Tỉnh Sóc Trăng có trên 35% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, nhiều nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Thời gian qua, Tổ công nghệ số cộng đồng ở địa phương này đã phát huy hiệu quả, giúp người dân áp dụng công nghệ trong sản xuất, phát triển kinh tế gia đình.
Hiệu quả từ cơ sở
Xã Trường Khánh (huyện Long Phú) có hơn 44% dân số là đồng bào Khmer. Gia đình ông Lý Dên (ấp Trường Thành B, xã Trường Khánh) là hộ Khmer, hơn một năm trước, ông được Tổ công nghệ số cộng đồng vận động thực hiện chuyển đổi số như cài đặt ứng dụng VNeID, thanh toán không dùng tiền mặt, nhóm Zalo cộng đồng thông tin chính sách pháp luật của nhà nước, thời tiết nông vụ của địa phương...
Ông Lý Dên cho hay, gia đình ông sản xuất 1 héc-ta lúa. Nhờ nhóm Zalo cộng đồng thông tin về thời tiết, tình hình mặn xâm nhập, vụ lúa Hè Thu vừa qua, diện tích lúa của gia đình tránh được nước mặn xâm nhập, ông dự trữ nước ngọt sản xuất và phòng tránh sâu bệnh, từ đó chi phí sản xuất giảm 20% so với vụ trước. Cũng theo ông Lý Dên, thực hiện chuyển đổi số rất phù hợp trong giai đoạn hiện nay, có nhiều tiện ích cho người dân và tiết kiệm thời gian, chi phí sản xuất, giúp nông dân sản xuất hiệu quả.
Theo ông Lê Văn Được, Tổ trưởng Tổ công nghệ số cộng đồng (ấp Trường Thành B, xã Trường Khánh), thời gian qua, thành viên trong Tổ luôn thực hiện phương châm “ đi từng ngõ, gõ từng nhà” vận động người dân tham gia chuyển đổi số như hướng dẫn cài đặt ứng dụng VNeID, ví điện tử thanh toán tiền trực tuyến… từ đó người dân đồng tình hưởng ứng. Đặc biệt, các Tổ thực hiện nhóm Zalo cộng động thông tin chính sách, pháp luật của Nhà nước, thời tiết nông vụ địa phương, tình hình an ninh trật tự…, từ đó giúp nhân dân địa phương nắm bắt kịp thời thông tin phục vụ đời sống và sản xuất.
Ông Nguyễn Văn Nhì, Chủ tịch UBND xã Trường Khánh cho biết, để thực hiện tốt công tác chuyển đổi số trên địa bàn, UBND xã triển khai 7 Tổ công nghệ số cộng đồng với 49 thành viên, thành lập 55 nhóm Zalo (836 thành viên). Thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng hướng dẫn cài đặt dịch vụ công cho trên 8.326 tài khoản để đăng ký hồ sơ trực tuyến.
Địa phương đang đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, hình thành văn hóa số cho cán bộ, công chức, viên chức, doanh nghiệp và người dân; gắn mục tiêu chuyển đổi số với tuyên truyền về nghị quyết, kinh tế xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của địa phương. Cùng với đó tăng cường tuyên truyền bằng nhiều hình thức, tạo điều kiện để tổ chức, người dân tiếp cận dịch vụ do cơ quan nhà nước cung cấp, ông Nguyễn Văn Nhì cho biết thêm.
Nâng cao chất lượng
Huyện Long Phú có 11 đơn vị hành chính, trong đó có 2 thị trấn và 9 xã (61 ấp), toàn huyện có 26.291 hộ, với 93.360 nhân khẩu. Ông Hồ Quốc Hùng, Trưởng phòng Văn hóa thông tin huyện Long Phú (Thường trực Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số huyện Long Phú) cho biết, huyện có 73 Tổ công nghệ số cộng đồng thực hiện trao đổi thông tin từ huyện đến các ấp của các xã, thị trấn; người dân tham gia đạt 50,6% dân số toàn huyện. Thành viên Tổ công nghệ số hướng dẫn trực tiếp người dân sử dụng smartphone, dịch vụ công trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt (đạt 100%); tuyên truyền qua nhóm Zalo chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước đến người dân, đạt 98%.
Theo lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Sóc Trăng, sau 2 năm triển khai, đến nay toàn tỉnh có 775 Tổ công nghệ số cộng đồng ở các ấp, khóm với 5.045 thành viên đang phát huy hiệu quả tích cực.
Nhiệm vụ chính của Tổ công nghệ số cộng đồng là tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người dân sử dụng công nghệ số như các ứng dụng VNeID, Công dân Sóc Trăng, Zalo OA Sóc Trăng, STV… Cùng với đó, tham gia sàn thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt, hướng dẫn người dân truy cập và sử dụng dịch vụ công trực tuyến… Ngoài ra, Tổ công nghệ số cộng đồng còn hỗ trợ thêm công tác tuyên truyền chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và hoạt động của địa phương đến với người dân.
Ông Nguyễn Minh Chiến, Phó Giám đốc phụ trách Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Sóc Trăng cho biết, Sở tiếp tục phối hợp cơ quan, doanh nghiệp phát động chiến dịch ra quân “đi từng ngõ, gõ từng nhà, hướng dẫn từng người dân sử dụng dịch vụ, ứng dụng để phát triển kinh tế số” dự kiến diễn ra từ ngày 1-10/10/2024.
Cũng theo ông Nguyễn Minh Chiến, Sở có kế hoạch thường xuyên tổ chức lớp bồi dưỡng, tập huấn, phổ biến, cập nhật kiến thức, kỹ năng số và an toàn thông tin mạng cho thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng. Đối với xã, phường thị trấn, chính quyền địa phương tiếp tục kiện toàn thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng phù hợp đặc điểm khu dân cư; tận dụng nhóm Zalo hỗ trợ công tác thông tin, tuyên truyền chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với người dân.
Tuấn Phi