Huyện Cái Bè nằm đầu nguồn sông Tiền (tỉnh Tiền Giang) có sông, rạch chằng chịt, thường xuyên bị thiên tai, lũ lụt và sạt lở, ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất, đời sống nhân dân.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Cái Bè Phan Thanh Sơn, từ đầu năm 2024 đến nay, ở huyện có 16 điểm sạt lở mới phát sinh tại các xã Hòa Khánh, Mỹ Đức Đông, Hòa Hưng, Mỹ Lợi A, Hậu Mỹ Bắc B, Thiện Trung, An Cư… Các tuyến sông thường xảy ra sạt lở nghiêm trọng là Cái Lân, Rạch Ruộng, Ông Vẽ…
Địa phương hiện có 73 điểm sạt lở cũ và mới. Ước tổng kinh phí xử lý, khắc phục lên đến 46 tỷ đồng, trong đó có nhiều điểm sạt lở nghiêm trọng cần được xử lý khẩn cấp để đảm bảo an toàn về tính mạng, tài sản người dân trong tình hình mưa, lũ diễn biến phức tạp.
Cụ thể, mấy ngày qua, do mưa to kết hợp triều cường khiến bờ Tây sông Ông Vẽ qua xã Mỹ Đức Đông (huyện Cái Bè) bị sạt lở đoạn dài khoảng 100m, ảnh hưởng đến giao thông. Tình trạng sạt lở tại đây vẫn diễn biến phức tạp, nguy hiểm khiến sản xuất và đời sống nhân dân bị ảnh hưởng nặng nề, giao thương gián đoạn. Các ngành chức năng huyện Cái Bè và xã Mỹ Đức Đông đang khẩn trương khảo sát hiện trạng, ghi nhận thiệt hại và lắp đặt biển cảnh báo khu vực nguy hiểm trong khi chờ giải pháp khắc phục hữu hiệu.
Xã Tân Thanh nằm ở đầu nguồn sông Tiền của huyện Cái Bè, tình trạng sạt lở cũng diễn biến phức tạp. Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thanh Nguyễn Hồng Thái thông tin, ở huyện hiện có hàng chục điểm sạt lở ở các ấp 1, ấp 2, ấp 4. Tại ấp 4 (xã Tân Thanh), bờ Tây sông Cái Lân bị sạt lở đoạn dài trên 1.000m khiến việc đi lại của nhân dân gặp nhiều khó khăn, không đảm bảo an toàn và ảnh hưởng các vùng sản xuất chuyên canh trồng cam, quýt, sầu riêng, ổi…
Trong khi chờ giải pháp của tỉnh, huyện Cái Bè đã hỗ trợ kinh phí khắc phục, chính quyền xã Tân Thanh và nhân dân huy động nguồn lực đắp các bờ bao, làm đập tạm ngăn lũ và triều cường tràn vào nội đồng theo phương châm “4 tại chỗ” nhằm hạn chế thiệt hại do thiên tai.
Theo UBND huyện Cái Bè, các điểm sạt lở ở huyện khá phức tạp do ảnh hưởng và tác động của dòng chảy, thủy triều, tàu bè qua lại tạo sóng gió, nền đất yếu… Trong khi đó, kinh phí cần đầu tư xử lý các điểm sạt lở là rất lớn. Do đó, trước mắt để bảo đảm việc đi lại, giao thương và sản xuất của người dân, huyện đề xuất tỉnh hỗ trợ ngân sách xử lý khẩn cấp 7 điểm sạt lở nặng với tổng chiều dài 680m, kinh phí khoảng 32 tỷ đồng; ngân sách huyện dành để xử lý 9 điểm sạt lở, chiều dài 850m, kinh phí trên 30 tỷ đồng.
Minh Trí