Những ngày tháng 9 lịch sử, dòng người từ khắp mọi miền nối tiếp nhau đến Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, thăm và tưởng nhớ Bác Hồ - Lãnh tụ kính yêu, vị cha già dân tộc, Người đã soi sáng, dẫn dắt, đưa dân tộc Việt Nam đi đến bến bờ độc lập, tự do, hạnh phúc.
* Bốn phương về bên Người
Nằm ở phường Ngọc Hà, quận Ba Đình (Hà Nội), Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch (gọi tắt là Khu Di tích Phủ Chủ tịch) là nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ năm 1954 cho đến khi Người qua đời, ngày 2/9/1969.
Trong khuôn viên rợp bóng cây xanh, dòng người trật tự, nghiêm cẩn nối tiếp nhau tiến vào Khu Di tích, thăm Nhà sàn nơi Bác ở, thăm ao cá Bác Hồ, thăm con Đường Xoài đầy ắp kỷ niệm... Ai nấy đều xúc động khi được ngắm nhìn những kỷ vật, được nghe những câu chuyện kể về Người.
Theo đoàn tham quan có mặt tại Khu Di tích từ rất sớm, chị Bùi Minh Châu, đến từ Thành phố Hồ Chí Minh, xúc động chia sẻ: Từ miền Nam, tôi được đến Khu Di tích, thăm nơi ở, làm việc của Bác Hồ trong những năm cuối đời, được đi dưới Đường Xoài mát rượi, được thăm ngôi nhà sàn và những kỷ vật thiêng liêng gắn bó với Bác Hồ. Tôi vô cùng xúc động và có cảm giác như Bác vẫn ở nơi này, Người vẫn sống mãi trong trái tim người dân miền Nam.
Anh Nguyễn Văn Long, du khách đến từ Yên Bái, cho biết: "Với lòng kính yêu Bác Hồ, từ rất lâu, tôi đã mong muốn được đến thăm nơi Bác sống, làm việc. Tôi vô cùng xúc động, khi được tận mắt ngắm nhìn những di vật mà Bác Hồ đã từng dùng, được thăm nhà sàn Bác từng sống, được nghe các hướng dẫn viên kể những câu chuyện xúc động về Người, những câu chuyện gắn với từng gốc cây, ao cá... Cảnh vật nơi đây thật gần gũi, thân thuộc như chính ngôi nhà của mình".
Lần giở những cuốn sổ ghi cảm tưởng tại Khu Di tích, người xem không khỏi xúc động bởi những tình cảm sâu sắc, sự kính yêu vô bờ của của người dân Việt Nam trên khắp mọi miền đất nước dành cho Người.
“Hôm nay đoàn cán bộ, công nhân viên lực lượng kiểm soát An ninh hàng không Tân Sơn Nhất được vinh dự về thăm Người. Chúng con càng được hiểu thêm về Bác, vị cha già dân tộc đã cống hiến và hy sinh cả cuộc đời cho nền độc lập tự do của dân tộc. Đảng, Nhà nước, Chính phủ đang tiếp nối con đường Bác dẫn chúng con. Nguyện học tập, phấn đấu theo gương Bác Hồ kính yêu: sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật để dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, quốc thái, dân an, thiên hạ được thái bình và nhân dân được an lạc” (Nguyễn Đức Tiến).
“Kính thưa Bác! Con là Nguyễn Thị Linh - Đại diện cho lớp C11HD1, khoa Hướng dẫn Du lịch, trường Cao đẳng Du lịch Huế. Chúng con từ Huế hôm nay ra thăm Bác. Trong giây phút thiêng liêng này, chúng con mới cảm nhận được sự vĩ đại cùng công ơn to lớn của Người đối với cả dân tộc ta. Chúng con vô cùng biết ơn và đời đời ghi nhớ công ơn của Người. Bác mãi là một vì sao sáng soi đường dẫn lối cho chúng con”.
Không chỉ người dân Việt Nam, du khách và bạn bè quốc tế khi đến thăm Khu Di tích cũng đều thể hiện sự ngưỡng mộ, kính trọng với Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Một du khách người Canada viết: "Tôi ngưỡng mộ và kính trọng dân tộc Việt Nam. Bây giờ tôi đã hiểu vì sao họ lại tốt đẹp và đáng được tôn trọng như vậy. Đó chính là vì có một vị lãnh tụ như Hồ Chí Minh, người đã cống hiến trọn đời vì dân tộc Việt Nam. Các nhà lãnh đạo chính phủ cần học tập từ con người vĩ đại này".
Tháng 5/2024, Đoàn đại biểu Bộ Tư lệnh Thực thi pháp luật Iran thăm Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, ông Ahmad Reza Radan, Tư lệnh Bộ Tư lệnh thực thi pháp luật Cộng hòa Hồi giáo Iran, đã thay mặt đoàn viết cảm tưởng: "Trong tâm trí của chúng tôi, Chủ tịch Hồ Chí Minh là một vĩ nhân, là người truyền cảm hứng trong lịch sử Việt Nam. Với ý chí kiên cường, tinh thần bất khuất, Người là biểu tượng về lòng dũng cảm, sự mạnh mẽ, yêu độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam. Với sự lãnh đạo khôn ngoan, sáng suốt, đấu tranh không mệt mỏi chống chủ nghĩa thực dân cũ và mới xấu xa, nham hiểm; Người đã hy sinh hết mình cho nền độc lập dân tộc, cho tự do của nhân dân Việt Nam cao quý. Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ mãi là một vị lãnh đạo luôn kiên cường chống lại những kẻ cực đoan, giành lại tự do, hạnh phúc cho nhân dân Việt Nam. Người sẽ sống mãi trong tâm trí mỗi người".
