Sản xuất nông nghiệp hàng hóa tại Lào Cai: Ít hơn để được nhiều hơn

 Sản xuất nông nghiệp hàng hóa tại Lào Cai: Ít hơn để được nhiều hơn

Mặc dù bối cảnh trong nước và quốc tế có nhiều biến động (dịch COVID-19, xung đột Nga - Ukraine…) làm đứt gãy chuỗi cung ứng, biến động về thị trường, giá cả; tuy nhiên, năm 2022, nông nghiệp Lào Cai vẫn đứng vững với mức tăng trưởng trên 5,3%. Trên hành trình hiện thực hóa quyết tâm "đi sau, về trước", Lào Cai đã lựa chọn giải pháp "ít hơn để được nhiều hơn"; tạo dư địa cho ngành hàng tiềm năng phát triển gắn với chủ động đón bắt tín hiệu thị trường. 

Phát triển mạnh ngành hàng tiềm năng

Theo đánh giá của UBND tỉnh Lào Cai, sau 18 tháng triển khai, Nghị quyết 10-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai về Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã tác động rất lớn và toàn diện đến lĩnh vực nông nghiệp. 

Tính toàn diện được thể hiện ở việc trong khi tập trung đầu tư vào các ngành hàng chủ lực, các sản phẩm mới và tiềm năng tại các địa phương của Lào Cai vẫn được phát triển đúng mức và hợp lý tạo ra hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp hàng hóa. 

Huyện Bảo Thắng là điểm sáng trong việc người dân đã thay đổi tư duy vận dụng linh hoạt, sáng tạo, phù hợp trong sản xuất nông nghiệp, là minh chứng rõ ràng nhất trong việc khẳng định còn nhiều dư địa phát triển cho các ngành hàng tiềm năng trên địa bàn. 

Đã có 7,5 tấn đậu đũa ngâm muối của nông dân xã Gia Phú (huyện Bảo Thắng, Lào Cai) vừa được đưa xuống cảng Hải Phòng để xuất khẩu sang Nhật Bản. Hội Nông dân huyện Bảo Thắng đã hỗ trợ giống, hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc cho bà con tham gia trồng thí điểm. 3 loại giống đâu đũa được tham gia trồng gồm: Đậu đũa cao sản số 04, đậu đũa cao sản số 09 của Công ty cổ phần Tập đoàn Giống cây trồng Trung ương (Vinaseed) và giống đậu đũa cao sản Đài Loan. Sản phẩm đậu đũa khi thu hoạch được Hợp tác xã Đồng Lục thu mua tại vườn và chế biến thành sản phẩm đậu đũa ngâm muối. Sau khi thành phẩm, đậu đũa ngâm muối được Công ty Xuất nhập khẩu Nông sản Việt Nam kiểm nghiệm đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm và không tồn dư hoá chất.

Vụ Đông năm 2022, gia đình chị Đoàn Thị Thương, thôn Soi Cờ thực hiện chuyển đổi đất trồng ngô kém hiệu quả sang trồng 3 sào đậu đũa leo dàn. Chị Thương cho biết gia đình được liên kết bao tiêu sản phẩm nên chị cũng như nhiều hộ rất yên tâm về đầu ra. Hiệu quả kinh tế từ giống đậu đũa này mang lại cao hơn hẳn so với các loại cây trồng khác. Giá được thu mua tại vườn với 8.000 đồng/kg. Vụ này gia đình chi thu được hơn 3,5 tấn quả, trừ chi phí cho thu lãi khoảng 20 triệu đồng. 

Mô hình trồng đậu đũa trái vụ từ tháng 9 - 11/2022 thành công tạo tiền đề, khơi dậy tinh thần cho nông dân Bảo Thắng thực hiện kế hoạch sản xuất trong năm 2023 với năng suất ước đạt 27 tấn/ha/vụ trong vòng 3,5 tháng (chính vụ dự kiến đạt 30 tấn/ha), thu từ 160 - 180 triệu đồng/ha/vụ. 

Ngoài ra, huyện Bảo Thắng dẫn đầu về số sản phẩm được công nhận OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) cấp tỉnh từ 3 sao trở lên với 30 sản phẩm. Tại Hợp tác xã Nông sản dược liệu Mạnh Hương, xã Gia Phú, huyện Bảo Thắng, "mùa nào thức ấy", đơn vị thu mua nhiều mặt hàng nông sản của các địa phương trên địa bàn tỉnh trước khi đưa vào sản xuất, sơ chế đóng thành sản phẩm, như nấm hương Sa Pa, củ hoàng sin cô, tam thất, hà thủ ô, tinh bột nghệ, bột sắn dây... 

