Ngày 27/4, ông Phạm Tấn Đạo, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Sóc Trăng cho biết, Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng đã quyết định công bố tình huống khẩn cấp sạt lở bờ sông nguy hiểm trên địa bàn huyện Cù Lao Dung. Cụ thể, khu vực sạt lở bờ sông Hậu thuộc địa bàn xã An Thạnh Đông và xã Đại Ân 1 huyện Cù Lao Dung.
Theo đó, Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng cũng chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh có trách nhiệm thường xuyên cập nhật, báo cáo tình hình, diễn biến sạt lở và tiến độ khắc phục khẩn cấp sạt lở để theo dõi, chỉ đạo, xử lý kịp thời.
Cùng với đó, Ủy ban nhân dân huyện Cù Lao Dung có trách nhiệm chủ trì, phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường triển khai cắm biển cảnh báo, khoanh vùng sạt lở bờ sông để cảnh báo khu vực sạt lở nguy hiểm; đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến tình trạng sạt lở bờ sông, khu vực sạt lở nguy hiểm và khu vực có nguy cơ sạt lở; vận động nhân dân di dời đến nơi ở khác (đối với các nhà có nguy cơ sập, lún), đối với các nhà liền kề thì khẩn trương di dời vật dụng, không để người già và trẻ em ngủ lại vào ban đêm.
Bên cạnh đó, huyện tăng cường việc khắc phục, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản, đảm bảo an toàn tính mạng của nhân dân, chuẩn bị phương án sẵn sàng huy động lực lượng, vật tư, phương tiện để hỗ trợ nhân dân di dời và ứng cứu khi có tình huống xấu xảy ra; đồng thời, phối hợp Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, Chi cục Phát triển nông thôn để hỗ trợ chính sách cho các hộ bị sạt lở, phải di dời nhà ở theo quy định...
Chủ tịch UBND huyện Cù Lao Dung Trần Văn Nguyên cho biết, qua báo cáo tình trạng sạt lở khẩn cấp tuyến đê bao Tả, Hữu trên địa bàn huyện Cù Lao Dung, Uỷ ban nhân dân huyện đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Trạm Quản lý thủy nông cùng Ủy ban nhân dân các xã rà soát, khảo sát toàn bộ tuyến đê bao Tả, Hữu trên địa bàn huyện.
Kết quả khảo sát có trên 30 điểm sạt lở nghiêm trọng lấn sát chân đê bao Tả, Hữu trên địa bàn 02 xã là Đại Ân 1 (18 điểm sạt lở) và xã An Thạnh Đông (12 điểm sạt lở), với chiều dài sạt lở hơn 1.500 mét (xã An Thạnh Đông là 950 mét; xã Đại Ân 1 là 550 mét). Trên các đoạn sạt lở này có khoảng 300 hộ dân đang sinh sống (xã An Thạnh Đông có 180 hộ; xã Đại Ân 1 có 120 hộ), diện tích nuôi thuỷ sản (nuôi tôm) trên 300.000 m2 (xã An Thạnh Đông là 170.000m2, xã Đại Ân 1 là 130.000m2) diện tích trồng cây ăn trái, hoa màu trên 400 ha (xã An Thạnh Đông: 230ha; xã Đại An 1: 170ha).
Trước diễn biến bất thường của thời tiết cực đoan như hiện nay, nếu không gia cố kịp thời sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân trong khu vực.
Theo Chi cục trưởng Chi cục Thủy Lợi tỉnh Sóc Trăng Phạm Tấn Đạo, những năm gần đây, tình hình thiên tai sạt lở bờ sông, bờ kênh gây thiệt hại đường giao thông nông thôn, nhà cửa, cơ sở hạ tầng công cộng... trên địa bàn huyện Cù Lao Dung xảy ra ngày càng nhiều, cao điểm nhất là vào tháng mưa, lũ, triều cường. Theo thống kê của Chi cục Thuỷ lợi tỉnh, từ năm 2019 đến nay, riêng bờ sông Hậu trung bình mỗi năm sạt lở chiều dài khoảng 500 – 1.000 mét.
Chỉ tính từ đầu năm 2022 đến nay, sạt lở bờ sông Hậu tiếp tục diễn biến phức tạp, qua khảo sát đã có khoảng 30 điểm sạt lở nguy hiểm, với tổng chiều dài trên 1.500 mét thuộc địa bàn xã Đại Ân 1 và An Thạnh Đông, làm vỡ bờ bao nuôi tôm của dân phía ngoài đê và lấn sâu vào sạt lở hết chân và mái để bao Tả, Hữu Cù Lao Dung. Nguy cơ vỡ đê tại những điểm sạt lở nêu trên vào những ngày triều cường là rất cao, đặc biệt tuyến sạt lở sông Hậu trên địa bàn xã An Thạnh Đông là tuyến tàu cao tốc Cần Thơ – Côn Đảo đi qua nên chiều dài sạt lở sẽ tiếp tục tăng, diễn biến phức tạp và nguy cơ vỡ để gây thiệt hại phía bên trong đó là rất cao nếu không được gia cố kịp thời.
Theo đánh giá của Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng Vương Quốc Nam, đối với việc xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển hiện nay trên địa bàn tỉnh (xảy ra sự cố ở vị trí nào thì xử lý, gia cố ở vị trí đó) chỉ mang tính khắc phục tạm thời. Về lâu dài, tỉnh cần được các nhà khoa học nghiên cứu để có giải pháp thích ứng tối ưu; đồng thời, nguồn kinh phí để đầu tư đồng bộ hệ thống các đê biển, đê sông là rất lớn và cần có sự hỗ trợ từ nguồn kinh phí trung ương để thực hiện.
Cùng đó là tăng cường vận động nhân dân không xây dựng nhà ở gần ngã ba sông, các khúc sông cong và những đoạn kênh, sông dễ bị sạt lở để tránh thiệt hại về người và tài sản; đồng thời, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án tái định cư, dự án sắp xếp, bố trí dân cư vùng đặc biệt khó khăn; trong đó, cần quan tâm đến việc sắp xếp, di dời dân ở những vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng.
Chanh Đa