Phát triển bảo hiểm y tế - điểm tựa chăm sóc sức khỏe cho người nghèo ở Yên Bái

Phát triển bảo hiểm y tế - điểm tựa chăm sóc sức khỏe cho người nghèo ở Yên Bái

Xác định là một trong những chính sách an sinh xã hội quan trọng, mang ý nghĩa nhân văn, nhân đạo sâu sắc và tính chia sẻ cộng đồng, tỉnh Yên Bái đã nỗ lực đẩy mạnh phát triển bảo hiểm y tế, nhất là trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, hướng tới đảm bảo an sinh xã hội cho mọi người dân.

Phát triển bảo hiểm y tế - điểm tựa chăm sóc sức khỏe cho người nghèo ở Yên Bái ảnh 1Phát thẻ bảo hiểm y tế cho người dân huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái. Ảnh: Việt Dũng - TTXVN

Điểm tựa chăm sóc sức khỏe cho người nghèo

Bảo hiểm y tế là sự hỗ trợ tương thân tương ái, chia sẻ rủi ro giữa người khỏe với người ốm, giữa người trẻ với người già, giữa người có thu nhập cao với người có thu nhập thấp; đồng thời, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước nhằm hướng tới công bằng trong chăm sóc sức khỏe, góp phần đảm bảo an sinh xã hội cho mọi người dân.

Với những người mắc các bệnh mãn tính phải điều trị suốt đời, chi phí tốn kém, tấm thẻ bảo hiểm y tế được xem như chiếc “phao cứu sinh”, giúp họ có thêm “sức mạnh” để chống chọi với nỗi đau bệnh tật, vượt qua hoàn cảnh khó khăn.

Là người dân tộc Tày, sinh sống tại xã Mường Lai (huyện Lục Yên), bà Hoàng Thị Thắng không may bị viêm ruột thừa cấp và phải mổ điều trị với chi phí gần 6 triệu đồng. Đây là khoản tiền không nhỏ đối với một hộ thuần nông như gia đình bà. Trước đó, nhiều lần cán bộ bảo hiểm xã hội tới nhà để tuyên truyền vận động mua thẻ nhưng gia đình bà chưa mua. Bà Hoàng Thị Thắng chia sẻ, giờ phải nằm viện mới thấy tốn kém, nhiều khoản phải chi. Vì vậy, sau đợt này, bà sẽ mua bảo hiểm y tế.

Phát triển bảo hiểm y tế - điểm tựa chăm sóc sức khỏe cho người nghèo ở Yên Bái ảnh 2Thông qua công tác tuyên truyền, nhiều người dân vùng cao ở Yên Bái đã thấy được lợi ích của bảo hiểm y tế và tham gia. Ảnh: Việt Dũng - TTXVN

Không may mắc phải căn bệnh tiểu đường mãn tính, ông Nông Văn Nghiệp (ở thị trấn Yên Thế, huyện Lục Yên) phải thường xuyên tới Trung tâm Y tế huyện để khám, chữa bệnh. Nhờ có tấm thẻ bảo hiểm y tế, chi phí khám chữa bệnh của ông đỡ tốn kém hơn. Ông Nghiệp cho biết, từ khi phát hiện bị bệnh đái tháo đường đến nay là 18 năm, chi phí điều trị của ông tại Trung tâm Y tế huyện đã hết khoảng 100 triệu đồng. Nhờ có tấm thẻ bảo hiểm y tế, chi phí điều trị của ông được giảm đi đáng kể.

Tại Trung tâm Y tế huyện Lục Yên, chi phí điều trị trung bình cho một bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường mãn tính từ khi tuổi trung niên cho tới khi 60 tuổi hết khoảng 200 triệu đồng. Với tấm thẻ bảo hiểm y tế, người bệnh sẽ tiết kiệm một khoản tiền lớn trong việc khám, chữa bệnh. Đặc biệt, đồng bào dân tộc thiểu số được miễn phí hoàn toàn. Từ ngày 1/7, mức đóng và chế độ bảo hiểm y tế được điều chỉnh phù hợp với mức lương cơ sở mới nên chi phí bảo hiểm y tế cũng tăng lên. Bác sĩ Trần Trung Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Lục Yên cho biết, người dân có thẻ bảo hiểm y tế, đặc biệt là những người nghèo, người ở vùng đặc biệt khó khăn đã được thụ hưởng nhiều dịch vụ y tế chất lượng, giảm việc phải chuyển tuyến và chi phí cá nhân người bệnh trong khám chữa bệnh.

