Hiện nay, do tác động của nhiều nguyên nhân, việc phát triển bảo hiểm y tế tại tỉnh Đắk Lắk, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số gặp khó khăn. Để góp phần bảo đảm an sinh xã hội, phát triển người tham gia bảo hiểm y tế, tỉnh linh hoạt triển khai nhiều giải pháp, trong đó, có sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của các cấp, ngành.
Nâng cao tỷ lệ học sinh, sinh viên tham gia bảo hiểm y tế
Luật Bảo hiểm y tế quy định rõ, học sinh, sinh viên là đối tượng bắt buộc tham gia bảo hiểm y tế. Năm học 2022-2023, tỉnh Đắk Lắk có trên 410.000 học sinh, sinh viên nhưng hiện còn hơn 15.000 em chưa tham gia bảo hiểm y tế. Cư M’gar là địa phương có tỷ lệ học sinh, sinh viên tham gia bảo hiểm y tế thấp nhất tỉnh, đạt hơn 81%, với hơn 5.300 em chưa tham gia.
Bà Tô Thị Hoài Nhung, Phó Giám đốc Bảo hiểm Xã hội huyện Cư M’gar cho biết, huyện có hơn 46% dân số là người dân tộc thiểu số nhưng theo Quyết định số 861/QĐ-TTg, ngày 4/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ có 11 xã thoát khỏi vùng kinh tế, xã hội khó khăn nên không còn được hưởng chính sách ưu tiên cấp 100% bảo hiểm y tế. Đây cũng là nguyên nhân của sự giảm sụt mạnh tỷ lệ học sinh tham gia bảo hiểm y tế trên địa bàn. Bên cạnh đó, độ bao phủ bảo hiểm y tế học sinh trên địa bàn đạt thấp, nhất là ở xã vùng xa, đời sống, kinh tế còn khó khăn, nhiều gia đình có đông con đi học, điều kiện kinh tế không đủ để đóng góp các khoản trong năm học, trong đó có bảo hiểm y tế. Một bộ phận người dân còn trông chờ, ỷ lại, chưa nhận thức đầy đủ về chính sách bảo hiểm y tế nên chưa cho con, em mình tham gia…
Theo ông Đỗ Tường Hiệp, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk, để đạt được mục tiêu 100% học sinh tham gia bảo hiểm y tế, ngành Giáo dục và Đào tạo xác định, khi các em bước vào năm học mới là thời điểm quan trọng để nâng cao tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế trong nhà trường. Bảo hiểm y tế có nhiệm vụ quan trọng, qua đó đảm bảo thể chất, tinh thần cho học sinh để các em học tập tốt.
Thời gian tới, ngành tăng cường tuyên truyền, phổ biến, quán triệt, triển khai chế độ, chính sách về bảo hiểm y tế trong trường học; làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh ngay tại nhà trường; vệ sinh an toàn thực phẩm, đặc biệt là ở cơ sở giáo dục mầm non, nội trú, bán trú…
Bên cạnh đó, ngành phối hợp chặt chẽ với Bảo hiểm Xã hội đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền, chú trọng nội dung về quyền lợi khi tham gia bảo hiểm y tế nhằm khuyến khích đối tượng học sinh tham gia. Dù khó khăn chồng chất khó khăn, ngành Giáo dục và Đào tạo xem xét nâng cao tỷ lệ học sinh tham gia bảo hiểm y tế là một trong những nhiệm vụ của năm học và là chỉ tiêu đánh giá thi đua hàng năm của các nhà trường, ông Đỗ Tường Hiệp thông tin.
Để đạt được mục tiêu 100% học sinh tham gia bảo hiểm y tế trong năm học 2023 - 2024, Sở Giáo dục và Đào tạo, Bảo hiểm Xã hội tỉnh đã ban hành Hướng dẫn liên ngành về thực hiện bảo hiểm y tế học sinh sinh viên. Qua đó, học sinh, sinh viên phải chi trả 65% mức đóng bảo hiểm y tế (ngân sách Trung ương hỗ trợ 30%, ngân sách địa phương hỗ trợ 5%). Cùng với việc hướng dẫn cụ thể về đối tượng tham gia, mức đóng, phương thức đóng, Hướng dẫn liên ngành còn quy định cụ thể việc trích, sử dụng và quyết toán kinh phí chăm sóc sức khỏe ban đầu cho các cơ sở giáo dục. Qua đó, học sinh, sinh viên, phụ huynh nhận thức được lợi ích, giá trị bảo hiểm y tế mang lại từ đó chủ động tham gia để con em mình được chăm sóc, bảo vệ sức khỏe ngay từ nhà trường.
*Linh hoạt giải pháp
Hiện nay, số người tham gia bảo hiểm y tế tại Đắk Lắk là hơn 1,6 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ 86,1% dân số. Để hoàn thành mục tiêu, chỉ tiêu năm 2023 là tăng tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 92,5% dân số, góp phần thực hiện hiệu quả công tác an sinh xã hội, các cấp, ngành đang triển khai linh hoạt nhiều giải pháp nhằm hoàn thành chỉ tiêu.
Theo bà Tô Thị Hoài Nhung, Phó Giám đốc Bảo hiểm Xã hội huyện Cư M’gar, để phát triển bảo hiểm y tế toàn dân, đơn vị đẩy mạnh tuyên truyền chính sách bảo hiểm y tế đến tận từng thôn, buôn; vận động cơ quan, đơn vị kết nghĩa hỗ trợ người dân trong việc mua thẻ bảo hiểm y tế hộ nông, lâm, ngư nghiệp có mức sống trung bình...
Ông Nay Phi La, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk cho biết, ngành Y tế là đơn vị thực hiện sử dụng nguồn chi bảo hiểm y tế. Hiện nay, ngành gặp vướng mắc trong việc hướng dẫn đấu thầu, dẫn đến thiếu nguồn cung, nhiều mặt hàng không có thuốc… Thời gian tới, ngành Y tế bổ sung nhân lực, đồng thời chỉ đạo cơ sở khám, chữa bệnh nâng cao chất lượng, tinh thần, thái độ phục vụ người dân tham gia bảo hiểm y tế, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính giúp người dân thuận lợi trong quá trình khám, chữa bệnh.
Ông Nguyễn Khắc Tuấn, Giám đốc Bảo hiểm Xã hội tỉnh cho biết, đơn vị xây dựng kế hoạch, triển khai Kịch bản thực hiện các chỉ tiêu phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế; đồng thời, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động nghiệp vụ, đảm bảo quyền lợi người dân theo quy định.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk H’Yim Kđoh nhận định, để hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch đề ra cần sự chung tay, tập trung quyết liệt của các cấp, ngành và cả hệ thống chính trị. Bên cạnh đó, các ngành cần phối hợp tuyên truyền để người dân nhận thức đầy đủ về ý nghĩa, tầm quan trọng, quyền và trách nhiệm khi tham gia bảo hiểm y tế. Các đơn vị cần giải quyết tồn tại, vướng mắc trong khám, chữa bệnh và thanh toán bảo hiểm y tế trên địa bàn; từng bước khắc phục hạn chế, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và đảm bảo vệ quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế…
Nguyên Dung