Giám đốc Hợp tác xã Nông sản dược liệu Mạnh Hương, Nguyễn Tiến Mạnh cho biết, hiện trong số hàng chục mặt hàng, hợp tác xã xây dựng thành công 5 sản phẩm chủ lực từ nghệ, bột sắn dây được công nhận OCOP cấp tỉnh. Năm 2022, đơn vị bán ra thị trường các sản phẩm làm từ nghệ, bột sắn dây, mỗi loại khoảng 3 tấn. Không chỉ cung cấp sản phẩm trong tỉnh, hiện nay, hợp tác xã còn mở rộng thị trường phân phối đến một số tỉnh, thành khác như Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng.

Cùng với Bảo Thắng, các huyện, thị xã, thành phố đã đẩy mạnh phát triển các ngành hàng tiềm năng như: Cây ăn quả ôn đới, cây rau, cây hoa, cây dâu tằm, cây măng…, tăng cường liên kết sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm. 

Ít hơn để được nhiều hơn

Là tỉnh miền núi, biên giới, xuất phát điểm về sản xuất nông nghiệp của Lào Cai thấp, "đi sau" so với nhiều địa phương khác. Vì vậy, để có thể vượt lên, "về trước" ở một số ngành hàng, địa phương xác định hướng tới nền nông nghiệp "ít hơn để được nhiều hơn". Tức là tối thiểu hóa chi phí và tối đa hóa lợi nhuận trên một đơn vị diện tích bằng cách tập trung phát triển nông nghiệp xanh với hàng hóa đạt tiêu chuẩn chất lượng, chứng nhận hữu cơ, có truy xuất nguồn gốc, các sản phẩm chế biến sâu đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu. 

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai Đỗ Văn Duy, hướng đi của Lào Cai hoàn toàn phù hợp với chiến lược phát triển bền vững, chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia.

Đến nay, diện tích sản xuất an toàn của Lào Cai là 667 ha đạt tiêu chuẩn VietGAP; 210 ha dược liệu đạt tiêu chuẩn GACP-WHO; trên 4.300 ha đạt tiêu chuẩn hữu cơ; 170 sản phẩm chứng nhận đạt tiêu chuẩn OCOP. Đã có 101 doanh nghiệp/hợp tác xã tham gia với 322 dòng nông sản an toàn được cấp mã QRCODE; 161 doanh nghiệp/hợp tác xã/ cơ sở triển khai Hệ thống hỗ trợ xúc tiến thương mại các sản phẩm nông nghiệp và tham gia giới thiệu quảng bá các sản phẩm trên hệ thống với 237 dòng sản phẩm.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lào Cai khẳng định, năm 2023 là năm quan trọng, quyết định thắng lợi của cả giai đoạn nên ngành nông nghiệp chủ động tham mưu, triển khai hiệu quả cơ chế, chính sách để khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ, đồng thời chỉ đạo ngành nông nghiệp các địa phương nâng cao chất lượng, mở rộng các vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ như: chè, quế, cây ăn quả, rau... nhằm gia tăng giá trị, phát triển bền vững phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu.

Năm 2023, Lào Cai phấn đấu chứng nhận thêm 4.706 ha đạt tiêu chuẩn hữu cơ, nâng tổng số diện tích được chứng nhận hữu cơ toàn tỉnh đạt 9.024 ha. Địa phương tiếp tục quản lý, phát triển các vùng sản xuất có sản phẩm đạt chất lượng, truy xuất nguồn gốc; tăng cường áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật trong sản xuất như GACP (Thực hành tốt nuôi trồng và thu hái), sản xuất hữu cơ và các tiêu chuẩn quốc tế để nâng cao giá trị, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và tham gia hội nhập vào thị trường quốc tế. Tập trung phát triển các ngành hàng chủ lực gắn với chế biến để đa dạng sản phẩm như: dứa đóng hộp, các sản phẩm từ thịt lợn, gà, cá, chè ô long, quế ống sáo…

Cùng với đó, Lào Cai đã và đang tăng cường kết nối xuất khẩu nông sản; tổ chức làm việc với phía Trung Quốc để tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất khẩu nông sản qua Cửa khẩu quốc tế Lào Cai; trong đó, chú trọng thực hiện tổ chức cấp mã số vùng trồng. 

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lào Cai đang hướng dẫn doanh nghiệp đăng ký xuất khẩu vào Trung Quốc; tuyên truyền Lệnh 248, 249 (Quy định quản lý và đăng ký doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, thực phẩm vào thị trường Trung Quốc) của Tổng cục Hải quan Trung Quốc. 

Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp tuyên truyền, phổ biến quy trình thiết lập và giám sát vùng trồng, cơ sở đóng gói; rà soát cấp chuyển 11/16 mã vùng trồng chuối từ chủ thể là UBND xã sang doanh nghiệp, Hợp tác xã; đồng thời hướng dẫn 19 tổ chức/cá nhân hoàn thiện hồ sơ cấp mã số vùng trồng cho cây chuối, cây chè xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), EU. 

Ngoài ra, bên cạnh việc duy trì vững chắc thị trường truyền thống (Trung Quốc, các nước Trung đông...), địa phương sẽ tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến thị trường mới, tiềm năng như như Mỹ, Liên minh châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc.

Hương Thu

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm