Diện mạo làng quê thay đổi, những con đường bê tông rộng rãi, những ngôi nhà khang trang mọc lên san sát, đời sống nhân dân ngày càng nâng cao cả về vật chất và tinh thần, khoảng cách giữa nông thôn và thành thị được rút ngắn. Đây là thành quả của sự đồng lòng, chung sức của nhân dân tạo nên những miền quê đáng sống trên quê hương Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc.
Đưa phố về làng
Nhà văn hóa thôn Tân Tiến, xã Triệu Đề, huyện Lập Thạch giờ đây to đẹp, được trang bị đầy đủ loa đài, ghế ngồi, có sân bóng chuyền, điện chiếu sáng, wifi được lắp đặt miễn phí tại nhà văn hóa thôn, dụng cụ tập luyện thể dục thể thao phong phú…
Ông Nguyễn Đức Tài, Bí thư chi bộ thôn Tân Tiến phấn khởi: "Để có được thành quả này, ngoài sự hỗ trợ của nhà nước, phần nhiều là sự đồng thuận đóng góp của người dân. Từ khi có nhà văn hóa đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, hôm nào cũng nhộn nhịp trẻ em, thanh niên, người già đến vui chơi, tập luyện thể dục, thể thao… tinh thần đoàn kết toàn dân nâng cao, ngày càng gắn bó".
Khác với nhiều vùng quê thuần nông, ở đây các hộ dân vừa sản xuất nông nghiệp, trồng cây cảnh và làm kinh doanh, dịch vụ, thương mại mang lại thu nhập đáng mơ ước, với trên 80% hộ khá, giàu. Thu nhập trung bình của người dân nơi đây đạt 62,5 triệu đồng/năm, vượt cao so với mức trung bình của xã, ông Nguyễn Đức Tài chia sẻ
Đời sống nhân dân được nâng cao, thu nhập ổn định, các phong trào tại phương phát triển, huy động được sự tham gia đông đảo của người dân. Thôn Tân Tiến đã tích cực tuyên truyền, phát động các phong trào thi đua yêu nước như: “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; “Toàn dân bảo vệ môi trường sáng - xanh - sạch - đẹp”; “Điện đường thắp sáng vùng quê”…thu hút đông đảo nhân dân tham gia và đóng góp ủng hộ.
Từ năm 2019 đến nay, nhân dân thôn Tân Tiến đã đóng góp trên 600 triệu đồng để xây mới, cải tạo rãnh thoát nước; trồng hơn 350 cây hoa, trên 6.000 cây chuỗi ngọc, vẽ gần 100 m2 tranh bích họa… Đặc biệt, người dân có ý thức, trách nhiệm trong bảo vệ môi trường, gìn giữ an ninh trật tự, quét dọn, cắt tỉa, làm sạch khu vực xung quanh nhà mình, để đường làng luôn sạch đẹp.
Tân Tiến chỉ là một trong số rất nhiều làng quê ở huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc đang khoác lên mình chiếc áo mới, theo hướng văn minh, hiện đại. Kết quả này là tiền đề quan trọng để các địa phương tiếp tục nỗ lực vươn lên, xây dựng những làng quê đáng sống.
Nâng cao đời sống
Xác định mục tiêu chính của chương trình xây dựng nông thôn mới là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, xã Xuân Lôi, huyện Lập Thạch đã tập trung chỉ đạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, tổ chức lại sản xuất theo hướng hiện đại, tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất.
Trong xã ngày càng xuất hiện nhiều mô hình kinh tế đem lại hiệu quả cao như: Mô hình chăn nuôi gà thịt của hộ ông Trần Văn Tạo, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm; mô hình ứng dụng công nghệ cao chăn nuôi gà đẻ của gia đình ông Lê Văn Thuận; mô hình cá thính được cấp giấy chứng nhận OCOP xếp hạng 3 sao của gia đình bà Trần Thị Lan Anh.
Ông Trần Hùng Vượng, Bí thư Đảng ủy xã cho biết, chương trình xây dựng nông thôn mới đã làm thay đổi diện mạo xã Xuân Lôi hôm nay. Thu nhập trung bình của người dân nơi đây đạt 68 triệu đồng/năm. Kinh tế phát triển ổn định đã tạo nguồn lực để xã đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở vật chất. Đến nay, 100% đường xã, thôn, xóm được trồng cây bóng mát, cây xanh, hoa hai bên đường hoặc hàng rào cây xanh.
Các công trình điện, đường, trường, trạm được đầu tư xây dựng đồng bộ; 100% tuyến đường được bê tông hóa, cứng hóa, bảo đảm sáng - xanh - sạch - đẹp. Các trường học trên địa bàn xã đều đạt chuẩn quốc gia; trong đó, trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia mức độ II. Các thiết chế văn hóa được đầu tư xây dựng đồng bộ.
Ông Trần Hùng Vượng cho biết thêm, trong số gần 400 tỷ đồng cho xây dựng nông thôn mới nâng cao của xã, nhân dân đã đóng góp hơn 50 tỷ đồng; tự xây mới, chỉnh trang nhà cửa, tường rào, công trình phụ trị giá 285 tỷ đồng; ủng hộ và trồng trên 2.500 cây xanh và hoa các loại; xây dựng 20 mô hình, tuyến đường hoa trên các trục đường xã, thôn xóm.
Theo báo cáo của UBND huyện Lập Thạch, đến nay, huyện có 3/18 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao là Triệu Đề, Thái Hòa, Xuân Lôi; 18/173 thôn đạt chuẩn thôn nông thôn mới kiểu mẫu. Huyện Lập Thạch phấn đầu trở thành huyện nông thôn mới vào năm 2025.
Ông Nguyễn Thế Hùng, Chủ tịch HĐND huyện Lập Thạch cho biết, huyện Lập Thạch xác định trọng tâm của chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu là nhằm nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn. Do đó, huyện Lập Thạch sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, phát huy dân chủ, thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.
Cùng với sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, huyện Lâp Thạch huy động tối đa nguồn lực của địa phương, nguồn xã hội hóa, nguồn vốn lồng ghép có hiệu quả thuộc chương trình, dự án trên địa bàn, chú trọng đầu tư hỗ trợ phát triển sản xuất để nâng cao thu nhập và mức sống người dân, nhằm rút ngắn khoảng cách nông thôn và thành thị ở các vùng quê kiểu mẫu.
Nguyễn Thảo