Sông Lô... "oằn mình" bởi nạn "cát tặc"

Sông Lô... "oằn mình" bởi nạn "cát tặc"
Bãi cát do Công ty TNHH Trường Thịnh vẫn có xe tải vào “ăn cát”, trái ngược hoàn toàn lời khẳng định không hoạt động của ông Giám đốc Ngô Xuân Thình.
Bãi cát do Công ty TNHH Trường Thịnh vẫn có xe tải vào “ăn cát”, trái ngược hoàn toàn lời khẳng định không hoạt động của ông Giám đốc Ngô Xuân Thình.
Công ty TNHH Trường Thịnh đóng chân trên địa bàn xã Thanh Thuỷ (Vị Xuyên), từ nhiều năm nay đã có “của ăn của để” nhờ hoạt động khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường. Gần hai chục năm qua, doanh nghiệp cần mẫn khoan núi, nổ mìn, phá đá bán cho các công trình xây dựng trên địa bàn khu Kinh tế Cửa khẩu quốc tế Thanh Thuỷ. Từ năm 2008, doanh nghiệp tiếp tục lấn sân sang lĩnh vực khai thác cát, sỏi và đang nắm trong tay 3 điểm mỏ án ngữ vị trí đầu nguồn sông Lô. Mặc dù chưa được Nhà nước công nhận, cấp phép khai thác cát, nhưng điểm mỏ tại thôn Giang Nam do doanh nghiệp chiếm giữ đã hoạt động từ năm 2008, đúng thời điểm các dự án đầu tư tại khu vực này được triển khai tấp nập. Ông Ngô Xuân Thình, Giám đốc Công ty TNHH Trường Thịnh cho biết, hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép mỗi năm cũng mang lại cho doanh nghiệp nguồn thu tương đối lớn và ổn định.

Cũng trên địa bàn huyện Vị Xuyên, một đoạn sông ngắn thuộc khu vực thị trấn Vị Xuyên, các điểm khác cát trái phép vẫn hoạt động thường xuyên. Theo như đồng chí Lê Thanh Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Vị Xuyên, chính quyền huyện đã kiểm tra, yêu cầu ngừng hoạt động, nhưng xem ra hiệu lực những lần kiểm tra vẫn chỉ nằm trên giấy. Bãi cát do gia đình bà Trần Thị Trường, tổ 13 thị trấn Vị Xuyên chiếm giữ, hoạt động không phép từ 2013, nhưng chính quyền địa phương vẫn chưa đình chỉ được. Bà Trường cho biết, từ đầu năm đến nay đã dừng hẳn hoạt động hút cát dưới lòng sông, thế nhưng quan sát của chúng tôi vẫn thấy có xe ô-tô tải vào bãi chứa “ăn cát”. Mặc dù hoạt động không phép, nhưng hàng tháng bà Trường vẫn đóng trên 3 triệu đồng tiền thuế. Cách bãi cát của bà Trường không xa, hai bãi khác cũng ngày đêm hút cát trái phép dưới lòng sông, nhưng không hề gặp phải lực cản nào từ phía chính quyền cơ sở. Ông Hoàng Xuân Hùng, Giám đốc Công ty TNHH Hùng Hiển đang quản lý một bãi cát ở khu vực tổ 13 thị trấn Vị Xuyên cho biết, doanh nghiệp hoạt động từ năm 2006, nhưng vẫn chưa lo được giấy phép khai thác cát, sỏi. Dù biết hoạt động chui với quy mô lớn sẽ dễ bị để ý, nhưng doanh nghiệp vẫn đang đóng thêm thuyền công suất lớn, dài gần 20 m nhằm hút được nhiều tài nguyên trên sông.

Qua tìm hiểu cho thấy, hoạt động khai thác cát trên sông Lô đoạn chạy qua địa bàn huyện Vị Xuyên và thành phố Hà Giang chưa bao giờ diễn ra tấp nập, cạnh tranh gay gắt như hiện nay. Thấy rõ nguồn lợi từ hoạt động khai thác trái phép, ngày càng có thêm nhiều hộ dân, doanh nghiệp nhảy vào chiếm giữ nên liên tục phát sinh các điểm mới, lòng sông bị cày sới nham nhở. Tại địa bàn huyện Vị Xuyên, hiện có 12 tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động khai thác cát, sỏi trên sông Lô, tập trung chủ yếu khu vực xã Đạo Đức, Thanh Thủy, thị trấn Vị Xuyên, Việt Lâm... và tất cả đều thuộc dạng chui.
 
