Người dân được hưởng lợi từ thu phí dịch vụ môi trường.Ảnh :baochinhphu.vn |
Các chủ rừng này tập trung ở các huyện Lắk, Krông Bông, Krông Ana, M’Đrắk, Ea H’Leo; trong đó, hai huyện Lắk và Krông Bông được xác định là địa bàn trọng điểm do có diện tích rừng tự nhiên là rừng đặc dụng có giá trị lớn về mặt khoa học, môi trường, lại nằm trọn trong hệ thống lực vực sông Sêrêpốk nên có số chủ rừng là cộng đồng, nhóm hộ, hộ đồng bào dân tộc thiểu số được tham gia cung ứng dịch vụ môi trường nhiều với 121 chủ rừng và 4.185 ha rừng… Các chủ rừng là cộng đồng, nhóm hộ, hộ gia đình đã thường xuyên tuần tra, chăm sóc, tu bổ, về sinh, bảo vệ nên rừng, đất rừng không những không bị lấn chiếm trái phép mà còn chất lượng rừng ngày càng tăng lên, tăng thêm thu nhập cho các chủ rừng. Theo kế hoạch, năm 2018 này, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng của tỉnh Đắk Lắk chi trả cho các chủ rừng là cộng đồng, nhóm hộ, hộ gia đình là 1.981 triệu đồng (đơn giá 300.000 đồng/ha/năm); trong đó, chi trả cho 11 chủ rừng là cộng đồng hơn 646 triệu đồng, bình quân mỗi cộng đồng nhận hơn 60 triệu đồng/năm, số tiền còn lại là chi trả cho các chủ rừng là nhóm hộ, hộ gia đình. Ông Y Koi Luk, dân tộc M’nông, Trưởng buôn Dung xã vùng sâu Đắk Phơi (huyện Lắk) cho biết, buôn có 11 hộ, mỗi hộ nhận 18 ha rừng sau khai thác của Công ty Lâm nghiệp Lắk để chăm sóc quản lý, bảo vệ. Các hộ nhận rừng đã được cấp sổ xanh, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong vòng 50 năm. Tuy nhiên, từ năm 2013 trở về trước, do tiền công quản lý, bảo vệ quá thấp (50.000 đồng/ha) nên các hộ buông lỏng quản lý, không chăm sóc, tu bổ rừng. Thậm chí, có 6 hộ nhận khoán quản lý bảo vệ rừng còn để người dân nơi khác đến lấn chiếm rừng, đất rừng để sản xuất nông nghiệp. Từ năm 2014 đến nay,hàng năm ngoài việc nhận mỗi hộ gia đình từ 2,5 đến cả chục triệu đồng tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng, các hộ gia đình còn tận thu các lâm sản phụ như măng tre, le, mây…để sử dụng, hoặc bán tăng thêm thu nhập, đồng thời, thường xuyên tuần tra, canh gác, tu bổ, chăm sóc để rừng ngày càng phát triển… Còn ông Y Tuyết Liêng, Trưởng buôn Du Mah, xã vùng sâu Đắk Nuê (huyện Lắk) chia sẻ, buôn có 36 hộ gia đình đồng bào M’nông trong buôn ngoài sản xuất nông nghiệp còn được giao rừng, mỗi hộ nhận từ 28 đến 35 ha rừng sau khai thác. Từ năm 2014 trở lại đây, rừng được chăm sóc, quản lý, bảo vệ và được hưởng lợi từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng nên rừng ở đây ngày càng được bảo vệ, chăm sóc tốt hơn, sinh khối ngày càng tăng, thu nhập của hộ gia đình nhận rừng cũng khá hơn, thu nhập mỗi hộ gần chục triệu đồng/năm… Tuy nhiên, cũng theo đánh giá của ông Nguyễn Minh Chí, mức thu nhập bình quân trên đầu người về hưởng lợi từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng cho các cộng đồng, nhóm hộ, hộ gia đình vẫn còn thấp, chưa tương xứng với công sức của người làm nghề rừng nên chưa khuyến khích, thu hút được người dân tham gia công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn. Ông Nguyễn Minh Chí cũng kiến nghị tỉnh Đắk Lắk ngoài việc thu từ các nhà máy thủy điện, các đơn vị sản xuất, cung ứng nước sạch, còn cần khai thác thêm các loại dịch vụ khác có sử dụng dịch vụ môi trường rừng như các cơ sở sản xuất nước công nghiệp, cơ sở nuôi trồng thủy sản, tổ chức kinh doanh dịch vụ du lịch…để huy động thêm nguồn thu phục vụ cho công tác bảo vệ, phát triển rừng, tăng thêm thu nhập cho các chủ rừng. Ông Nguyễn Minh Chí đề nghị các huyện, đơn vị chức năng ngoài việc tăng thêm số hộ gia đình, nhóm hộ, cộng đồng tham gia quản lý, bảo vệ rừng còn nhanh chóng rà soát lại việc giao đất, giao rừng cho các chủ rừng là cộng đồng, nhóm hộ, hộ gia đình trên từng địa bàn đảm bảo về hồ sơ, rõ ràng về vị trí, ranh giới, diện tích, tên chủ rừng được giao.Đặc biệt, ông Chí cho rằng, tỉnh cần nghiên cứu, nâng cao hạn mức được giao rừng cho các đối tượng này để quản lý, bảo vệ, hưởng lợi từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng nhằm tăng nguồn thu nhập cho các hộ gia đình, góp phần cải thiện sinh kế cho người dân làm nghề rừng, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số là hộ nghèo sinh sống gần rừng.
Quang Huy