Sóc Trăng hướng tới nuôi trồng thủy sản theo công nghệ cao

Sóc Trăng hướng tới nuôi trồng thủy sản theo công nghệ cao

Theo ông Vương Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, là tỉnh có thế mạnh phát triển kinh tế nông nghiệp mà chủ lực là cây lúa và con tôm, trong những năm qua, Sóc Trăng đã đạt nhiều kết quả tích cực. Phát huy thế mạnh về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, người dân đã tích lũy nhiều kinh nghiệm trong nuôi trồng thủy sản. Qua đó diện tích nuôi thủy sản ngày càng mở rộng, năm 2021 đạt 76.530 ha, trong đó, diện tích nuôi tôm nước lợ 53.000 ha, tập trung ở các huyện Trần Đề, Cù Lao Dung, Mỹ Xuyên, Long Phú và thị xã Vĩnh Châu.

Sự thành công trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản của Sóc Trăng là nhờ có sự chuyển đổi của sản xuất, cụ thể là nông dân đã chuyển đổi từ các mô hình nuôi ao đất truyền thống sang các mô hình nuôi tiên tiến hơn như lót bạt, nuôi 2, 3 hay nhiều giai đoạn, có lắp thiết bị quan trắc tự động... nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao đặc biệt phát triển mạnh mẽ.

Sóc Trăng hướng tới nuôi trồng thủy sản theo công nghệ cao ảnh 1Nuôi trồng và thu hoạch tôm nước lợ tại trang trai công nghệ cao ở Sóc Trăng. Ảnh: Trung Hiếu - TTXVN

Mô hình nuôi tôm lót bạt 2, 3 giai đoạn được xem là mô hình nuôi ứng dụng công nghệ cao tương đối bền vững, hiệu quả, thích ứng với biến đổi khí hậu, nắng nóng, xâm nhập mặn hiện nay, giảm tải cho môi trường vì hệ thống xả thải tuần hoàn, ít trao đổi nước với bên ngoài, người nuôi có thể kiểm soát tốt được chất lượng con giống thả, kiểm soát tốt về các yếu tố môi trường ao nuôi, hạn chế được mầm bệnh, giảm thiểu được rủi ro trong nuôi tôm, nuôi tôm được về kích cỡ lớn và đạt năng suất, chất lượng, sản lượng cao và hiệu quả kinh tế khá tốt. Cụ thể là Trần Đề: 21 tấn/ha/vụ; Thị xã Vĩnh Châu: 10,2 tấn/ha/vụ; Cù Lao Dung: 3 tấn/ao 500 m2/vụ và Mỹ Xuyên: 2 - 2,5 tấn/ao 500 m2/vụ.

Nhiều trang trai nuôi tôm lớn với quy mô hàng trăm ha đã được hình thành tại Sóc Trăng, trong đó có những trang trại liên kết với mô hình khép kín, nuôi trồng-chế biến-xuất khẩu, đem lại giá trị cao, được thị trường tin cậy.

Trong khuôn khổ hội thảo "Gỡ khó để thủy sản Việt Nam vươn lên tốp đầu thế giới", ngày 12/10 vừa qua, đoàn lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng cùng với các sở, ngành đã có chuyến khảo sát thực tế tại trang trại nuôi tôm của Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta, ở xã Vĩnh Tân (thị xã Vĩnh Châu, Sóc Trăng). Đây là một trong những trang trại nuôi tôm công nghệ cao lớn nhất miền Tây hiện nay, với tổng diện tích hơn 500ha, năng suất đạt từ 6.000 - 8.000 tấn/năm, phấn đấu trong những năm tới đạt sản lượng nuôi sản phẩm chất lượng đạt 10.000 tấn tôm/năm.

Ông Hoàng Thanh Vũ, Phó Tổng giám đốc phụ trách kỹ thuật, Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta đã giới thiệu về việc nuôi tôm áp dụng công nghệ cao tại trang trại, sản lượng và hoạt động chế biến, xuất khẩu tôm thẻ chân trắng của công ty cũng như dẫn đoàn khảo sát tham quan trực tiếp thu hoạch tôm tại đây. Theo ông Vũ, nuôi tôm của công ty theo mô hình công nghệ cao, sử dụng vi sinh và cho ra sản phẩm chất lượng đạt các tiêu chuẩn an toàn quốc tế quy định.

Phát biểu sau buổi khảo sát, ông Vương Quốc Nam, Phó chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết, việc khai thác thủy sản hiện nay đặt ra yêu cầu phải đảm bảo nguồn lợi thủy sản cho mai sau, khai thác không vi phạm vùng biển nước ngoài, không hủy diệt... Do đó việc đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản là rất cần và đúng chủ trương chung của ngành thủy sản cũng như của Đảng, Nhà nước.

Sóc Trăng hướng tới nuôi trồng thủy sản theo công nghệ cao ảnh 2Nuôi trồng và thu hoạch tôm nước lợ tại trang trai công nghệ cao ở Sóc Trăng. Ảnh: Trung Hiếu - TTXVN

Theo lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng, do diện tích quy hoạch đất nuôi tôm không còn nhiều nên tỉnh đặt ra mục tiêu phải đầu tư công nghệ cao, đảm bảo tăng năng suất và đảm bảo theo tiêu chuẩn xuất khẩu. Hiện, tỉnh Sóc Trăng quy hoạch diện tích nuôi tôm khoảng 52.000ha và sắp tới muốn mở rộng cũng không được. Chủ trương của tỉnh là chuyển ao nuôi đất thành ao nuôi lót bạt công nghiệp và tăng năng suất lên. Hàng năm Sóc Trăng thu hoạch nuôi tôm nước lợ khoảng 190.000 tấn, đảm bảo nguyên liệu cho các nhà máy chế biến xuất khẩu.

Nhờ diện tích, sản lượng thủy sản tăng cao cùng với công nghiệp chế biến phát triển, thị trường tiêu thụ ổn định, mở rộng mà giá trị kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 9 tháng năm 2022 của Sóc Trăng tăng trưởng mạnh, đạt 1 tỷ 170 triệu USD, đạt 97,5% chỉ tiêu Nghị quyết, tăng 21,62% so cùng kỳ; riêng xuất khẩu thủy sản đạt 820 triệu USD (tăng 13,1% so với cùng kỳ). Theo kế hoạch, năm 2022, ngành thủy sản Sóc Trăng phấn đấu xuất khẩu đạt 950 triệu USD, nhưng với giá trị đã đạt được và đà tăng trưởng của những tháng cuối năm còn lại, tỉnh Sóc Trăng sẽ xuất khẩu thủy sản ước vượt ngưỡng 1 tỷ USD.

Trung Hiếu

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm