Sẽ có 4 mẫu tem được phát hành trong 6 tháng cuối năm 2018

Sẽ có 4 mẫu tem được phát hành trong 6 tháng cuối năm 2018
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Minh Hồng chủ trì buổi họp để lựa chọn các mẫu thiết kế đảm bảo chất lượng, đáp ứng các chuẩn mực nghệ thuật. Ngoài việc đảm bảo những giá trị lịch sử, thời đại được truyền tải trên nội dung tem, các tem đồng thời cần đáp ứng được nhu cầu, thị hiếu của người chơi tem trong nước, quốc tế.... 
 
Theo đó, bộ tem “Kỷ niệm 150 năm ngày mất của Nguyễn Trung Trực (1838-1868)” sẽ gồm 1 mẫu, được lựa chọn từ 3 mẫu thiết kế. Nguyễn Trung Trực tên thật là Nguyễn Văn Lịch, quê ở Bình Định là thủ lĩnh phong trào khởi nghĩa chống Pháp ở Tân An (nay thuộc tỉnh Long An) và Rạch Giá (nay thuộc tỉnh Kiên Giang). Ngày 11/12/1861, Nguyễn Trung Trực cùng nghĩa quân đốt tàu Espérance hạ neo ở bến Nhật Tảo. Từ sau chiến thắng trên, hàng loạt cuộc tấn công trên sông liên tiếp diễn ra gây nhiều tổn thất về người và tài sản cho quân địch. Bộ tem “Kỷ niệm 150 năm ngày mất của Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực được thiết kế với 2 chi tiết cơ bản là chân dung Nguyễn Trung Trực và hình ảnh trận đánh ghi dấu ấn lịch sử của ông. 

Hội đồng Tư vấn tem quốc gia cũng tiến hành lựa chọn mẫu thiết kế cho bộ tem “Kỷ niệm 100 năm ngày sinh Nguyên Hồng (1918-1982)” gồm 1 mẫu tem. Nhà văn Nguyên Hồng (tên thật là Nguyễn Nguyên Hồng) sinh này 5/11/1918 tại Vụ Bản, Nam Định. Nguyên Hồng mồ côi từ bé, khi trưởng thành, ông đã sớm giác ngộ cách mạng và tham gia vào các phong trào yêu nước. Ông bị địch bắt nhiều lần, chịu nhiều cực hình tra tấn nhưng vẫn kiên cường tham gia các phong trào sáng tác văn học của Hội Văn hóa Cứu quốc. Nhà văn Nguyên Hồng mất ở tuổi 64 với hơn 40 tác phẩm văn học. Ông là một trong những nhà văn được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đợt đầu tiên vào năm 1996. 

Thiết kế của bộ tem “Kỷ niệm 100 năm ngày sinh Nguyên Hồng” thể hiện chân dung nhà văn Nguyên Hồng bằng bút pháp hiện thực, miêu tả thần thái nho nhã và mộc mạc của nhà văn nổi tiếng luôn đứng về phía những người dân lao động. Nền tem thể hiện bìa cuốn sách “Bỉ Vỏ” – một trong những tiểu thuyết tiêu biểu đã đem lại danh tiếng cho ông trong làng văn Việt Nam, tiếp đó là phong cảnh bến Tam Bạc – Hải Phòng, là bối cảnh trong tiểu thuyết nêu trên. Nền màu tem nâu ấm, thể hiện nhân cách gần gũi mộc mạc của nhà văn. 

Bộ tem thứ ba sẽ được phát hành trong 6 tháng cuối năm 2018 là bộ tem chuyên đề “Động vật Vườn quốc gia Kon Ka Kinh”, gồm 4 mẫu và 1 bloc. Vườn quốc gia Kon Ka Kinh là một khu vực ưu tiên về bảo tồn đa dạng sinh học của Việt Nam nằm trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Ngoài sự đa dạng và phong phú của hệ động vật rừng, Vườn quốc gia Kon Ka Kinh đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ lưu vực đầu nguồn của các con sông, cung cấp nước tưới tiêu cho khu vực Gia Lai và Kon Tum. 

Họa sỹ thiết kế bộ tem đã sử dụng bút pháp hiện thực, thể hiện mối liên hệ giữa thiên nhiên và động vật quý hiếm, đặc trưng tại nơi đây như Khướu Kon Ka Kinh, bò sát Ô rô Natalia, Mang Trường Sơn, Vòi voi cánh đốm. Bốn con tem cũng được đưa vào bloc tem trong một không gian thiên nhiên đồng hiện đúng sinh cảnh trong Vườn quốc gia Kon Ka Kinh. 

Bộ tem thứ  tư chuyên đề “Bảo vật quốc gia Việt Nam (bộ I)” có chủ đề là “Đồ đồng”, gồm 4 mẫu. Bảo vật quốc gia là những hiện vật có giá trị đặc biệt, liên quan đến một sự kiện trọng đại của đất nước hoặc liên quan đến sự nghiệp của anh hùng dân tộc, danh nhân tiêu biểu, tác phẩm nghệ thuật... hoặc là mẫu vật tự nhiên chứng minh cho các giai đoạn hình thành và phát triển của lịch sử trái đất, lịch sử tự nhiên. 

Bộ tem này sẽ giới thiệu đến công chúng trong nước và quốc tế 4 bảo vật bằng đồng nổi tiếng của Việt Nam gồm: Cây đèn đồng hình người quỳ (thuộc văn hóa Đông Sơn, Bảo tàng Lịch sử quốc gia), kiếm ngắn Núi Nưa (thuộc văn hóa Đông Sơn, Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa), Thạp đồng Hợp Minh (thuộc văn hóa Đông Sơn, Bảo tàng tỉnh Yên Bái), Bộ khóa đai lưng bằng đồng (thuộc văn hóa Đông Sơn, Khu di tích lịch sử Đền Hùng, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ). Đây là những hiện vật có giá trị đặc biệt về văn hóa, lịch sử được Nhà nước Việt Nam bảo vệ và bảo quản theo chế độ riêng biệt.
Ngọc Bích 
TTXVN

Có thể bạn quan tâm