Nông dân tỉnh Đắk Lắk chuẩn bị thu hoạch cà phê niên vụ 2023 - 2024. Giá cà phê trên địa bàn tỉnh đang dao động gần 60.000 đồng/kg cà phê nhân, cao hơn gần 1,5 lần so với cùng thời điểm năm 2022. Nông dân phấn khởi, kỳ vọng vào vụ thu hoạch cà phê được mùa, được giá.
Những ngày này, gia đình chị H’Djuech Byă, sinh năm 1979, buôn Ko Tam, xã Ko Tam, thành phố Buôn Ma Thuột đang thu bói cà phê. Tham gia Hợp tác xã nông nghiệp dịch vụ công bằng Ea Tu, gia đình chị H’Djuech Byă sản xuất cà phê theo hướng cà phê chất lượng cao, cà phê đặc sản. Mùa thu hoạch, gia đình chị thường hái 3 đợt, chỉ thu hái những quả cà phê chín và cần khoảng 6 nhân công/ngày.
Chị H’Djuech Byă cho biết, tham gia hợp tác xã, gia đình chị được tập huấn, tư vấn kỹ thuật và được hướng dẫn không thu hái cà phê quả xanh, non. Giá bán cho hợp tác xã cao hơn 10.000 đồng/kg so với giá thị trường. Với giá cà phê hiện nay, gia đình chị kỳ vọng sẽ có lãi, đồng thời có thêm nhiều động lực giữ 1 ha cà phê mà không chuyển sang canh tác sầu riêng.
Năm nay, thời tiết thuận lợi, mưa vừa, nắng phân phối đều nên cây cà phê sinh trưởng, phát triển tốt, năng suất ổn định. Ông Trần Ðình Trọng, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp dịch vụ công bằng Ea Tu dự đoán, giá cà phê trong niên vụ 2023 - 2024 ổn định, không giảm so với giá hiện nay, nguyên nhân là chất lượng cà phê Việt Nam đã ngày càng nâng cao. Hơn nữa, thị trường tiêu thụ cà phê đã ngày càng ổn định. Liên minh Hợp tác xã tỉnh Đắk Lắk đã cho hợp tác xã vay 700 triệu đồng để thu mua cà phê. Hợp tác xã đang khuyến khích bà con thu hái quả chín và giữ ổn định diện tích cà phê.
Tại Hợp tác xã Nông nghiệp và dịch vụ Quyết Tiến (xã Quảng Hiệp, huyện Cư M’Gar), bà con đang háo hức, kỳ vọng vào vụ mùa cà phê bội thu. Năm nay, năng suất cà phê của hợp tác xã đạt khoảng 3 tấn cà phê/ha, cao hơn niên vụ 2022 - 2023 khoảng 5 tạ/ha. Ông Lê Văn Diện, Phó Giám đốc Hợp tác xã cho biết, bà con hợp tác xã đang thu bói, khoảng ngày 20/11 thì thu hoạch rộ đến hết tháng 12/2023. Hợp tác xã đã chủ động nhân công thu hái, kế hoạch thu hái và đầu ra cho sản phẩm.
Huyện Krông Năng hiện có hơn 23.000 ha trồng cà phê, sản lượng đạt khoảng 69.000 tấn/năm. Những năm qua, nông dân huyện đã áp dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác cà phê tương đối tốt. Chương trình sản xuất kết hợp với bảo tồn nguồn tài nguyên và an sinh xã hội (Chương trình Compact Krông Năng) cùng các chương trình, dự án khác triển khai tại huyện đã giúp nâng cao trình độ sản xuất của nông dân. Địa phương đang có nhiều trăn trở, nỗi lo về nhân công thu hoạch niên vụ cà phê năm 2023 - 2024.
Ông Lê Ký Sự, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Krông Năng cho biết, những năm qua, huyện định hướng cho nông dân sản xuất cà phê chất lượng cao, cà phê hữu cơ, giảm phân bón hóa học, giảm lượng nước tưới, giảm chi phí sản xuất, tăng thu nhập trên cùng đơn vị diện tích.
