Sâu róm phá hoại hàng nghìn ha rừng thông ở Hà Tĩnh

Sâu róm phá hoại hàng nghìn ha rừng thông ở Hà Tĩnh

Ngày 14/8, Lãnh đạo Ban Quản lý rừng phòng hộ Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) cho biết, thời gian gần đây hàng nghìn ha rừng thông; trong đó nhiều diện tích đang cho thu hoạch nhựa thông bị sâu róm gây hại làm ảnh hưởng đến năng suất, khả năng sinh trưởng của cây thông. Hiện lực lượng chức năng đang nỗ lực phòng chống, ngăn chặn sâu róm gây hại trên diện rộng.

Theo thống kê của Ban Quản lý rừng phòng hộ Hồng Lĩnh, tại các tiểu khu 123, 124 và tiểu khu 103 và 121, sâu róm đã phá hại gây trụi lá, khô lá ảnh hưởng nghiêm trọng đến rừng thông. Hiện tại diện tích sâu róm gây hại khoảng 2.000 ha rừng thông các loại; trong đó có nhiều diện tích rừng thông đang khai thác nhựa. Mật độ sâu róm trên rừng thông bình quân từ 10 đến 50 con/cây, cục bộ có nơi mật độ 300 đến 400 con/cây, thế hệ sâu thuộc thế hệ thứ ba, sâu có tuổi từ 3 đến 6 tuổi. Nguyên nhân xuất hiện sâu róm nhiều là do độ ẩm lớn, kèm theo thời tiết mưa, nắng thất thường nên sâu phát triển nhanh.

Sâu róm phá hoại hàng nghìn ha rừng thông ở Hà Tĩnh ảnh 1 Sâu róm gây hại rừng thông ở Ban quản lý rừng phòng hộ Hồng Lĩnh. Ảnh: TTXVN phát

Anh Hồ Hữu Nam, một người dân nhận và bảo vệ, khoanh nuôi và khai thác nhựa thông ở đây cho biết, từ hàng chục năm nay mới thấy sâu róm xuất hiện nhiều và gây hại nhanh và diện tích lớn thế này, hiện mọi người cùng với cán bộ Ban Quản lý rừng Hồng Lĩnh đã tổ chức phun thuốc nhiều lần nhưng sâu vẫn xuất hiện nhiều.

Trước vấn nạn sâu róm gây hại rừng thông làm ảnh hưởng đến việc khai thác nhựa và sinh trưởng của cây thông, Ban Quản lý rừng phòng hộ Hồng Lĩnh phối hợp với lực lượng Kiểm lâm huy động lực lượng người và máy phun thuốc trừ sâu tiến hành phun thuốc nhằm phòng trừ sâu róm ở tất cả diện tích bị gây hại, tiến hành phun phòng trừ 1 đến 2 lần; riêng những diện tích có mật độ sâu 300-400 đơn vị đã tiến hành phun phòng trừ từ 4 đến 5 lần. Tuy nhiên do địa hình rừng thông phức tạp, cây thông đã khai thác có chiều cao 3 m đến 4 m nên việc phun thuốc phòng chống gặp rất nhiều khó khăn.

Ông Nguyễn Phi Quỳnh, Trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ Hồng Lĩnh cho biết, sâu róm gây hại diện rộng đã làm ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng nhựa thông khai thác, thậm chí nhiều diện tích rừng thông bị chết. Việc phòng chống, phun thuốc trừ sâu rất khó khăn vì địa hình núi cao, dốc đã hạn chế đến việc phòng chống, mặc dù chúng tôi đã nổ lực rất nhiều.

Ban Quản lý rừng phòng hộ Hồng Lĩnh đã báo cáo tình trạng sâu róm gây hại rừng thông cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Kiểm Lâm Hà Tĩnh để có phương án hỗ trợ giải quyết, cung ứng thêm thuốc trừ sâu, cấp thêm các trang thiết bị đảm bảo an toàn cho lực lượng phòng chống sâu róm gây hại.

Tường Vũ

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm