Bảo hiểm y tế một trong những chính sách an sinh xã hội mang ý nghĩa nhân đạo, nhân văn và rất ưu việt của Đảng, Nhà nước ta. Tuy nhiên, thời gian qua, nhiều xã, bản tại tỉnh Sơn La không còn nằm trong vùng kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn nên đồng bào dân tộc thiểu số không được hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế như trước đây, do vậy tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế giảm sút. Trước thực tế đó, Sơn La đang nỗ lực mở rộng diện bao phủ bảo hiểm y tế.
Nhiều lợi ích thiết thực
Thẻ bảo hiểm y tế thể hiện nghĩa tình, sự đùm bọc lẫn nhau, là sự chia sẻ của cộng đồng đối với mỗi người khi gặp khó khăn, hoạn nạn. Vì ý nghĩa nhân văn đó mà hơn 20 năm nay, bà Nguyễn Thị Hương Liên, Tổ 3, phường Tô Hiệu, thành phố Sơn La đều mua thẻ bảo hiểm y tế cho cả gia đình với mong muốn góp một phần nhỏ bé giúp những hoàn cảnh không may mắn khi bị ốm đau cần bảo hiểm chi trả. Cách đây gần 1 năm, bà phải 9 lần đi các bệnh viện để chữa bệnh. Bà được chẩn đoán bị hoại tử xương sống và đĩa đệm. Trong khi điều trị những bệnh đó bà còn mắc bệnh tiểu đường, cao huyết áp, thêm nhiễm khuẩn tụ cầu vàng nên việc chữa trị cũng rất phức tạp và kéo dài. Thẻ bảo hiểm y tế như chiếc “phao” cứu sinh giúp bà chi trả gần 1 tỷ đồng.
Bà Nguyễn Thị Hương Liên bày tỏ: "Khi hiểu về lợi ích của bảo hiểm y tế tôi đã mua từ lúc còn khỏe mạnh nên không phải dùng đến. Từ ngày phải điều trị nhiều bệnh, tôi thấy bảo hiểm y tế vô cùng quan trọng. Nhờ có bảo hiểm hỗ trợ nên tôi chỉ phải chi trả khoảng hơn 300 triệu đồng tiền khám, chữa bệnh”.
Không chỉ là điểm tựa khi bị tai nạn, ốm đau, bảo hiểm y tế còn mang lại cơ hội sống cho những người mắc bệnh hiểm nghèo, bệnh mãn tính phải điều trị liên tục, dài ngày. Chỉ tính riêng bệnh suy thận, mỗi năm có hàng trăm trường hợp cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sơn La, một số bệnh viện tuyến huyện và rất nhiều bệnh nhân phải đến bệnh viện chạy thận 3 lần/tuần. Chi phí để điều trị các bệnh lý này đối với những người có hoàn cảnh khó khăn là quá sức. Có nhiều người phải cầm cố, bán nhà thậm chí vay mượn mới có đủ chi phí điều trị trong những lúc thập tử nhất sinh. Bảo hiểm y tế hiện nay có thể chi trả khá tốt, có những bệnh nhân được bảo hiểm y tế thanh toán 100% chi phí chạy thận nhân tạo tại đây.
Ông Đinh Văn Hưởng, ở huyện Phù Yên năm nay hơn 60 tuổi, bị mắc bệnh tiểu đường và suy thận. Ông phải chạy thận lọc máu 3 lần/tuần, chi phí 10 triệu đồng/tháng nhưng nhờ có bảo hiểm y tế ông không phải lo lắng về chi phí chữa bệnh vì đã được trả 100%.
Nỗ lực nâng cao nhận thức cho người dân vùng cao
Theo Quyết định 861/QĐ-TTg ngày 4/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, trên địa bàn tỉnh Sơn La đã có nhiều xã thuộc các khu vực III, khu vực II và xã đạt chuẩn nông thôn mới chuyển thành khu vực I. Do đó, đối với xã ở khu vực I, người dân tộc thiểu số không còn cấp thẻ bảo hiểm y tế như trước đây.
Mường Trai là một trong những xã đầu tiên của huyện Mường La đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2020. Đến nay sau 3 năm, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế của xã mới đạt hơn 85%. Từ khi chuyển về khu vực I, người dân của xã đã có nhiều băn khoăn vì không được Nhà nước hỗ trợ kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế. Tuy nhiên, bằng nhiều biện pháp tuyên truyền của ngành bảo hiểm huyện Mường La, nhiều hộ thuộc diện dân tộc thiểu số đã nhận thức rõ chủ trương của Chính phủ cũng như việc cần thiết phải mua thẻ bảo hiểm y tế.
Gia đình ông Tòng Văn Sư, bản Khau Ban, xã Mường Trai không thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo nên không còn được cấp thẻ bảo hiểm y tế cho đối tượng người dân tộc thiểu số như trước đây. Nhận thức được việc cần thiết của bảo hiểm y tế nên ông đã mua thẻ bảo hiểm y tế cho cả 8 người trong gia đình. Theo ông, khi không may ốm đau sẽ đỡ được gánh nặng rất lớn về chi phí khám chữa bệnh, còn nếu không sử dụng đến sẽ góp phần chia sẻ quỹ khám chữa bệnh với những người khác.
Công tác tuyên truyền cho các hộ người dân tộc thiểu số mua thẻ bảo hiểm y tế tại các địa bàn vùng cao ở Sơn La còn gặp nhiều khó khăn do một bộ phận người dân vẫn còn tư tưởng trông chờ sự hỗ trợ của Nhà nước. Thêm vào đó, nhiều hộ mặc dù không thuộc hộ nghèo, cận nghèo nhưng kinh tế vẫn còn khá khó khăn. Ngoài ra, chi phí tham gia bảo hiểm y tế cho gia đình cũng tương đối lớn so với mức sống của người dân. Vì thế cán bộ ngành bảo hiểm xã hội thường xuyên kết hợp với chính quyền địa phương đưa ra nhiều giải pháp. Việc tuyên truyền được thực hiện từ hệ thống loa phát thanh cơ sở, đến tổ chức các hội nghị, hoặc trực tiếp đến từng nhóm hộ dân. Chị Cà Thị Pha, xã Mường Trai, huyện Mường La cho hay, được cán bộ bảo hiểm tuyên truyền nên chị hiểu được nhiều lợi ích của việc tham gia bảo hiểm y tế. Gia đình chị có 6 thành viên, chị đã mua thẻ bảo hiểm y tế cho cả nhà.
Hiện tỉnh Sơn La có hơn 1,2 triệu người tham gia bảo hiểm y tế, trong đó khoảng 108 nghìn người tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện, tỷ lệ bao phủ đạt gần 95% dân số. Ngành bảo hiểm xã hội tỉnh đặt mục tiêu đến hết năm 2023 có trên 161 nghìn người tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện, tỷ lệ bao phủ đạt trên 96%.
Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Sơn La Đinh Thanh Tùng nhấn mạnh, chính sách bảo hiểm y tế đã từng bước được lan tỏa rộng khắp. Người dân đã hiểu hơn về những quyền, lợi ích và ý nghĩa nhân văn, nhân đạo của chính sách bảo hiểm y tế. Thời gian tới, ngành Bảo hiểm xã hội tiếp tục tham mưu với cấp ủy, chính quyền có chính sách hỗ trợ để người dân có điều kiện tham gia; đồng thời vận động các nhà hảo tâm, doanh nghiệp quyên góp ủng hộ để tặng thẻ bảo hiểm y tế, đặc biệt là cho người dân vùng khó khăn.
Hữu Quyết