Cùng với đó, giá cà phê năm nay tăng cao khiến nông dân phấn khởi, nỗ lực bám vườn và có nguồn tái đầu tư. Tuy nhiên, những năm qua, người dân địa phương đi lao động, làm việc ở các tỉnh, thành phía Nam ngày càng nhiều, dẫn đến nỗi lo khan hiếm nhân công mùa vụ thu hoạch cà phê. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu UBND huyện ban hành kế hoạch đảm bảo an ninh trật tự, tránh trộm cắp mùa vụ cà phê; đồng thời xây dựng giải pháp đổi công để tránh thiếu hụt nhân công trong mùa vụ thu hoạch.
Tỉnh Đắk Lắk là “thủ phủ cà phê” của cả nước với gần 213.000 ha, sản lượng năm nay ước đạt 558.600 tấn. Mùa vụ thu hoạch năm nay dự kiến kéo dài từ tháng 11/2023 - tháng 1/2024. Để mùa vụ thu hoạch cà phê đạt hiệu quả cao, UBND tỉnh Đắk Lắk đã ban hành Chỉ thị chỉ đạo sản xuất, thu hoạch, chế biến và tiêu thụ cà phê niên vụ 2023 - 2024.
Theo chỉ thị, UBND tỉnh Đắk Lắk yêu cầu Chủ tịch UBND cấp huyện chỉ đạo lập kế hoạch và tăng cường bảo vệ nghiêm ngặt diện tích cà phê đến kỳ thu hoạch; tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân không thu hái cà phê xanh, đảm bảo tỷ lệ cà phê chín khi hái đạt trên 85%; trường hợp tận thu cuối vụ, tỷ lệ quả chín tối thiểu đạt 80%. UBND cấp huyện hướng dẫn người dân chuẩn bị sân phơi, máy sấy phòng trường hợp thời điểm thu hoạch mưa kéo dài ảnh hưởng đến chất lượng cà phê; có biện pháp xử lý nghiêm đối với các trường hợp thu hái, mua bán cà phê non.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn triển khai Kế hoạch phần mềm quản lý ngành hàng cà phê; đánh giá kết quả thực hiện tái canh cà phê, rà soát điều chỉnh kế hoạch tái canh; phối hợp kiểm soát chất lượng cà phê đảm bảo an toàn thực phẩm trước khi đưa ra tiêu thụ. Sở Công thương tăng cường thanh tra, kiểm tra nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi gian lận thương mại trong thu mua, chế biến, tiêu thụ cà phê; nắm bắt giá cả, dự báo, thông tin kịp thời tình hình diễn biến thị trường; kết nối cung cầu, xúc tiến tiêu thụ cà phê.
UBND tỉnh Đắk Lắk giao Công an tỉnh chỉ đạo xây dựng và triển khai phương án bảo vệ cà phê; xử lý nghiêm các trường hợp trộm cắp cà phê và các đối tượng tự tổ chức giao dịch trung gian trái phép gây thiệt hại cho nông dân và doanh nghiệp. Cục Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, giám sát các hoạt động thu mua, tiêu thụ cà phê; ngăn chặn và xử lý những hành vi ép giá, ép cân để trục lợi.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đắk Lắk hướng dẫn, chỉ đạo các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng ưu tiên nguồn vốn cho các tổ chức, cá nhân sản xuất, thu mua, chế biến và xuất khẩu cà phê trong niên vụ cà phê 2023 - 2024, nhất là nguồn vốn vay để tái canh cà phê, đầu tư máy móc thiết bị chế biến, hệ thống xử lý nước thải. Các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh cà phê cần phải có kế hoạch sản xuất, kinh doanh hợp lý, cạnh tranh lành mạnh và kinh doanh đúng quy định của pháp luật.
Hoài Thu