Sớm đưa vùng kinh tế trọng điểm phía Nam trở thành vùng tăng trưởng xanh

Dù mới trải qua 3 năm hình thành, thế nhưng vùng kinh tế trọng điểm phía Nam của tỉnh Ninh Thuận đã phát triển một cách mạnh mẽ và đang trở thành vùng kinh tế động lực, có sức lan tỏa lớn để phát triển các vùng kinh tế khác trong tỉnh. Từ đó, góp phần thúc đẩy, đưa tỉnh phát triển đi lên theo hướng nhanh, bền vững.

vna_potal_ninh_thuan_phat_trien_vung_kinh_te_trong_diem_phia_nam_tro_thanh_vung_kinh_te_dong_luc_7655496.jpg
Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam của tỉnh Ninh Thuận thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo. Ảnh: Công Thử - TTXVN

*Đẩy mạnh phát triển kinh tế vùng

Theo UBND tỉnh Ninh Thuận, ngày 11/01/2022 Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TU về Phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam của tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam được phân thành 4 tiểu vùng phát triển kinh tế, gồm: Tiểu vùng công nghiệp - năng lượng - cảng biển; tiểu vùng du lịch - dịch vụ phụ trợ; tiểu vùng nông nghiệp công nghệ cao và tiểu vùng bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển rừng.

Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam chia sẻ, được sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, sự hỗ trợ của các Bộ, ngành Trung ương, sự chủ động, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành của tỉnh, từ khi thành lập, kết cấu hạ tầng vùng kinh tế trọng điểm phía Nam của tỉnh được tập trung đầu tư đồng bộ. Công tác thu hút đầu tư, cải cách hành chính, cải thiện môi trường được đẩy mạnh. Các dự án trọng điểm, động lực được đẩy nhanh tiến độ, tạo điều kiện thuận lợi trong công tác kêu gọi đầu tư vào vùng kinh tế ngày một nhiều hơn.

vna_potal_ninh_thuan_phat_trien_vung_kinh_te_trong_diem_phia_nam_tro_thanh_vung_kinh_te_dong_luc_7655495.jpg
Cảng biển tổng hợp Cà Ná (huyện Thuận Nam) đưa vào hoạt động sẽ tiếp nhận nhiều tàu trọng tải lớn cập cảng, trung chuyển hàng hóa về các tỉnh thành khu vực Nam Trung bộ và Tây nguyên. Ảnh: Công Thử - TTXVN

Điểm nổi bật phát triển của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2021 - 2023, đó là tốc độ tăng trưởng bình quân tăng 13,3%/năm, cao hơn mức tăng trưởng bình quân cả tỉnh là 9,29%; GRDP bình quân/người đến năm 2023 đạt trên 106 triệu đồng; tỷ trọng vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2023 chiếm 22,53% GRDP của tỉnh; tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 29,139 nghìn tỷ đồng.

Đặc biệt, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam của tỉnh thu hút nhiều doanh nghiệp lớn vào đầu tư ở lĩnh vực năng lượng tái tạo, với 33 dự án hoàn thành và đưa vào vận hành với tổng công suất 1.935MW, chiếm trên 40% tổng số công suất vận hành các dự án năng lượng của toàn tỉnh. Các khu, cụm công nghiệp, các khu du lịch theo dãi ven biển, các khu đô thị mới từng bước được hình thành và phát triển đồng bộ.Để đẩy mạnh phát triển, UBND tỉnh Ninh Thuận đã phê duyệt đồ án quy hoạch phân khu xây dựng thuộc quy hoạch chung xây dựng khu du lịch ven biển; quy hoạch phân khu xây dựng vùng sản xuất giống thuỷ sản và vùng sản xuất tôm giống bố mẹ ứng dụng công nghệ cao; điều chỉnh quy hoạch phân khu xây dựng Cảng tổng hợp Cà Ná; quy hoạch chung xây dựng các khu đô thị...; đồng thời tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai lập các quy hoạch phân khu phát triển tại vùng phía Nam của tỉnh.

