Việc sáp nhập thôn, bản trên địa bàn tỉnh Sơn La đã đạt được những kết quả tích cực. Tuy nhiên, do những khó khăn đặc thù ở miền núi nên khi triển khai đã nảy sinh một số bất cập trong quá trình hoạt động và sử dụng cơ sở vật chất.
Kết quả nổi bật
Mai Sơn là một trong những huyện đi đầu trong công tác sắp xếp, sáp nhập các bản. Trong giai đoạn 2018 – 2020, huyện đã giảm 131 bản, tiểu khu. Hiện toàn huyện còn 327 bản, tiểu khu.
Ông Trần Văn Hiền, Phó Chủ tịch HĐND huyện Mai Sơn thông tin, việc sắp xếp, sáp nhập bản đã nhận được sự đồng thuận, ủng hộ của người dân. Sau sáp nhập góp phần tinh gọn bộ máy, giảm chi phí từ ngân sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả của đội ngũ những người hoạt động không chuyên trách và các tổ chức ở bản. Qua đó xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh trên địa bàn. Thời gian tới, huyện dự kiến sáp nhập 74 bản thành 34 bản, giảm thêm 40 bản so với hiện nay.
Còn tại huyện Thuận Châu, sau 2 năm thực hiện chủ trương sáp nhập thôn, bản, tiểu khu, địa phương này từ 570 bản rút gọn còn 355 bản. Trong năm 2023, huyện tiếp tục sáp nhập 36 bản ở 11 xã. Ông Nguyễn Đức Thặng, Phó Chủ tịch UBND huyện Thuận Châu cho biết: Năm 2023 sau khi thực hiện sáp nhập, huyện sẽ còn 336 bản. Trong số này, vẫn còn 82 bản chưa đảm bảo quy mô số hộ gia đình theo quy định do đặc thù các bản nằm cách xa, biệt lập, khác nhau về phong tục, tập quán.
Sơn La là một tỉnh miền núi, địa bàn rộng, dân cư phân bố không đồng đều, người dân tộc thiểu số chiếm trên 82%. Năm 2018, toàn tỉnh có hơn 3.300 bản, tiểu khu, tổ dân phố. Từ năm 2019 đến nay, tỉnh đã thực hiện 6 đợt sắp xếp, sáp nhập bản. Kết quả, đã thực hiện sáp nhập 1.997 bản để thành lập 920 bản, giảm 1.077 bản. Hiện Sơn La còn 2.247 bản.
Theo Phó Giám đốc Sở Nội vụ Trần Bình Minh, với việc giảm 1.077 bản, toàn tỉnh đã giảm trên 10.000 người hoạt động không chuyên trách và người hưởng mức hỗ trợ ở bản; giảm trên 5.000 chi hội. Kinh phí tiết kiệm tương ứng khoảng 79 tỷ đồng/năm.
Vẫn còn những khó khăn, tồn tại
Cuối năm 2022, ba bản Xa Căn, Mai Quỳnh, Nà Viền, xã Mường Bon, huyện Mai Sơn được sáp nhập thành một bản mang tên là Thống Nhất. Sau khi sáp nhập, nhà văn hóa của bản Nà Viền được lựa chọn làm nơi để tổ chức các cuộc họp chung. Tuy nhiên chưa lần nào người dân 3 bản có được một buổi họp chung do đường vừa xa, vừa khó đi. Ngoài ra, nhà văn hóa này không đủ sức chứa khoảng 150 người.
Ông Lò Văn Hoàn, Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Thống Nhất chia sẻ, do địa bàn xa, từ đầu bản đến cuối bản hơn 5km, đường đất nên người dân không muốn đi họp. Không những thế, do diện tích nhà văn hóa nhỏ nên bản vẫn phải tổ chức cuộc họp riêng ở nhà văn hóa của từng bản cũ. Thêm vào đó sau khi sáp nhập có người dân của bản tái định cư từ nơi khác về nên phong tục tập quán khác nhau, khiến việc thực hiện các chủ trương chung chưa được thuận lợi.
