Tác động tích cực từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng ở Kon Tum

Tác động tích cực từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng ở Kon Tum
Quản lý, bảo vệ rừng khó khăn do kinh phí hạn hẹp

Chịu trách nhiệm quản lý và bảo vệ hơn 36.000 ha rừng, thời điểm trước năm 2011, nguồn kinh phí được cấp hàng năm chỉ hơn 700 triệu đồng, thực sự là bài toán khó cho hoạt động quản lý và bảo vệ rừng của Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Lâm nghiệp Đăk Tô. Với số tiền đó, mọi hoạt động quản lý và bảo vệ rừng của Công ty rất khó khăn. Có thời điểm Công ty phải nợ lương của các cán bộ, công nhân, viên chức. Đặc biệt, nguồn kinh phí hạn hẹp không đáp ứng đủ thu nhập, đảm bảo mức sống của nhân viên, nhiều người đã phải nghỉ việc để tìm công việc khác có mức thu nhập tốt hơn.

Ông Vũ Văn Cương, Phó Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Lâm trường Đăk Tô cho biết: Thời điểm trước năm 2011 thật sự là thời kỳ khó khăn của tất cả các đơn vị lâm nghiệp. Kinh phí hạn hẹp trong khi phải đảm nhận quản lý và bảo vệ diện tích rừng lớn, mức thu nhập của người lao động không được đảm bảo nên nhiều người phải nghỉ việc. Nhất là từ năm 2005 - 2010, nhiều lao động phải nghỉ việc do thu nhập quá thấp.

Cũng tương tự như Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Lâm nghiệp Đăk Tô, nhiều đơn vị lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Kon Tum cũng rơi vào tình trạng này. Chịu trách nhiệm quản lý và bảo vệ hàng ngàn ha rừng, nhất là các diện tích rừng đặc dụng, rừng phòng hộ trong khi kinh phí hạn hẹp nên để tồn tại, bảo vệ tốt diện tích rừng được giao, hầu hết các đơn vị phải gồng gánh hoặc “cắt chỗ này vá chỗ kia”.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kon Tum, khó khăn lớn nhất gặp phải khi chưa thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng là việc các Công ty lâm nghiệp không có đủ kinh phí để thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng. Các hộ gia đình, công đồng dân cư được giao rừng không được hỗ trợ kinh phí quản lý, bảo vệ rừng nên hiệu quả quản lý, bảo vệ rừng rất thấp. Tình trạng khai thác, phá rừng trái phép, cháy rừng thường xuyên xảy ra.

UBND các xã không có kinh phí triển khai quản lý, bảo vệ rừng trên diện tích đang tạm giao, còn với các Ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng được ngân sách nhà nước đảm bảo kinh phí hoạt động nhưng chưa tương xứng với nhiệm vụ. Các hoạt động hỗ trợ như trồng rừng phòng hộ, đặc dụng, trồng cây phân tán, hỗ trợ chốt trạm quản lý, bảo vệ rừng, công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật bảo vệ và phát triển rừng rất hạn chế.

Những tác động tích cực

Với ngành lâm nghiệp tỉnh Kon Tum nói riêng và cả nước nói chung, thời kỳ khó khăn được tháo gỡ bắt đầu khi Chính phủ thông qua chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. Các đơn vị quản lý và bảo vệ rừng sống “dựa” vào ngân sách hạn hẹp nay đã có một nguồn kinh phí đáng kể để hoạt động. Từ đó, hiệu quả công tác quản lý và bảo vệ rừng cũng được cải thiện rất rõ.

Theo ông Vũ Văn Cương, Phó Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Lâm trường Đăk Tô: Hiện kinh phí chi cho hoạt động quản lý, bảo vệ rừng, tiền lương… đều sử dụng từ nguồn Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Kon Tum. Nhờ đó, hoạt động giao khoán rừng cho các cộng đồng dân cư tham gia bảo vệ thuận lợi hơn, người dân đã có thu nhập từ việc bảo vệ rừng. Những công tác khác như xây dựng hệ thống phòng cháy chữa cháy rừng được xây dựng bài bản, quy mô hơn. Thu nhập của người lao động được cải thiện rất nhiều so với trước. Trung bình thu nhập của cán bộ, công nhân, viên chức trong Công ty hiện đạt 6 triệu đồng/người/tháng.