Phát triển bảo hiểm y tế - điểm tựa chăm sóc sức khỏe cho người nghèo ở Yên Bái ảnh 3Thông qua công tác tuyên truyền, nhiều người dân vùng cao ở Yên Bái đã thấy được lợi ích của bảo hiểm y tế và tham gia. Ảnh: Việt Dũng - TTXVN

Phó Giám đốc Bảo hiểm Xã hội tỉnh Yên Bái Nguyễn Quang Trung cho rằng, việc người dân tham gia bảo hiểm y tế là một hình thức tiết kiệm “đóng góp khi lành để dành khi ốm”, giúp giảm bớt gánh nặng về kinh tế khi không may bị ốm đau, bệnh tật, nhất là những bệnh hiểm nghèo, chi phí lớn. Khi tham gia bảo hiểm y tế, mọi người dân đều được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản mà không phụ thuộc vào khả năng chi trả của mình. Vì thế, người dân cần nhận thức rõ được lợi ích khi tham gia, giúp hạn chế rủi ro về tài chính cho bản thân, gia đình; đồng thời, chia sẻ bớt khó khăn cho cộng đồng nếu một ai đó không may mắc bệnh.

Nỗ lực phát triển bảo hiểm y tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Với mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội cho người dân, nhất là bà con đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, Đảng, Nhà nước đã thực hiện nhiều chính sách nhằm thúc đẩy việc tham gia bảo hiểm y tế của người dân. Mặc dù còn nhiều khó khăn, ngành Bảo hiểm Xã hội tỉnh Yên Bái cùng chính quyền địa phương các cấp luôn nỗ lực tuyên truyền, vận động người dân tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện, góp phần bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn.

Phát triển bảo hiểm y tế - điểm tựa chăm sóc sức khỏe cho người nghèo ở Yên Bái ảnh 4Người dân đến đăng ký tham gia bảo hiểm y tế tại Bảo hiểm Xã hội huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái. Ảnh: Việt Dũng - TTXVN

Tuy nhiên, theo Quyết định số 861/QĐ-TTg, ngày 4/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh có 22 xã ra khỏi diện đặc biệt khó khăn. Do đó, 228.831 người không còn được Nhà nước hỗ trợ bảo hiểm y tế. Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế toàn tỉnh giảm từ 95,02% (năm 2022) xuống còn 88,59% (tháng 5/2023).

Khắc phục những ảnh hưởng của Quyết định số 861 tác động tới tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế trên địa bàn tỉnh, Yên Bái đã ban hành nhiều chính sách và có cách làm sáng tạo hiệu quả, góp phần nâng cao tỷ lệ người tham gia bảo hiểm y tế, nhất là người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa.

Ông Nguyễn Quang Trung, Phó Giám đốc Bảo hiểm Xã hội tỉnh Yên Bái cho biết, đơn vị đã phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu cho UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về việc thực hiện Quyết định số 861; tham mưu HĐND tỉnh ban hành Nghị Quyết số 25/NQ-HĐND ngày 6/7/2022 quy định chính sách hỗ trợ 100% mức đóng bảo hiểm y tế đối với người dân có hộ khẩu thường trú tại các xã đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh khi xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2022 - 2025.

Với phương châm "Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người dân”, Bảo hiểm Xã hội tỉnh đã chỉ đạo Bảo hiểm Xã hội các huyện, thị xã tích cực phối hợp với chính quyền địa phương và các cơ quan liên quan tổ chức các buổi hội nghị khách hàng, ra quân tuyên truyền theo nhóm nhỏ đến từng khu chợ, hộ gia đình để tuyên truyền, vận động người dân tham gia bảo hiểm y tế sang các nhóm đối tượng khác như nghèo, cận nghèo, bảo trợ xã hội và nhóm bảo hiểm y tế hộ gia đình.

Nhờ sự vào cuộc của hệ thống chính trị, các cấp, ngành và chính quyền địa phương, đến nay, toàn tỉnh có 755.451 người tham gia bảo hiểm y tế, tỷ lệ bao phủ đạt trên 89%; trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 60% số người tham gia. Địa phương đặt mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ người tham gia bảo hiểm y tế đạt từ 95% trở lên.

Hướng đến mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội cho mọi người dân, đặc biệt là bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số, theo ông Nguyễn Trí Đại, Giám đốc Bảo hiểm Xã hội tỉnh Yên Bái, thời gian tới, ngành tiếp tục tuyên truyền, phổ biến quán triệt nghị quyết số của Bộ Chính trị và Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện chính sách pháp luật về bảo hiểm y tế, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân và các chương trình, kế hoạch thực hiện nghị quyết của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đến các tầng lớp nhân dân.

Việt Dũng

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm