2/9. Từ năm 2014, Câu lạc bộ đã tổ chức giỗ Bác vào ngày 21/7 Âm lịch cho phù hợp với truyền thống thờ cúng của ông bà. Năm nào cũng vậy, đến ngày giỗ Bác, người đem trái cây, xôi chè, những chiếc bánh dân gian thành kính dâng lên Bác. Mâm cơm dù giản dị, đơn sơ với những đặc sản có sẵn tại địa phương nhưng ấm áp nghĩa tình”.

Ông Lê Văn Nghĩa (thành viên Câu lạc bộ) bày tỏ, ngày này, hàng triệu trái tim trên mọi miền đất nước đều tưởng nhớ đến Người. Ông cũng không ngoại lệ. Đến ngày giỗ Bác, ông cùng mọi người sửa soạn mâm cơm cúng Bác. Đây còn là dịp để các thành viên nhắc nhở nhau học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh bằng những việc làm cụ thể, thiết thực cũng như soi rọi bản thân, phấn đấu rèn luyện để xứng đáng với công ơn của Người.

Theo ông Trương Thanh Nhã, Bí thư Huyện ủy huyện Vĩnh Lợi, Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh ở xã Châu Thới từ lâu đã trở thành “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ; đồng thời là địa điểm du lịch thu hút du khách trong và ngoài tỉnh Bạc Liêu đến tham quan, học tập, về nguồn...

Hằng năm, Ðền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là địa điểm được nhiều cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, trường học của huyện và tỉnh tổ chức lễ dâng hương, lễ báo công, lễ kết nạp đảng viên, đoàn viên mới, vui Trung thu.... Thế hệ trẻ trong, ngoài tỉnh về thăm viếng Đền thờ Bác có dịp nghiên cứu, tìm hiểu và học tập noi theo tấm gương của Người để ngày càng đóng góp công sức cho công cuộc đổi mới và xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.

Thành tâm tưởng nhớ Bác, mọi người nhắc nhở nhau không ngừng phấn đấu, rèn luyện theo gương Bác Hồ vĩ đại, cùng nhau xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng phồn vinh, phát triển.

Chanh Đa - Ngọc Di

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm