Sản phẩm OCOP khó tiếp cận hệ thống phân phối

Mặc dù đã có nhiều sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) khẳng định chất lượng tại thị trường trong nước và quốc tế nhưng thực tế dòng sản phẩm này vẫn chưa thực sự hấp dẫn người tiêu dùng. Vì vậy, sản phẩm OCOP của doanh nghiệp, hợp tác xã, nhất là cơ sở quy mô nhỏ lẻ vẫn khó khăn trong việc tiếp cận kênh phân phối khiến sức cạnh tranh giảm sút. Đây là điểm nghẽn mà nhiều ý kiến cho rằng cần “nâng chất” cũng như đa dạng mẫu mã để thu hút người tiêu dùng và xích gần khoảng cách với hệ thống siêu thị trong thời gian tới.

tay-040624.jpg
Sản phẩm muối ớt của cơ sở chế biến Phú Gia Bảo, huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao. Ảnh: Giang Phương-TTXVN

Đánh giá từ các chuyên gia, Chương trình OCOP được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 7/5/2018 với 3 mục tiêu gồm phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh; chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân và công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Bước đầu, các sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm là đặc trưng, đặc sản, tiềm năng, lợi thế của địa phương, vùng miền đã được kết nối vào hệ thống các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn cả nước, đã được đưa vào tất cả các hệ thống phân phối lớn trên địa bàn cả nước. Tuy vậy, để mở rộng hơn thị phần tại kênh phân phối bán lẻ vẫn là thách thức lớn với sản phẩm OCOP, thậm chí nhiều sản phẩm xuất khẩu nhưng vẫn khó vào siêu thị.

Thống kê cho thấy, đến nay cả nước đã có hơn 13.000 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên; trong đó, gần 74% đạt 3 sao, gần 25% đạt 4 sao và 42 sản phẩm đạt 5 sao, còn lại là tiềm năng 5 sao. Chương trình OCOP đã thu hút hơn 7.400 chủ thể tham gia, bao gồm hợp tác xã, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và tổ hợp tác.

Dù dấu ấn OCOP đã tương đối rõ nhưng việc tiêu thụ các sản phẩm này vẫn còn những khó khăn nhất định bởi sản phẩm chế biến còn ít, quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ dẫn tới sức cạnh tranh của sản phẩm còn hạn chế. Hơn nữa, bên cạnh yếu tố về quy mô, năng lực quản trị của các chủ thể tham gia Chương trình OCOP yếu, thiếu kiến thức về kinh tế thị trường, sự hiểu biết của một số cán bộ cơ sở và chủ thể sản xuất về quản lý chất lượng sản phẩm còn hạn chế, một số sản phẩm chủ lực gặp khó khăn về vốn và công nghệ chế biến, bảo quản. Ngoài ra, khâu quảng bá, tiêu thụ sản phẩm OCOP chưa được như mong muốn.

Đại điện một số hệ thống siêu thị lớn chỉ ra rằng, sản phẩm OCOP dù đạt tiêu chuẩn nhưng để vào được siêu thị, tổ hợp tác phải có hợp đồng giao dịch, hóa đơn, chứng từ, tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm… Hơn nữa, để hàng hóa tiêu thụ nhanh chóng, tiếp cận được khách hàng buộc các sản phẩm phải đồng hành với chương trình khuyến mãi, kích cầu cùng với hệ thống siêu thị. Bên cạnh đó, ngoài chất lượng, sản lượng, giá thành phải ổn định, một số mặt hàng OCOP khó vận chuyển xa phải tính toán đến phương án giao nhận hàng phù hợp. Thế nhưng, với phương thức làm ăn nhỏ, manh mún thiếu tính chuyên nghiệp nên sau vài tháng, nhiều sản phẩm khó có thể cầm cự lâu dài.

vna_potal_phu_yen_co_267_san_pham_ocop_tu_3_sao_tro_len_7515570.jpg
Sản phẩm yến sào của Công ty PY Nest ở phường Phú Đông, thành phố Tuy Hoà đạt chất lượng sản phẩm OCOP 3 sao năm 2023. Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN

Ông Đàm Văn Đua - Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Đông Cao (Hà Nội) chia sẻ, Hợp tác xã dịch vụ Đông Cao có diện tích 200ha với sản lượng rau 60.000 tấn/năm nhưng việc tiêu thụ rau của hợp tác xã chủ yếu qua thương lái của hệ thống chợ truyền thống Hà Nội và các tỉnh. Trung bình từ 40 tấn/ngày, riêng vào thời kỳ tiêu thụ cao điểm vào các kỳ nghỉ lễ, Tết có thể lên đến 400 tấn/ngày. Quá trình đưa sản phẩm rau xanh đạt tiêu chuẩn OCOP vào hệ thống siêu thị tiêu thụ gặp nhiều khó khăn trong việc bảo quản, vận chuyển. Do đó, kiến nghị Sở Công Thương Hà Nội hỗ trợ doanh nghiệp dán tem nhãn sản phẩm OCOP khi đưa sản phẩm vào hệ thống bán lẻ tiêu thụ, qua đó hợp tác xã có thể chứng minh nguồn gốc xuất xứ sản phẩm.

Tương tự, ông Nguyễn Ngọc Thân, Giám đốc Hợp tác xã Dược liệu Pù Luông (Thanh Hoá) cho biết: Hợp tác xã có sản phẩm mật ong Pù Luông được công nhận OCOP 3 sao năm 2021. Tuy sản phẩm đã được thị trường và người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng nhưng điều kiện địa lý cách trở, khả năng tiếp cận thị trường của đội ngũ cán bộ quản lý hợp tác xã còn hạn chế nên phần lớn sản lượng mật ong được sản xuất ra tiêu thụ theo hình thức truyền thống, tự do trên thị trường.

