Sức sống mới ở vùng đất Phú Sơn

Sức sống mới ở vùng đất Phú Sơn
Sơn Quý thuộc xã Phú Sơn được xem là thôn tỷ phú với nhà cao tầng, nhà mái Thái mọc lên như nấm. Ảnh: baobinhphuoc.com.vn
Sơn Quý thuộc xã Phú Sơn được xem là thôn tỷ phú với nhà cao tầng,
nhà mái Thái mọc lên như nấm. Ảnh: baobinhphuoc.com.vn

Từ một xã vùng sâu có gần 40% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, số hộ nghèo vẫn còn khá cao với 74 hộ, chiếm 4,96%, điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, Phú Sơn đã chuyển mình trở thành một “điểm sáng” về phong trào xây dựng nông thôn mới. Năm 2018, Phú Sơn đã về đích nông thôn mới sớm hơn kế hoạch.

Phấn khởi trước những thành quả về xây dựng nông thôn mới của địa phương, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Phú Sơn Nguyễn Hữu Yên cho biết, thành công trong xây dựng nông thôn mới ở Phú Sơn chủ yếu là nhờ nội lực, sự đóng góp nhiệt tình của người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số. Sự đồng thuận và đóng góp nhiệt tình của nhân dân đã góp phần không nhỏ giúp xã hoàn thành mục tiêu về đích nông thôn mới. Là xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số, nhưng bà con có sự đồng thuận rất cao. Điển hình như thôn Sơn Thành, thôn Sơn Tân dù đời sống còn nhiều khó khăn, nhưng người dân rất nhiệt tình hưởng ứng xây dựng nông thôn mới. Trong tổng số gần 46 tỷ đồng vốn xây dựng nông nông mới của xã Phú Sơn, thì có gần 5,5 tỷ đồng được huy động trong nhân dân.

Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, “xây dựng con đường là lợi ích lâu dài, là bộ mặt thôn ấp văn minh, sạch đẹp” được người dân đồng tình hưởng ứng. Cụ thể xóm 4, thôn Sơn Thành (đa số hộ là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống) có khoảng 30 hộ đã đóng góp được 80 triệu đồng trong tổng số 160 triệu đồng để xây dựng và hoàn thành con đường bê tông dài 400 m, rộng 3m. Ông Điểu Mông, người dân xóm 4 cho biết: “Chỉ cách đây chưa đầy 1 năm, mỗi khi mưa gió, việc đi lại rất khó khăn, nhất là những người lớn tuổi như tôi. Khi xã, thôn vận động làm đường giao thông nông thôn, tôi hưởng ứng ngay. Con đường hoàn thành giúp mọi người dân xóm 4 đi lại thuận tiện, chất lượng cuộc sống cải thiện thấy rõ”.

Những lợi ích từ việc xây dựng đường giao thông nông thôn thể hiện khá rõ và nhanh chóng lan tỏa đến nhiều thôn, xóm. Con đường xóm 2, thôn Sơn Thành vừa thi công với tổng kinh phí xây dựng 800 triệu đồng, trong đó người dân đóng góp 400 triệu đồng. Con đường có tổng chiều dài 2.100 m, vòng qua những vườn điều, cao su của hàng chục hộ dân. Người dân ở thôn Sơn Thành cho biết, tùy vào diện tích đất mà con đường đi qua, số tiền người dân đóng góp nhiều hay ít. Những hộ ít đất thì góp 1 đến 2 triệu đồng, nhà nhiều đất có thể trên chục triệu đồng, tất cả là vì lợi ích lâu dài, vì phong trào toàn dân chung tay xây dựng nông thôn mới, vì bộ mặt thôn ấp khang trang, sạch đẹp hơn.

Nhà nông ông Điểu Ngúch, thôn Sơn Thành có 6 ha đất trồng điều, cà phê nằm trên trục đường xóm 2. Số tiền mà gia đình ông đóng góp hơn chục triệu đồng cũng không phải nhỏ nhưng rất hợp lý nên từ khi có chủ trương làm con đường, gia đình ông đồng tình và đóng góp ngay. Bởi theo ông, trước mắt có thể tốn kém nhưng lợi ích mà con đường mang lại rất lớn, việc đi lại, vận chuyển nông sản dễ dàng, đất đai cũng giá trị hơn. Ông Điểu Ngúch chia sẻ: Lúc đầu nghe chủ trương xây dựng nông thôn mới tôi chưa hiểu rõ, sau này thấy chỗ khác người dân góp tiền, góp công để xây dựng đường nông thôn mới nên chúng tôi làm theo.

Đường sá khang trang, bà con rất phấn khởi không lo "nắng bụi, mưa lầy" khi mùa mưa đến hoặc mùa khô. Ông Long Kim Phú, thôn Sơn Thành hồ hởi nói: “Lúc chưa làm đường mỗi lần đưa con đi học rất khó khăn. Việc xây dựng con đường nông thôn mới này gia đình tôi thấy ưng lắm, tôi ủng hộ cách làm Nhà nước cùng dân làm đường”.

Theo ghi nhận tại thôn Sơn Thành có 255 hộ, trong đó dân tộc thiểu số chiếm trên 84%. Từ năm 2017 đến nay, thôn Sơn Thành nhờ sự góp sức chung đã xây dựng được 5 tuyến đường bê tông trục thôn, đường liên thôn với tổng chiều dài gần 3,3 km, trị giá gần 2 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp 957 triệu đồng.

Phong trào xây dựng nông thôn mới lan tỏa đến thôn Sơn Tân từ những mô hình đóng góp tự nguyện của nhân dân. Để góp phần xóa nhà tranh tre, nhà tạm tại địa phương, chung sức xây dựng nông thôn mới, hộ ông Điểu Phách và bà Thị Kép đã hiến 2 lô đất mặt tiền rộng 300 m2 để nhà nước xây nhà đại đoàn kết cho hai hộ nghèo không có đất ở.

Gia đình chị H’Run Nia, thôn Sơn Tân là một trong hai hộ được hiến đất để làm nhà. Chị H’Run Nia chia sẻ “Lúc mới về đây đất đai không có, nhờ có vợ chồng anh Phách giúp đỡ gia đình nên gia đình tôi mới có đất để nhà nước làm nhà. Bây giờ cuộc sống ổn định hơn trước rồi. Gia đình tôi cảm ơn anh chị, cảm ơn nhà nước, chính quyền địa phương đã cho nhà ở. Nay không lo cái rét, cái mưa nữa rồi”.

Phong trào xây dựng nông thôn mới ở Phú Sơn đã mang lại nhiều diện mạo mới, niềm vui mới nơi trên vùng quê nghèo của tỉnh Bình Phước. Bà con đã thực hiện nhiều mô hình làm ăn sau khi xã có hội đủ nhiều tiêu chí của nông thôn mới như đường, điện, trường học...Ấm áp hơn khi có nhiều hộ dân hiến đất cho nhiều hộ khó khăn có đất làm nhà. Nhờ việc làm "tử tế" này, Phú Sơn trở thành hình mẫu của xã nông thôn mới điển hình, góp phần cho cuộc sống người dân đổi thay từng ngày.../.

K GỬIH
TTXVN

Có thể bạn quan tâm