Sông Lô đoạn chạy qua địa bàn phường Quang Trung, dày đặc các bè, mảng khai thác cát trái phép.
Sông Lô đoạn chạy qua địa bàn phường Quang Trung, dày đặc các bè, mảng khai thác cát trái phép.
Còn tại địa bàn thành phố Hà Giang, thời gian vừa qua, chính quyền nơi đây đã thành lập tổ công tác tiến hành kiểm tra các cơ sở, HTX khai thác cát, sỏi; qua đó đã phát hiện vi phạm, yêu cầu dừng hoạt động... nhưng cũng chỉ như “đá ném ao bèo”. Số liệu của cơ quan chức năng xác định, trên địa bàn thành phố có 10 cơ sở khai thác cát, sỏi nhưng chỉ duy nhất Công ty TNHH 282, có giấy phép khai thác tại khu vực tổ 5, thôn Cầu Mè, xã Phương Thiện với diện tích gần 3,7 ha, thời gian 30 năm; 9 cơ sở còn lại đều không giấy phép, mới đang tiến hành làm các thủ tục thăm dò.

Những vi phạm quy định của Nhà nước trong lĩnh vực khai thác cát, sỏi trên sông Lô diễn ra công khai, trong thời gian dài nhưng dường như chính quyền địa phương không biết, hoặc biết nhưng ngại động chạm, cho là nhạy cảm nên không có biện pháp xử lý, ngăn chặn triệt để hành vi ăn cắp tài nguyên quốc gia. Đơn cử như chính quyền xã Thanh Thuỷ, việc quản lý nguồn tài nguyên dường như bị buông hoàn toàn. Ông Lý Xuân Lìn, Chủ tịch UBND xã Thanh Thuỷ, khi được phóng viên mời đi cùng nhằm nắm vững tình hình khai thác cát, sỏi thì tìm lý do thoái thác và nói Thanh Thuỷ chỉ duy nhất một điểm khai thác nhưng lâu rồi không hoạt động. Vị Chủ tịch UBND xã biên giới này còn khẳng định, trên địa bàn xã ít công trình xây dựng, cát không bán được nên không ai muốn làm. Nhưng khi lưỡng lự cùng phóng viên đến Công ty TNHH Trường Thịnh, vị Chủ tịch UBND xã mới biết, doanh nghiệp này không những chiếm giữ một mà tới ba điểm khai thác cũng nằm trên địa bàn ông quản lý. Ngược với nhận định của ông Chủ tịch Lìn, Giám đốc Ngô Xuân Thình khẳng định, bình quân mỗi tháng, doanh nghiệp cung cấp ra thị trường từ 200-300 m3 cát với giá 60 nghìn đồng/m3. Đến lúc này ông Lìn mới nói thật, khi tỉnh, huyện có chỉ đạo, xã cũng có kiểm tra, cũng yêu cầu tạm dừng, hoàn thiện các thủ tục, nhưng lâu rồi không quay lại nên không biết doanh nghiệp khai thác nữa hay không.

Trao đổi với chúng tôi, Giám đốc Sở TN-MT Hoàng Văn Nhu khẳng định, trách nhiệm quản lý Nhà nước đối với hoạt động khai thác cát, sỏi trước hết thuộc về chính quyền địa phương. Hơn nữa, theo phản ánh của các chủ cơ sở, HTX, doanh nghiệp khai thác cát, sỏi việc cơ quan chức năng thu thuế vô hình dung tiếp tay và hợp thức hoá hình thức khai thác trái phép nên nạn cát tặc khó dẹp. Với trách nhiệm cơ quan chuyên môn, Sở đã đã ban hành quy trình, hướng dẫn cụ thể các thủ tục liên quan đến cấp phép khai thác cát, sỏi và tới đây sẽ tham mưu với tỉnh, chấm dứt việc cấp chủ trương, cho các doanh nghiệp đăng ký khai thác cát, sỏi phục vụ các công trình xây dựng Nông thôn mới (XDNTM). Vừa qua, tỉnh có chủ trương, tạo thuận lợi cho các địa phương thực hiện XDNTM bằng cách cho đăng ký khối lượng khai thác cát, sỏi. Tuy nhiên, chính quyền địa phương quản lý không chặt nên đã bị lợi dụng, nhiều cơ sở khai thác vượt khối lượng bán ra ngoài, nguồn tài nguyên bị mất đi, tiền thuế không thu được và thiếu công bằng giữa các doanh nghiệp.
Báo Hà Giang

Có thể bạn quan tâm