Coi nhẹ an toàn
Ngày 1/3/2016, hai vụ TNLĐ xảy ra tại Đồng Nai và Nghệ An, làm hai nạn nhân tử vong. Cả hai nạn nhân đều rơi từ độ cao khoảng chục mét xuống đất. Còn theo báo cáo của Sở LĐTBXH tỉnh Thanh Hóa, trong những ngày đầu năm 2016, tại lò nung vôi thôn Yên Thái (xã Hoàng Giang, huyện Nông Cống, Thanh Hóa) đã xảy ra vụ TNLĐ nghiêm trọng, khiến 8 người thiệt mạng. Trước đó, ngày 9/1, tại công trình cầu Suối Quanh (huyện Quan Hóa) đã xảy ra một vụ TNLĐ khiến 4 công nhân thiệt mạng.
|
Tổng hợp từ 238 biên bản điều tra các vụ tai nạn năm 2015, thì lĩnh vực xây dựng dẫn đầu các vụ tai nạn lao động chết người, chiếm hơn 35% tổng số vụ tai nạn chết người và 37,9% tổng số người chết. Yếu tố ngã từ trên cao chiếm 28,1% tổng số vụ và 26,4% tổng số người chết, điện giật chiếm 18,9% tổng số vụ và 17,2% tổng số người chết, vật rơi và đổ sập chiếm 16,8% tổng số vụ. Về nguyên nhân, người sử dụng lao động gây ra 52,8% số vụ TNLĐ. Trong đó, người sử dụng lao động không xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn chiếm 25,2% tổng số vụ; thiết bị không đảm bảo ATLĐ chiếm 14,3% tổng số vụ; người sử dụng lao động không huấn luyện ATLĐ cho người lao động chiếm 9,7% tổng số vụ. Người lao động gây nên 18,9% số vụ với các lỗi như vi phạm quy trình quy chuẩn ATLĐ, không sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân chiếm 1,7% tổng số vụ...
Sẽ có chế tài thật mạnh
Theo ông Nguyễn Anh Thơ, Phó Cục trưởng Cục An toàn lao động (Bộ LĐTBXH), qua điều tra thực tế các vụ TNLĐ, đa phần công tác huấn luyện, kiểm định thiết bị còn nhiều lỗ hổng; các đơn vị vận hành không tuân thủ đúng quy trình. Đơn cử như các vụ TNLĐ liên quan đến gẫy cần cẩu, công tác kiểm định sơ sài, công nhân vận hành và người giám sát thiếu kiến thức chuyên môn, quy trình ghi rõ không được cho phép hoạt động trong những khung giờ có nhiều người qua lại… Bên cạnh đó, việc giám sát kiểm tra các đơn vị chức năng tại địa phương còn chưa được thường xuyên và thực chất. Khi xảy ra vụ TNLĐ, các doanh nghiệp không báo cáo, mà chọn giải pháp thỏa hiệp với người nhà nạn nhân, nên số vụ việc đơn vị báo cáo chỉ chiếm 10%.
Khi xảy ra tai nạn lao động, các doanh nghiệp thường chọn giải pháp thỏa hiệp với người nhà nạn nhân, nên số vụ việc mà doanh nghiệp báo cáo chỉ chiếm 10%. |
Ông Lê Văn Trình, Phó Chủ tịch Hội khoa học kỹ thuật ATLĐ cho rằng: “Công tác huấn luyện nhiều nơi thả lỏng, dẫn đến huấn luyện kém. Đơn vị huấn luyện nhiều khi chỉ làm hình thức cho có. Do đó nếu cơ quan chỉ kiểm tra trên giấy tờ thì doanh nghiệp đều có giấy tờ hợp hợp lệ, nhưng thực tế nhiều đơn vị không tổ chức huấn luyện mà “bắt tay nhau” làm giấy tờ khống. Do đó, để thực hiện Luật ATVSLĐ có hiệu lực từ 1/7/2016, cơ quan chức năng cần có quy trình kiểm tra và chế tài xử phạt thật nặng đơn vị vi phạm”.
Bên cạnh đó, công nghệ sản xuất ở nhiều ngành còn lạc hậu, điều kiện lao động không đảm bảo ATVSLĐ, nhất là trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trong khi đó, các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng, khai khoáng, cơ khí luyện kim, đóng tàu còn sử dụng tới 70% lao động thủ công, huấn luyện sơ sài. Nhiều công đoạn trong dây chuyền sản xuất người lao động phải làm việc trong điều kiện lao động có nguy cơ mất an toàn. “Do đó, công tác huấn luyện ATLĐ sẽ được chú trọng, nguồn kinh phí sẽ được trích 10% từ Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp. Với quy định này trong Luật ATVSLĐ, sẽ giúp các cơ sở chủ động trong huấn luyện, phòng ngừa”, ông Doãn Mậu Diệp, thứ trưởng Bộ LĐTBXH cho biết.
C