Các em học sinh được khám sàng lọc tật khúc xạ. Ảnh: Diệp Anh - TTXVN |
Trong khuôn khổ chương trình, gần 1.000 học sinh được khám sàng lọc, được hỗ trợ gần 400 đôi kính; dự kiến sẽ có khoảng 900 đôi kính được phát cho học sinh bị mắc tật khúc xạ trong đợt này.
Sơn La là tỉnh miền núi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Nhận thức của người dân về tật khúc xạ cũng như việc tiếp cận các dịch vụ khúc xạ còn hạn chế, nhất là đối với trẻ em. Do đó, chương trình này được tổ chức nhằm nâng cao nhận thức của giáo viên, học sinh và phụ huynh về các vấn đề liên quan đến sức khỏe mắt như tật khúc xạ, từ đó góp phần cải thiện hệ thống chăm sóc mắt cho trẻ em tại tỉnh.
Em Cà Văn Chính, lớp 7B trường Trung học cơ sở Tông Lạnh, huyện Thuận Châu, cho biết đến với chương trình, em mang theo bức tranh với chủ đề “Hãy bảo vệ mắt vì chính cuộc sống bạn” với mong muốn nhắc nhở các bạn cùng trang lứa không nên chơi điện thoại và máy tính quá nhiều, cũng như không đọc sách khi thiếu ánh sáng. Nếu có dấu hiệu bị tật khúc xạ phải đến khám tại các cơ sở y tế để kịp thời phát hiện và được điều trị bệnh.
Theo ông Vũ Tiến Quyền, Giám đốc Bệnh viện Mắt tỉnh Sơn La, tật khúc xạ (cận, viễn, loạn) là những nguyên nhân chính làm giảm thị lực, mù lòa và tàn tật. Với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ hiện nay, việc trẻ em tiếp cận sớm với các thiết bị công nghệ như điện thoại, máy tính… khiến tỷ lệ mắc tật khúc xạ tăng nhanh. Song phần lớn các em vẫn chưa được phát hiện và điều trị. Đối với tật khúc xạ, nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến mù lòa, mất khả năng nhìn, gây ảnh hưởng lớn tới việc học tập cũng như sinh hoạt của trẻ em.
Diệp Anh