Tuy nhiên, thời gian gần đây, từ người dân cho đến doanh nghiệp đều đã cảm nhận được sức nóng của hội nhập không chỉ diễn ra trên bàn đàm phán mà còn tăng nhiệt qua những đổi thay liên tiếp đến cuộc sống và hoạt động sản xuất kinh doanh.Sức nóng hội nhập đang lan tỏa Chị Nguyễn Lan Anh (phường Thanh Xuân, Hà Nội) chỉ là một người nội trợ quanh năm lo chuyện bếp núc nhưng chị cũng cảm nhận ngày càng rõ nét dấu ấn của hội nhập tới cuộc sống của gia đình và những người xung quanh. Chị Lan Anh cho biết: “Nếu như trước đây, thị trường thực phẩm khá đơn điệu với chủ yếu là hàng hóa trong nước thì hiện nay, cùng với quá trình hội nhập, các mặt hàng thực phẩm có nguồn gốc từ nước ngoài ngày càng nhiều, với đủ loại phong phú như thịt bò Mỹ, cá hồi Úc, hoa quả Thái Lan... Nếu trước đây, các loại thực phẩm nhập ngoại khá đắt đỏ thì nay với việc giảm thuế, thậm chí hoa quả Thái Lan chỉ có giá tương đương với hoa quả trong nước”.
|
Nắm bắt cơ hội từ hội nhập, chị Minh Anh (phố Hai Bà Trưng, Hà Nội) thậm chí còn quyết định tiết kiệm tiền để chờ mua ô tô nhập khẩu giá rẻ. Chị Minh Anh cho biết, thuế suất thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ ASEAN về Việt Nam năm 2015 giảm còn 35%, năm 2016 còn 20%, năm 2017 còn 10% và năm 2018 còn 0%. Với lộ trình giảm thuế này, người tiêu dùng Việt Nam có thêm cơ hội sở hữu ô tô nhập khẩu với chất lượng tốt và giá thành ngày càng rẻ hơn. Không chỉ gia đình chị Minh Anh mà nhiều gia đình ở Việt Nam đang chờ cơ hội giảm thuế nhập khẩu để mua sắm ô tô. Thực tế, ngay cả với mức thuế suất thuế nhập khẩu giảm về 35% như trong năm 2015 thì ô tô nhập khẩu từ các nước ASEAN cũng đã tăng lên. Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, năm 2015, cả nước nhập khẩu hơn 25.000 ô tô nguyên chiếc từ Thái Lan, tăng hơn 80% so với cùng kỳ năm ngoái, đứng đầu trong danh sách các nước xuất khẩu xe hơi vào Việt Nam. Nguyên nhân chủ yếu khiến Thái Lan trở thành quốc gia xuất khẩu nhiều ô tô nhất sang Việt Nam là do chính sách ưu đãi thuế trong khu vực ASEAN có hiệu lực từ nhiều năm qua.
Theo đánh giá của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập sâu rộng, cạnh tranh trong kinh tế thị trường ngày càng quyết liệt, thì vừa hợp tác, vừa cạnh tranh là xu thế của thế giới mà Việt Nam không thể đứng ngoài. Muốn hội nhập thành công phải nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, của sản phẩm, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp. |
Ngay cả những người nông dân vốn ít học, quanh năm chỉ biết đến việc sản xuất cũng cảm nhận ngày càng rõ hơn về hội nhập. Gia đình anh Năm, chị Thủy, là một trong những hộ gia đình trồng cam thành đạt của thị trấn Cao Phong, huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình. Anh Năm cho biết, với 3 ha trồng cam, gia đình anh chị có thu nhập tiền tỷ mỗi năm. Tuy nhiên, anh Năm cũng thừa nhận, cam Cao Phong cũng như các loại hoa quả khác của Việt Nam vẫn còn kém sức cạnh tranh so với hoa quả nhập ngoại. Hiện nay, cam Cao Phong bán tại thị trường Hà Nội có giá từ khoảng 50.000 đồng/kg. Tuy nhiên, trong các siêu thị, các loại hoa quả ôn đới nhập khẩu từ Mỹ, Australia và New Zealand cũng chỉ có giá khoảng 70.000 - 80.000 đồng/kg. Cùng với những nông dân trồng cam như anh Năm, các hộ nông dân chăn nuôi lợn cũng là đối tượng chịu nhiều tác động từ hội nhập. Theo tính toán của các chuyên gia nông nghiệp, hiện nay, giá thịt lợn của Mỹ trung bình cao hơn của Việt Nam khoảng 40%, trong đó chi phí vận chuyển mất 20% và 20% còn lại là tiền thuế nhập khẩu. Tuy nhiên, khi Hiệp định TPP có hiệu lực, hầu hết các hàng nông sản đều giảm thuế về 0%, thịt lợn Mỹ sẽ tràn vào Việt Nam và rẻ hơn thịt sản