Sóc Trăng nỗ lực giảm nghèo bền vững

Sóc Trăng nỗ lực giảm nghèo bền vững

Sóc Trăng hiện có 63 xã, phường, thị trấn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và 128 ấp đặc biệt khó khăn. Tỉnh còn 15.139 hộ nghèo (chiếm 4,54% tổng số hộ) theo tiêu chí nghèo đa chiều; trong đó hộ nghèo Khmer còn 7.122 hộ (chiếm 7,01% tổng số hộ Khmer), hộ nghèo Hoa còn 345 hộ (chiếm 2,09%).

Sóc Trăng nỗ lực giảm nghèo bền vững ảnh 1Anh Trần Sáng, dân tộc Khmer, ấp Tú Điền, xã Đại Ân 2, huyện Trần Đề (Sóc Trăng) vay vốn chương trình giải quyết việc làm để đầu tư nuôi lợn rừng, cải tạo vườn trồng cây ăn quả, rau màu cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Trần Việt - TTXVN

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu cho biết, địa phương đang triển khai đồng loạt các giải pháp để giảm nghèo bền vững. Năm 2023, Sóc Trăng huy động nguồn vốn 88.271 triệu đồng để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia này.

Theo đó, tỉnh tăng cường truyền thông về ý nghĩa, tầm quan trọng của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh nhằm tạo sự chuyển biển mạnh mẽ về nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, qua đó, chủ động, nỗ lực phấn đấu trong lao động, sản xuất để tự vươn lên thoát nghèo.

Sóc Trăng tập trung mọi nguồn lực thực hiện hiệu quả chính sách dân tộc lồng ghép kết hợp với chính sách đầu tư của Chính phủ như: Đầu tư hạ tầng, nhà ở, nước sạch, hỗ trợ phát triển sản xuất; y tế, giáo dục đào tạo, tăng cường giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm; tín dụng ưu đãi; giải quyết tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, chính sách hỗ trợ giảm nghèo.... từng bước thay đổi tập quán sản xuất, mở rộng quy mô, dịch vụ phục vụ sản xuất, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm cây trồng, vật nuôi, góp phần cải thiện đời sống, giảm nghèo bền vững cho nhân dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

Cùng với đó, tỉnh tập trung giải ngân vốn theo kế hoạch phân bổ vốn của Hội đồng nhân dân tỉnh và quyết định giao vốn của Ủy ban nhân dân tỉnh đảm bảo đúng quy định; triển khai hiệu quả, đúng tiến độ nội dung, danh mục chương trình, dự án theo phê duyệt của Ủy ban nhân dân tỉnh, thực hiện thanh, quyết toán kịp thời, không để chậm trễ hay tồn đọng dẫn đến bị thu hồi về ngân sách Trung ương.

Sóc Trăng tiếp tục tập trung chỉ đạo, hướng dẫn kiện toàn hệ thống bộ máy tổ chức thực hiện Chương trình ở các cấp đồng bộ, thống nhất; hoàn thiện hệ thống văn bản chỉ đạo, hướng dẫn triển khai chương trình và có cơ chế triển khai lồng ghép hiệu quả 3 Chương trình mục tiêu quốc gia. Tỉnh tập trung triển khai hiệu quả lớp tập huấn, đào tạo, nâng cao năng lực cho cán bộ thực hiện chương trình các cấp.

Cũng theo Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, tỉnh tăng cường kiểm tra, giám sát việc giảm nghèo tại địa phương để kịp thời phát hiện, uốn nắn sai sót trong quá trình triển khai; quản lý chặt chẽ việc sử dụng nguồn lực thực hiện; đánh giá hiệu quả triển khai dự án thành phần; phát huy hơn nữa vai trò giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và giám sát của cộng đồng.

Đặc biệt, Sóc Trăng tập trung xây dựng các dự án phát triển kinh tế giai đoạn 2023 - 2025 có sử dụng ngân sách địa phương đối ứng để thực hiện chính sách tín dụng, hỗ trợ tín dụng cho từng đối tượng, lĩnh vực, nội dung hoạt động thuộc từng chương trình mục tiêu quốc gia. Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Sóc Trăng phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành trong việc quản lý, nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách xã hội; xây dựng, lồng ghép mô hình, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững, chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của địa phương với việc sử dụng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội.

Căn cứ mục tiêu, nhiệm vụ, lộ trình triển khai Chương trình của tỉnh đến năm 2025, các sở, ban, ngành phụ trách các dự án, tiểu dự án của Chương trình, Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã có trách nhiệm rà soát hiện trạng, xác định mục tiêu, công việc, lộ trình, giải pháp cụ thể đưa vào kế hoạch chỉ đạo thực hiện cả giai đoạn 2021-2025 của từng ngành, địa phương...

Nhật Bình

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm