"Sân chơi" cho người trồng rừng

"Sân chơi" cho người trồng rừng
85% diện tích rừng trồng sử dụng giống có kiểm soát. Ảnh: bnews.vn
85% diện tích rừng trồng sử dụng giống có kiểm soát. Ảnh:  bnews.vn
                   
Theo Thứ trưởng Hà Công Tuấn, trong khoảng 3,5 triệu ha rừng trồng cho sản xuất, năm 2025, Việt Nam phải thâm canh được ít nhất 50% diện tích, 50% diện tích được ứng dụng công nghệ giống mới trong phát triển rừng trồng. Cùng với đó là đảm bảo 2 triệu ha rừng có chứng chỉ rừng bền vững. Như vậy, việc này sẽ tạo ra sân chơi cho những người trồng rừng, doanh nghiệp chế biến, nhà khoa học liên kết với nhau trong chuỗi giá trị.

“Rừng trồng muốn phát triển nhanh, muốn có gỗ lớn thì khâu quan trọng nhất là phải kiểm soát giống, đảm bảo giống có nguồn gốc. Do vậy, ngành sẽ phải hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý chất lượng giống cây trồng lâm nghiệp cũng như thực hiện nghiêm Luật Lâm nghiệp”, Thứ trưởng Hà Công Tuấn nhấn mạnh.

Hiện nay, có 183 giống cây lâm nghiệp được công nhận; trong đó các giống được trồng phổ biến hiện nay là 55 giống. Giống các loài keo, bạch đàn chiếm 70% diện tích rừng trồng sản xuất, với diện tích tương đương trên 1 triệu ha.

Cả nước hiện có 744 đơn vị, cá nhân sản xuất kinh doanh giống (có đăng ký sản xuất kinh doanh); trong đó có 229 cơ sở thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ, công ty lâm nghiệp sản xuất khoảng 20% số lượng cây giống hàng năm và 515 công ty tư nhân và hộ gia đình sản xuất khoảng 80% số lượng cây giống cung cấp cho trồng rừng.

Hàng năm các địa phương trong cả nước sản xuất khoảng 650 triệu cây giống phục vụ trồng rừng; trong đó cây gieo ươm từ hạt 500 triệu cây, chiếm 77%, gồm các loài chủ yếu như: keo tai tượng, thông mã vĩ, hồi, lát hoa, quế, mỡ, lim xanh… và 150 triệu cây mô-hom, chiếm 23% như: keo lai, bạch đàn lai, bạch đàn u rô...

Năm 2018, cả nước trồng được 231.523 ha rừng trồng tập trung; trong đó 196.795 ha rừng trồng có kiểm soát và chứng nhận nguồn gốc lô cây con, đạt 85%.

Năng suất rừng trồng cả nước đạt bình quân khoảng 15 m3/ha/năm, tăng 50% so với năm 2009 (10m3/ha/năm). Những diện tích rừng trồng, rừng thâm canh các giống tiến bộ kỹ thuật, giống quốc gia đạt 20-25 m3/ha/năm, cá biệt có mô hình rừng trồng đạt năng suất 40m3/ha/năm.

Theo ông Phạm Văn Điển, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, thực thi pháp luật về giống cây trồng lâm nghiệp, về cơ bản giống đưa vào sản xuất đã được quản lý chặt chẽ theo chuỗi hành trình từ khâu công nhận giống, nguồn giống, vật liệu nhân giống đến cây con trồng rừng. Thông qua việc nhân giống, chuyển giao giống vào sản xuất góp phần tăng nhanh tỷ lệ sử dụng giống tiến bộ kỹ thuật.

Tuy nhiên, ông Phạm Văn Điển cho biết, vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế trong sản xuất, sử dụng giống cây lâm nghiệp không rõ nguồn gốc, giống có năng suất, chất lượng thấp. Vẫn còn khoảng 15% lượng cây giống sản xuất hàng năm chưa kiểm soát được. Giá thành sản xuất cây giống mô, hom còn cao, nguồn giống có chất lượng di truyền còn hạn chế. Trang thiết bị, cơ sở vật chất phục vụ cho nghiên cứu và sản xuất giống còn thiếu và lạc hậu...

Chia sẻ về việc sản xuất giống lâm nghiệp ở địa phương, ông Phạm Văn Sỹ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thái Nguyên cho biết, hiện nay Thái Nguyên có 107 tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất, kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp phục vụ kế hoạch trồng rừng hàng năm của tỉnh. Số lượng vườn ươm tuy nhiều nhưng hoạt động không ổn định; việc sản xuất, kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp có nhiều thành phần tham gia, đặc biệt các hộ gia đình sản xuất, kinh doanh giống với quy mô nhỏ lẻ.

Bên cạnh đó, người dân vẫn còn tình trạng người dân sử dụng hạt giống và trồng rừng bằng cây giống không rõ nguồn gốc xuất xứ. Do đó, tiềm ẩn nhiều nguy cơ cao về dịch bệnh, khả năng sinh trưởng và phát triển hàng năm của cây trồng kém, ảnh hưởng lớn tới năng suất chất lượng rừng trồng.

Ông Phạm Văn Sỹ cho biết, Sở sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát đối với các hộ gia đình, cá nhân kinh doanh nhỏ lẻ; trong đó đặc biệt quan tâm đến nguồn gốc các lô vật liệu giống đưa vào sản xuất, kiên quyết không sử dụng các lô giống không rõ nguồn gốc để gieo ươm. Ngành sẽ phổ biến, tuyên truyền danh mục các loại giống mới và lợi ích của việc sử dụng giống tốt, giống có chất lượng để nâng cao năng suất và chất lượng rừng trồng.

Ông Phạm Văn Điển cũng cho biết, ngành lâm nghiệp sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong chọn tạo giống sinh trưởng nhanh và tính chất gỗ tốt; chuyển gen một số gen hữu ích như: chống chịu sâu bệnh, gen chịu lạnh, chịu mặn, tăng chiều dài sợi gỗ… vào các giống cây lâm nghiệp có giá trị kinh tế cao.

Đặc biệt, ngành sẽ quản lý chặt chẽ chất lượng giống từ khâu công nhận giống, nguồn giống và vật liệu giống, đồng thời tăng cường thanh tra, kiểm tra việc sản xuất, kinh doanh giống, đảm bảo giống đưa vào sản xuất là giống tốt, giống chất lượng cao.
Bích Hồng

Có thể bạn quan tâm