Thăm Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch ngày 8/6/2024, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Cộng hòa Boliva Venezuela Yván Gil Pinto đã thay mặt đoàn đại biểu Venezuela bày tỏ tình cảm, lòng ngưỡng mộ với Chủ tịch Hồ Chí Minh qua dòng cảm tưởng xúc động: "Tôi vô cùng vinh dự khi được đến thăm nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhân dân Venezuela luôn coi Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương trong công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền, giữ gìn hòa bình và phát triển đất nước. Cuộc đấu tranh của Việt Nam đã truyền cảm hứng cho chúng tôi tiếp tục đi trên con đường đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Venezuela, của cố Tổng thống Hugo Chávez Frías và của Tổng thống Nicolás Maduro. Chúng tôi sẽ tiếp tục chiến đấu và hai nước chúng ta nhất định thắng lợi. Việt Nam muôn năm. Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn năm".
* Bác như vẫn ở nơi này
Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sống, làm việc ở nhiều nơi, nhưng Khu Phủ Chủ tịch là nơi gắn bó với Người lâu nhất - 15 năm cuối đời (1954-1969). Nơi đây lưu giữ vĩnh viễn hình bóng, ký ức về tư tưởng, đạo đức, phong cách vị lãnh tụ vĩ đại Hồ Chí Minh, Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, nhà văn hóa kiệt xuất, chiến sĩ cộng sản quốc tế, người bạn thủy chung của nhân loại tiến bộ và yêu chuộng hòa bình.
Giám đốc Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, Lê Thị Phượng cho biết: Ngay sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, với lòng biết ơn vô hạn vị lãnh tụ thiên tài của dân tộc, thể theo nguyện vọng của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta, đặc biệt là đồng bào chiến sỹ đang ngày đêm chiến đấu anh dũng hy sinh để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Bộ Chính trị, Trung ương Đảng đã ra quyết định bảo vệ, bảo quản, giữ nguyên trạng nơi ở, làm việc của Người tại Phủ Chủ tịch, để khu vực linh thiêng này trở thành khu di tích lịch sử về Người.
Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch là một trong 10 di tích đầu tiên trong cả nước được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt (đợt 1, năm 2009). Đây là di tích nguyên gốc duy nhất về Bác, là một trong những di tích lớn nhất, có ý nghĩa quan trọng nhất trong các di tích lịch sử - cách mạng của Việt Nam nói chung và là di tích đầu hệ trong hệ thống di tích lưu niệm về Người trong cả nước nói riêng.
Khu Di tích không có những công trình đồ sộ, hoành tráng gây choáng ngợp mà là những khuôn viên bình dị, thân quen, tuy quy mô và kiến trúc không lớn nhưng lại ẩn chứa những phẩm chất trí tuệ, tư tưởng, phong cách cao đẹp của một bậc vĩ nhân. Trải dài suốt 15 năm đặc biệt quan trọng trong cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tất cả di sản vật chất từ ngôi nhà, vật dụng đến cảnh quan hàng cây, con đường, ao cá…, cùng những di sản tinh thần sâu sắc, phong phú Người để lại đã hội tụ thành "cõi Bác xưa" với một "trường ký ức lịch sử - văn hóa" đầy đủ, nguyên gốc, có thể khẳng định là hiếm có trong hệ thống các di tích, lưu niệm về Người.
Bà Lê Thị Phượng cho hay, sau ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đi xa, những cán bộ từng phục vụ Bác đã tình nguyện ở lại, dốc lòng, dốc sức trông nom, gìn giữ tốt nhất những di tích của Bác, từ ngôi nhà, vườn cây, ao cá đến đồ dùng hàng ngày. Vì thế Khu Di tích về Bác tại Phủ Chủ tịch vẫn được bảo vệ, bảo quản cẩn trọng, chu đáo, các di tích, tài liệu hiện vật của Bác đang được bảo tồn nguyên vẹn như sinh thời Người sống và làm việc. Nhà sàn đúng giờ vẫn có tiếng đài và đèn bật sáng. Cửa vẫn mở hằng ngày, đồ đạc trong nhà vẫn được sắp đặt ngay ngắn, sạch sẽ đợi Người… tất cả vẫn mang hơi thở của sự sống, như Bác vẫn còn hiện hữu nơi này…
Giờ đây, những con đường trong Khu Di tích tuy không còn đón bước chân của Bác mỗi ngày, nhưng đồng bào, đồng chí và bạn bè quốc tế vẫn theo lối sỏi quen đến thăm nơi ở, làm việc của Người. Trên con đường Bác thường đi bách bộ, anh chị em ngày ngày vẫn quét dọn sạch sẽ, hàng rào râm bụt vẫn được cắt xén vuông vắn. Ven bờ ao, bụt mọc vẫn dầm chân đứng đợi. Vườn của Bác, cam bưởi vẫn thơm, bóng dừa vẫn mát. Bên rễ đa tròn, các cháu thiếu nhi vẫn nô đùa…
"Không một ai đến thăm nơi ở khiêm nhường này mà không trào dâng xúc cảm, trước sự vĩ đại của một con người đã trở thành huyền thoại, ngay cả trong cuộc sống đời thường của mình", bà Lê Thị Phượng xúc động chia sẻ.
Trong suốt 55 năm qua, Khu Di tích trở thành một trong những điểm đến thiêng liêng và ý nghĩa đối với nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế. Nơi đây chính là "cõi Bác xưa" quý giá muôn đời, là "địa chỉ đỏ" của đất nước, nơi hội tụ, lan tỏa những giá trị tư tưởng, đạo đức và phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Phương Lan