vna_potal_ninh_thuan_phat_trien_vung_kinh_te_trong_diem_phia_nam_tro_thanh_vung_kinh_te_dong_luc_7655501.jpg
Tuyến đường giao thông trọng điểm Văn Lâm-Sơn Hải (huyện Thuận Nam) được đưa vào sử dụng góp phần đẩy mạnh giao thương hàng hóa vùng trọng điểm phía Nam. Ảnh: Công Thử - TTXVN

Ông Trần Quốc Nam cho hay, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam của tỉnh cơ bản đáp ứng các điều kiện để thành lập khu kinh tế ven biển theo quy định tại Khoản 4, Điều 5 và Khoản 2, Điều 14 Nghị định số 35/2022/NĐ-CP ngày 28/5/2022 của Chính phủ về quản lý khu kinh tế. Theo Quy hoạch tỉnh Ninh Thuận thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1319/QĐ-TTg ngày 10/11/2023, trong đó có dự kiến thành lập khu kinh tế ven biển phía Nam của tỉnh với quy mô khoảng 43.900 ha, nằm trên địa bàn hai huyện Thuận Nam và Ninh Phước.

Cùng với các quy hoạch quốc gia được phê duyệt sẽ là điều kiện để Ninh Thuận bổ sung các định hướng, các dự án động lực phát triển tại vùng kinh tế trọng điểm phía Nam của tỉnh như: Dự án khí LNG Cà Ná, công suất 1.500MW (giai đoạn 1); phát triển Trung tâm logistics hạng II; hình thành trung tâm năng lượng tái tạo lớn của cả nước; phát triển 2 kho xăng dầu với quy mô 100.000m3; đầu tư cảng cạn Cà Ná; tuyến giao thông nối cao tốc Bắc - Nam với quốc lộ 1 vào Cảng tổng hợp Cà Ná...; đồng thời chuẩn bị đầu tư tuyến đường động lực kết nối Cảng tổng hợp Cà Ná lên khu vực Nam Tây Nguyên để tạo động lực đột phá phát triển hành lang các trục Đông - Tây.

*Tạo động lực tăng trưởng mới

Để khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế ở vùng đất phía Nam của tỉnh, tạo động lực bức phá, xứng đáng là vùng kinh tế trọng điểm phía Nam như mục tiêu Nghị quyết đặt ra, tỉnh Ninh Thuận đang ra sức thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp, sớm đưa vùng kinh tế trọng điểm phía Nam trở thành vùng kinh tế động lực, tăng trưởng xanh, trở thành khu kinh tế ven biển của cả nước.

Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam cho biết: Nhiệm vụ đầu tiên mà tỉnh tập trung thực hiện, đó là triển khai có hiệu quả Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2031, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1319/QĐ-TTg ngày 10/11/2023. Đồng thời tập trung triển khai quy hoạch ngành, quy hoạch phân khu của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam để thu hút nguồn lực từ các doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

vna_potal_ninh_thuan_phat_trien_vung_kinh_te_trong_diem_phia_nam_tro_thanh_vung_kinh_te_dong_luc_7655494.jpg
Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam của tỉnh Ninh Thuận thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo. Ảnh: Công Thử - TTXVN

UBND tỉnh cũng tăng cường kiểm tra, giám sát để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ các dự án đang đầu tư thi công tại vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Đặc biệt chú trọng khai thác hiệu quả Cảng tổng hợp Cà Ná và dịch vụ cảng, các ngành công nghiệp phụ trợ, chế biến các sản phẩm đặc thù, tổ hợp xanh hóa chất sau muối, trung tâm dịch vụ logistic và cảng cạn Cà Ná; đẩy mạnh thu hút đầu tư hạ tầng khu công nghiệp Phước Nam, khu công nghiệp Cà Ná (đang hoàn tất thủ tục phê duyệt chủ trương đầu tư dự án) cùng 10 cụm công nghiệp đã và đang hình thành với diện tích đến năm 2025 trên 460 ha.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng tập trung giải quyết khó khăn, vướng mắc, đáp ứng nhu cầu vật liệu san lấp mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm phía Nam; xây dựng đồng bộ hệ thống cấp nước, hệ thống thoát lũ, nhà máy xử lý nước thải… để đáp ứng điều kiện hình thành khu đô thị và phát triển các ngành, lĩnh vực.