Theo thống kê của huyện Mai Sơn, sau khi sáp nhập bản thì có 17 nhà văn hóa đủ điều kiện tiếp tục sử dụng, 28 nhà văn hóa không đủ điều kiện và phải xây mới. Phó Chủ tịch HĐND huyện Mai Sơn Trần Văn Hiền cho biết, đối với nhà văn hóa thừa sau sáp nhập huyện đã giao cho bản quản lý, sử dụng vào việc chung như sinh hoạt nhóm, cụm dân cư; làm nhà kho. Sau khi sáp nhập bản việc chỉ đạo, điều hành, quản lý sinh hoạt của người dân còn khó khăn do mỗi dân tộc có đặc điểm, văn hóa và phong tục tập quán khác nhau, khi sáp nhập chưa tìm được tiếng nói chung.
Đây cũng là tình trạng chung của nhiều bản ở huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La. Nhà văn hóa bản Mòn, xã Thôm Mòn được xây dựng từ năm 2013. Thời điểm đó, Nhà nước hỗ trợ 50 triệu đồng còn nhân dân trong bản đóng góp để hoàn thiện với số tiền gần 200 triệu đồng. Nhà văn hóa hiện chỉ chứa được khoảng 70 người, trong khi bản có trên 300 hộ dân. Ông Lò Văn Hải, Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Mòn cho hay, nếu xây nhà văn hóa mới thì không có kinh phí, còn vẫn tiếp tục sử dụng thì không thể tiến hành họp chung cho cả bản, nhất là những hôm trời mưa. Vì thế, việc tuyên truyền và triển khai cho người dân phải qua hệ thống loa phát thanh.
Cần sớm có giải pháp phù hợp
Theo số liệu thống kê của Sở Tài chính tỉnh Sơn La, sau khi thực hiện sáp cơ quan chức năng đã phê duyệt phương án sắp xếp 1.879 nhà văn hóa bản, tiểu khu, tổ dân phố.
Phó Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Văn Phong cho biết, việc quản lý các nhà văn hóa thôn, bản sau sáp nhập vẫn còn một số khó khăn phát sinh tại cơ sở. Đó là việc sắp xếp lại, xử lý tài sản sau sáp nhập theo quy định sẽ có 9 hình thức nhưng lại không cho phép thanh lý đối với các tài sản như nhà văn hóa. Các nhà văn hóa được đầu tư, xây dựng bằng nhiều nguồn vốn nhưng công tác xác lập tài sản sở hữu toàn dân và quy chủ diện tích đất còn hạn chế, dẫn đến thắc mắc của người dân đối với nguồn vốn do họ đóng góp. Để giải quyết vấn đề nhà văn hóa dôi dư và không đạt chuẩn sau sáp nhập, tỉnh đã rà soát, lập phương án đầu tư, xây dựng các thiết kế mẫu để làm căn cứ trong xác định nhu cầu kinh phí. Thời gian tới, Sở sẽ phối hợp với các địa phương trình cấp có thẩm quyền phương án cân đối kinh phí để thực hiện.
Còn theo đánh giá của Sở Nội vụ, nhiều bản thuộc diện phải sáp nhập với bản liền kề nhưng quá trình khảo sát và triển khai quy trình không đạt được trên 50% cử tri đồng thuận; vì vậy không thực hiện được việc sáp nhập. Ngoài ra, do sự hình thành các bản, tiểu khu, tổ dân phố mang yếu tố lịch sử, thay đổi tùy theo điều kiện của từng giai đoạn nên việc thực hiện sáp nhập sẽ ảnh hưởng lớn đến đời sống cộng đồng dân cư; gây tâm lý xáo trộn cho người dân khi phải thay đổi các loại giấy tờ liên quan. Bên cạnh đó nếp sinh hoạt cộng đồng và ảnh hưởng đến quyền lợi, tâm lý của những người hoạt động không chuyên trách ở thôn, xóm, tổ dân phố khi không còn tiếp tục thực hiện nhiệm vụ.
Phó Giám đốc Sở Nội vụ Trần Bình Minh thông tin, dự kiến quý III/2023, tỉnh sẽ tổ chức hội nghị nhằm tổng kết, đánh giá toàn diện những kết quả đạt được; tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc và bài học kinh nghiệm trong việc thực hiện chủ trương sắp xếp, sáp nhập bản trên địa bàn toàn tỉnh từ năm 2019 đến nay. Trên cơ sở ý kiến đánh giá của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội, các sở, ngành của tỉnh và UBND các huyện, thành phố, Sở sẽ tham mưu cho UBND tỉnh đề xuất phương hướng, giải pháp về thực hiện việc sáp nhập bản trong thời gian tới cho phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương.
Hữu Quyết