Diêm dân Vĩnh Châu (tỉnh Sóc Trăng) thu hoạch muối. Ảnh: Chanh Đa - TTXVN |
Theo Sở Công Thương Sóc Trăng, chương trình OCOP đã khẳng định hướng đi đúng đắn trong việc thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong tỉnh; là tiền đề để đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại các mặt hàng nông sản, sản phẩm chủ lực; đặc biệt là tạo thế cạnh tranh cho các sản phẩm của tỉnh, nhất là các sản phẩm OCOP thâm nhập thị trường nội địa cả, mở rộng thị trường xuất khẩu.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Sóc Trăng, ông Lê Văn Hiểu cho biết, hiện nay các sản phẩm OCOP này được đánh giá đã có bước tiến về chất lượng, đa dạng về mẫu mã, bao bì, đảm bảo quy định về tem, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc sản phẩm; đồng thời được các đơn vị phân phối, bán lẻ, sàn giao dịch thương mại điện tử (BigC, Coop Mart, VinMart...) ký kết hợp đồng tiêu thụ với số lượng lớn.
Chính vì vậy, doanh thu bán sản phẩm của các nhóm sản phẩm được chứng nhận Ocop tăng bình quân 10-30%. Đặc biệt, có sản phẩm của công ty tăng doanh thu lên đến 150%.
Nhiều công ty tăng đại lý bán cùng mở rộng quy mô thị trường ra ngoài tỉnh. Nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh còn đầu tư nhiều trang thiết bị nâng cao chất lượng hàng hóa, ổn định thị trường và thu hút khách hàng hướng đến nhằm hướng đến sự hoàn thiện chất lượng, bao bì, nhãn mác..
Đặc biệt là nhiều địa phương trong tỉnh đã ra mắt Cửa hàng An toàn Vệ sinh an toàn thực phẩm, giới thiệu và bán các sản phẩm OCOP; từ đó giúp quảng bá, giới thiệu các sản phẩm OCOP đến gần hơn với người tiêu dùng. Ngoài ra, đã tổ chức thành công lễ ra mắt Cửa hàng giới thiệu-Liên kết-Tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp đặc sản-an toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Sóc Trăng tại điểm du lịch Chùa Sà Lôn (Chén Kiểu) ở xã Đại Tâm (huyện Mỹ Xuyên). Theo đó, cửa hàng có 22 cơ sở, doanh nghiệp tham gia ký gửi hàng hóa với hơn 120 loại sản phẩm có niêm yết giá và kiểm soát nguồn gốc xuất xứ để trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm cho du khách trong và ngoài tỉnh.
Trước đó, 39 sản phẩm của các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh được tỉnh Sóc Trăng phê duyệt kết quả đánh giá, xếp hạng sản phẩm thuộc chương trình OCOP của tỉnh năm 2019; trong đó có 16 sản phẩm đạt hạng 4 sao và 23 sản phẩm đạt 3 sao.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, số sản phẩm OCOP vẫn chưa chủ động được vùng nguyên liệu và công nghệ chế biến dẫn đến các sản phẩm chưa đa dạng về mặt chủng loại, sản lượng thấp, không ổn định, thị trường tiêu thụ còn hạn chế. Nhận thức của một vài chủ thể khi tham gia thực hiện chương trình OCOP còn hạn chế.
Qua những kết quả đạt được trong quá trình triển khai chương trình OCOP, tỉnh Sóc Trăng đặt mục tiêu phát triển ít nhất 45 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên; trong đó, 3 sản phẩm đạt 5 sao trong năm 2020. Tỉnh Sóc Trăng cũng dự kiến đến cuối năm 2020 sẽ có hơn 80 sản phẩm OCOP được chứng nhận; mỗi huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh sẽ ít nhất có 3 sản phẩm trở lên được chứng nhận lựa chọn sản phẩm chủ lực.
Để đạt được mục tiêu, tỉnh Sóc Trăng sẽ tổ chức hội chợ xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP và sản phẩm đặc sản vùng miền tại tỉnh trong năm 2020. Tỉnh cũng sẽ thành lập “Trung tâm trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP” và triển khai phát triển các điểm bán hàng, cửa hàng OCOP trên địa bàn các huyện gắn với hoạt động du lịch trong tỉnh.
Chanh Đa