Đồng thời, tỉnh cũng tiếp tục triển khai hiệu quả chủ trương xây dựng Ninh Thuận thành trung tâm năng lượng, năng lượng tái tạo của cả nước gắn với triển khai có hiệu quả Quy hoạch điện VIII; hỗ trợ các doanh nghiệp kết nối, quảng bá xúc tiến đầu tư vào khu kinh tế trọng điểm phía Nam, phát triển khu đô thị khu vực trọng điểm phía Nam; tập trung phát triển các ngành dịch vụ có tiềm năng, thế mạnh của vùng.

vna_potal_ninh_thuan_phat_trien_vung_kinh_te_trong_diem_phia_nam_tro_thanh_vung_kinh_te_dong_luc_7655491.jpg
Sản xuất muối là thế mạnh phát triển của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: Công Thử - TTXVN

Ngoài ra, tỉnh Ninh Thuận cũng phát triển đồng bộ, đa dạng hóa và nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch gắn với hình thành đô thị ven biển; hình thành các khu du lịch đẳng cấp cao, loại hình độc đáo với chất lượng dịch vụ tốt, có tính cạnh tranh cao; đẩy mạnh liên kết, kết nối với các tuyến du lịch quốc gia, khu vực Đông Nam Bộ và Miền Trung - Tây Nguyên; tiếp tục triển khai chủ trương phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và cơ cấu lại ngành nông nghiệp từng bước đi vào chiều sâu.

Đặc biệt, tỉnh cũng sẽ đẩy mạnh triển khai có hiệu quả các giải pháp đổi mới sáng tạo, tập trung phát triển kinh tế số, chuyển đổi số, phát triển chính quyền số và đô thị thông minh; tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; nâng cao hiệu quả và chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp; chú trọng triển khai có hiệu quả các giải pháp liên kết vùng, phát triển mô hình kinh tế xanh, khu kinh tế phù hợp với đặc trưng từng vùng.

Song song với các nhiệm vụ, giải pháp triển khai thực hiện, tỉnh Ninh Thuận cũng kiến nghị Chính phủ hỗ trợ tỉnh đầu tư dự án động lực hạ tầng giao thông cơ bản kết nối từ Cảng biển Cà Ná, cao tốc Bắc - Nam với các tỉnh khu vực Nam Tây Nguyên để tháo gỡ khó khăn, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, sớm đưa vùng kinh tế trọng điểm phía Nam của tỉnh bức tốc phát triển.

Với sự nỗ lực trên, tỉnh Ninh Thuận kỳ vọng và đặt mục tiêu đưa tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2024 - 2025 tăng 25 - 26%/năm; GRDP bình quân/người đến năm 2025 đạt 130 triệu đồng. Cơ cấu các ngành kinh tế nông nghiệp và thủy sản chiếm 24 - 25%; công nghiệp - xây dựng chiếm 57 - 58%; các ngành du lịch, dịch vụ chiếm 18 - 19%.

Tỉnh cũng phấn đấu đưa tỷ trọng vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2025 chiếm 28 - 29% GRDP của tỉnh; tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2024 - 2025 đạt 11 - 16 nghìn tỷ đồng để đạt mục tiêu huy động từ 40 - 45 nghìn tỷ đồng đầu tư vào vùng./.

Công Thử

Có thể bạn quan tâm