xuất trong nước khoảng 15 - 20%. Như vậy, gia nhập TPP, nông sản Việt Nam sẽ có cơ hội được xuất sang nhiều nước nhưng bên cạnh đó, nông sản của các nước khác cũng sẽ được nhập khẩu ồ ạt hơn. Cộng đồng doanh nghiệp (DN) là đối tượng hiểu rõ nhất về sức nóng của hội nhập đang tăng lên từng ngày. Trong lĩnh vực vật liệu xây dựng, ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Viglacera cho biết, không phải đến giai đoạn này mà từ trước đến nay, các DN trong lĩnh vực vật liệu xây dựng đã phải chịu nhiều sức ép cạnh tranh với hàng Trung Quốc và hàng Thái Lan. Bởi vậy, theo ông Nguyễn Minh Tuấn, bản thân các DN cũng xác định được rằng, trong xu thế hội nhập hiện nay muốn phát triển phải chấp nhận cạnh tranh là xu thế tất yếu, quan trọng là phải có giải pháp chiến lược nâng cao sức cạnh tranh. “DN phải chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm bằng việc đầu tư mạnh cho khoa học công nghệ thì DN Việt Nam vẫn có thể cạnh tranh được với hàng hóa từ các nước ASEAN”, ông Tuấn nhấn mạnh. Riêng với ngành dệt may, khi AEC được thực hiện, các DN cũng xác định cạnh tranh là không tránh khỏi vì khi áp dụng mức thuế suất 0%, hàng dệt may các nước sẽ có thêm cơ hội vào thị trường Việt Nam. Bà Nguyễn Thị Điền, Tổng Giám đốc Công ty TNHH May thêu Giày An Phước cho biết, DN phải đầu tư công nghệ cho sản xuất nhằm hạ giá thành, tăng chất lượng sản phẩm và tăng tính cạnh tranh của hàng hóa. Bên cạnh đó, dệt may Việt Nam cũng có cơ hội liên kết với các quốc gia sản xuất khác trong khối để phát triển nguồn nguyên, phụ liệu, tạo thành nguồn cung ổn định cho sản xuất...Vẫn bảo vệ thị trường trong nước Trong năm 2015 và 2016, nhiều hiệp định thương mại tự do đã và sẽ được ký kết. Trong đó, Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp đinh Thương mại tự do Việt Nam - EU là những hiệp định toàn diện, chất lượng cao với những cam kết sâu rộng về cải cách thể chế, mở cửa thị trường và chế tài thực thi nghiêm ngặt, năm 2016 cũng là năm bắt đầu hình thành cộng đồng kinh tế ASEAN. Những liên kết đa tầng nấc này tạo ra những cơ hội mới to lớn nhưng cũng đặt ra những thách thức mới gay gắt cho đất nước. Tại phiên họp Chính phủ với các bộ ngành, địa phương tổ chức mới đây, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho biết giai đoạn tới, cạnh tranh thị trường, hàng hóa sẽ khốc liệt ngay trên sân nhà khi Việt Nam tham gia ngày càng nhiều vào các hiệp định thương mại tự do. Theo Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, giai đoạn 2016 - 2020 cần thúc đẩy sản xuất hàng hóa ra các thị trường, hiện năng lực sản xuất trong nước còn lớn và dư thừa tiềm năng. Tuy nhiên, Việt Nam cũng phải tính tới hàng hóa các nước, đặc biệt là các nước ASEAN tham gia vào thị trường nên phải cạnh tranh ngay tại sân nhà. Do vậy, cùng với việc nâng cao năng lực cạnh tranh của DN, cơ quan quản lý nhà nước thì Bộ Công Thương, Bộ Tài chính cũng cần nâng cao công tác điều hành, đảm bảo xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh. “Nếu xử lý chậm như hiện nay hàng hóa nước ngoài tràn ngập thị trường thì sẽ thiệt hại lớn. Thời gian tới giải quyết các vụ việc liên quan tới áp dụng các chương trình tự vệ thương mại, chống bán phá giá sẽ ngày càng nhiều, nếu không tăng cường bộ máy quản lý sẽ không bảo vệ được thị trường”, Phó Thủ tướng nói. Trong kiến nghị gửi đến Chính phủ, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành đẩy mạnh thông tin về AEC, TPP và các FTA một cách đồng bộ, rộng rãi, đồng thời ban hành chính sách hỗ trợ phù hợp tạo thuận lợi cho DN, xây dựng hàng rào kỹ thuật, chống bán phá giá trợ cấp cho các ngành sản xuất còn non trẻ và chịu áp lực hội nhập.
Báo Tin Tức