Theo ông Nguyễn Thế Hiệp - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, sản phẩm OCOP đang từng bước khẳng định giá trị và chất lượng trên thị trường, được người tiêu dùng đánh giá cao và sử dụng ngày càng nhiều hơn. Tuy nhiên, để sản phẩm OCOP phát triển và có chỗ đứng vững chắc trên thị trường, vẫn còn nhiều hạn chế cần phải khắc phục.

Vì vậy, quy mô, năng lực quản trị của các chủ thể tham gia Chương trình OCOP còn nhỏ và yếu, thiếu kiến thức về kinh tế thị trường và phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị. Sự hiểu biết của một số cán bộ cơ sở và chủ thể sản xuất về quản lý chất lượng sản phẩm còn hạn chế, nhiều nội dung còn phụ thuộc vào tư vấn; một số sản phẩm chủ lực gặp khó khăn về vốn và công nghệ chế biến, bảo quản.

Để sản phẩm OCOP đến gần hơn với người tiêu dùng và có chỗ đứng tại hệ thống siêu thị, ông Nguyễn Thế Hiệp cho rằng ngoài việc các chủ thể, cần khắc phục bất cập, hạn chế, hệ thống siêu thị phải có những hỗ trợ tốt hơn cho chủ thể OCOP như tổ chức các buổi làm việc trực tiếp giữa doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ thể, từ đó, các chủ thể OCOP biết được yêu cầu, tiêu chuẩn, khả năng đáp ứng yêu cầu của siêu thị.

vna_potal_nghe_an_phat_trien_thuong_mai_dien_tu_cho_san_pham_ocop_7563923.jpg
Các sản phẩm OCOP thủ công mỹ nghệ, mây tre đan của Nghệ An. Ảnh: Bích Huệ - TTXVN

Bà Nguyễn Thị Kim Dung- Giám đốc siêu thị Co.op Mart Hà Đông cho biết, hệ thống bán lẻ Saigon Co.op hiện có hơn 130 mặt hàng OCOP. Sản phẩm nông sản Việt luôn được ưu tiên bày bán ở vị trí đẹp, nhất là thời điểm thu hoạch rộ. Tuy nhiên, để sản phẩm OCOP vào được kênh bán hàng này, buộc phải đáp ứng những yêu cầu về quy trình vào hàng, chất lượng và cả khâu thanh toán. Ngoài ra, để sản phẩm OCOP được khách hàng biết tới nhiều hơn, các chủ thể OCOP bên cạnh tập trung vào đảm bảo chất lượng, sản lượng sản phẩm cũng cần chú trọng vào thiết kế bao bì theo hướng bắt mắt, thu hút khách hàng, qua đó, người tiêu dùng có thể hiểu hơn về sản phẩm, tạo sự khác biệt với sản phẩm OCOP của vùng miền khác.

Theo bà Huỳnh Thị Phương Vân, Trưởng phòng Marketing Mega Maket, thời gian qua, siêu thị đã tạo điều kiện tối đa cho sản phẩm đặc trưng, nhất là cao điểm tiêu thụ hàng Tết đang đến gần. Qua đó,hướng dẫn nông dân sản xuất theo quy trình an toàn; hoàn thiện thủ tục, hồ sơ để đưa hàng vào siêu thị. Ngoài việc phối hợp với các tỉnh thành triển khai tuần lễ hàng OCOP, để tiêu thụ hiệu quả, Mega Maket đã triển khai số hóa hoạt động mua bán, thông qua bán hàng online, livestream cũng như hỗ trợ nhà cung cấp OCOP chuẩn hóa mặt hàng trước khi lên kệ…

Theo ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) xác định khâu tiêu thụ, tìm kiếm và phát triển thị trường là giải pháp quan trọng nhằm khuyến khích chủ thể chủ động, tích cực tham gia phát triển sản phẩm OCOP. Việc thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm đặc trưng, đặc sản vùng miền và hàng hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi qua các kênh phân phối trong nước với thị trường tiêu thụ gần 100 triệu dân đóng vai trò hết sức quan trọng.

Vì vậy, kết nối, xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm OCOP gắn với du lịch, ẩm thực, văn hóa, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thương mại điện tử trong việc giới thiệu, quảng bá, kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm.

vna_potal_nghe_an_phat_trien_thuong_mai_dien_tu_cho_san_pham_ocop_7563926.jpg
Bộ sản phẩm OCOP 4 sao từ sen của Phúc An Farm đã có mặt khắp nơi trên cả nước thông qua xúc tiến thương mại. Ảnh: Bích Huệ - TTXVN

Nhằm đẩy mạnh xúc tiến thương mại, ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho hay, trong thời gian tới, Cục sẽ tiếp tục tăng cường chương trình xúc tiến thương mại thị trường trong nước thông qua xây dựng, triển khai xúc tiến thương mại tập trung, quy mô lớn, mang tính liên kết vùng cho sản phẩm, ngành hàng có thế mạnh của vùng tại thị trường mục tiêu.

Cùng đó, tăng cường phối hợp nguồn lực xúc tiến và từ các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, tổ chức quốc tế…Đặc biệt, kết hợp có hiệu quả hoạt động xúc tiến thương mại với xúc tiến đầu tư, văn hóa, du lịch. Đây là cách đi bền, chắc của hàng Việt nói chung và sản phẩm OCOP nói riêng.

Uyên Hương

Có thể bạn quan tâm