Với những công ty còn ở thời kỳ đầu như Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Lâm nghiệp Ia H’drai, nguồn kinh phí hơn 5 tỷ đồng từ Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh cấp hàng năm đã hỗ trợ rất nhiều. Nằm ở khu vực biên giới, chịu trách nhiệm quản lý gần 30.000 ha, dù kinh phí không được dồi dào như các đơn vị khác nhưng các hoạt động bảo vệ rừng như giao khoán rừng cho người dân, xây dựng các hạng mục phòng cháy chữa cháy rừng, tuần tra kiểm soát bảo vệ rừng đã có nguồn để thực hiện.

Ông Ngô Văn Hải, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Lâm nghiệp Ia H’drai khẳng định: Nguồn kinh phí từ dịch vụ môi trường rừng phát huy hiệu quả cao. Mọi hoạt động quản lý, bảo vệ rừng đã có kinh phí để thực hiện. Từ nguồn này, Công ty đã giao khoán được hơn 1.600 ha rừng cho 4 thôn trực tiếp bảo vệ. Nhiều hạng mục cho công tác phòng cháy chữa cháy rừng, tuần tra kiểm soát bảo vệ rừng đã thuận lợi hơn rất nhiều.

Theo kết quả nghiệm thu của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh và các Ban chi trả dịch vụ môi trường rừng cấp huyện, diện tích rừng cung ứng dịch vụ môi trường rừng năm 2017 của tỉnh Kon Tum hơn 360.000 ha. Trong đó, 22 đơn vị chủ rừng là tổ chức quản lý hơn 288.000 ha; 74 UBND xã, thị trấn quản lý hơn 27.000 ha; 3.597 hộ gia đình, 21 cộng đồng dân cư được nhà nước giao đất, giao rừng quản lý diện tích rừng cung ứng dịch vụ khoảng hơn 44.000 ha. Tổng số tiền dịch vụ môi trường rừng năm 2017 đã thanh toán hơn 151 tỷ đồng.

Từ số tiền thu dịch vụ môi trường rừng hằng năm (thu từ các nhà máy thủy điện trên địa bàn tỉnh), các chủ rừng là tổ chức nhà nước và UBND các xã, các đơn vị, địa phương đã thực hiện khoán quản lý, bảo vệ rừng cho 1.462 hộ gia đình, cá nhân; 157 nhóm hộ; 286 cộng đồng dân cư thôn và 4 tổ chức với diện tích rừng hơn 132.000 ha.

Có thể khẳng định chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã tạo cơ sở kinh tế bền vững để đầu tư cho công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Đặc biệt đã giảm được gánh nặng cho ngân sách nhà nước chi cho công tác quản lý bảo vệ rừng, các đơn vị chủ rừng đã chủ động về nguồn tài chính hàng năm để triển khai các hoạt động bảo vệ rừng hiệu quả. Qua đó, góp phần ổn định diện tích rừng hiện có cả về số lượng, chất lượng và phát triển rừng mới.

Việc thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng không những từng bước cải thiện đời sống của người dân, nâng cao ý thức trách nhiệm của các chủ rừng trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, nâng số hộ gia đình, nhóm hộ, cộng đồng dân cư thôn được nhận khoán bảo vệ rừng mà còn huy động được một nguồn lực lớn cho công tác tuần tra, bảo vệ rừng một cách thường xuyên. Từ đó, đẩy mạnh công tác xã hội hóa nghề rừng, góp phần tích cực giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, an ninh chính trị và trật tự xã hội được ổn định ở các địa bàn dân cư, nhất là ở vùng sâu, vùng xa của tỉnh.

Việc hưởng lợi từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã tác động tích cực đến ý thức, vai trò, trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương, các chủ rừng là tổ chức cũng như người dân trong công tác bảo vệ và phát triển rừng. Các chủ rừng được giao quản lý, bảo vệ rừng tăng cường các biện pháp, phối hợp các ngành chức năng tổ chức tuần tra, kiểm soát, truy quét các cá nhân, tổ chức, đối tượng phá rừng, xử lý nghiêm những đối tượng vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng.

Theo số liệu của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Kon Tum, trong 6 tháng đầu năm 2018, số vụ vi phạm pháp luật về rừng trên địa bàn là 257 vụ, khối lượng gỗ vi phạm 1.543 m3 gỗ tròn, quy tròn các loại, tổng diện tích rừng bị thiệt hại 8,625 ha. So với 6 tháng đầu năm 2017, số vụ vi phạm giảm 105 vụ (tương ứng 29%), khối lượng gỗ vi phạm giảm 582,403 m3 gỗ tròn, quy tròn các loại (tương ứng 27,4%), diện tích rừng thiệt hại tăng 0,042 ha (tương ứng 0,5%).
 
Quang Thái

Có thể bạn quan tâm