Xây dựng đô thị thông minh là một đề án quan trọng mà TP.HCM và hơn 10 tỉnh, thành phố ở Việt Nam đang phê duyệt triển khai trong những năm gần đây. Việc hướng tới những mô hình xã hội mới với giá trị và tiêu chí thông minh đã ngày càng trở nên phổ biến và được xem là xu thế phát triển tất yếu hiện nay. Chính vì vậy, việc xây dựng và phát triển thành phố thông minh đã hấp dẫn sự quan tâm của không chỉ các cơ quan quản lý mà còn của đông đảo các nhà khoa học, nhà chuyên môn. Để thúc đẩy mục tiêu này, các cuốn sách viết về đô thị thông minh hay trí tuệ nhân tạo, công nghệ AI là điều cần thiết để trang bị kiến thức về công nghệ 4.0 cho mọi người.... Đó cũng là những nội dung chính được thảo luận trong buổi tọa đàm “Sách chủ đề đô thị thông minh” - một sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động của Tuần lễ Doanh nhân và Sách năm 2020 do Hội Xuất bản Việt Nam - Đường Sách TP.HCM - báo Doanh Nhân Sài Gòn phối hợp đồng tổ chức vào sáng nay, 13/10.
Các cuốn sách viết về đô thị thông minh, trí tuệ nhân tạo vô cùng cần thiết và có vai trò quan trọng đối với các cơ quan quản lý và bạn đọc, những người quan tâm là vậy nhưng thực tế, các đầu sách về chủ đề này hiện lại chưa có nhiều.
Theo bà Hà Nga - đại diện Thái Hà Books: "Hiện tại, trong ngành xuất bản Việt Nam mới chỉ có các công ty xuất bản, đơn vị phát hành như Thái Hà Books, Saigon Books, Alphabooks... có xu hướng phát triển tập trung vào dòng sách viết về đô thị thông minh, công nghệ AI".
Ông Nguyễn Tuấn Quỳnh - Chủ tịch HĐQT Saigon Books cũng cho rằng: "Hiện các dự án phát triển đô thị, thành phố thông minh của Việt Nam mới trong giai đoạn đầu tiên nên sự quan tâm của bạn đọc không nhiều. Chỉ một số bạn đọc là các cơ quan quản lý chính sách hoặc những người làm trong lĩnh vực mới quan tâm mua sách và tìm hiểu. Trong khi đó, những cuốn sách viết về trí tuệ nhân tạo, robot, quản trị, marketing bán hàng... thì lại được nhiều bạn trẻ và doanh nhân quan tâm".
Sách về đô thị thông minh là lĩnh vực khá mới mẻ, chủ yếu là tài liệu dạng hội thảo dành cho các chuyên gia. Vấn đề khó khăn mà các đơn vị xuất bản gặp phải, đó là hiện nay nguồn bản thảo phù hợp với Việt Nam và bắt kịp xu hướng của thế giới lại đang bị giới hạn và đa phần các đơn vị xuất bản trong nước phải mua bản quyền từ các nhà xuất bản, các tác giả nước ngoài về dịch, xuất bản lại.
Bên cạnh đó, các nhà xuất bản cũng không chỉ dựa vào nội dung tác phẩm, danh tiếng của tác giả mà cần phải đáp ứng, tiếp cận người đọc trên các nền tảng công nghệ mới. Người viết sách về chủ đề này đòi hỏi phải trang bị kiến thức, nâng cao kỹ năng để bắt kịp với những thay đổi của cuộc cách mạng 4.0.
Mặc dù các chủ đề sách về đô thị thông minh vẫn được xem là vấn đề mới, còn nhiều thuật ngữ khoa học công nghệ chưa được phổ biến rộng rãi nhưng điều đáng mừng là đa số bạn đọc quan tâm, đều đánh giá cao giá trị mà các cuốn sách này mang lại và các cuốn sách đều có lượng bạn đọc nhất định.
Thời gian qua, Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh đã xuất bản được một số tựa sách liên quan đến các vấn đề văn hóa, lịch sử, nghiên cứu, xã hội, phục vụ cho việc xây dựng đô thị thông minh, con người thông minh.
Ông Nguyễn Tư Hoàng Minh, Phó Tổng biên tập, Phó Giám đốc Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đặt ra, nhà xuất bản tiếp tục xác lập nhánh đề tài để xây dựng kể hoạch hằng năm, đặt hàng tác giả viết sách.
Để không bị động trước những vấn đề mới trong quá trình xây dựng đô thị thông minh, các nhà xuất bản cần có một chiến lược và tầm nhìn. Cụ thể về công tác nghiên cứu, các nhà xuất bản có thể đặt hàng nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc các lĩnh vực chuyên môn. Song song với xuất bản sách giấy truyền thống, các nhà xuất bản cũng cần quan tâm đầu tư cho sách điện tử để bước vào công nghệ mới…
Các đại biểu tại cuộc tọa đàm cho rằng cùng với nội dung đáp ứng nhu cầu bạn đọc, các nhà xuất bản cần làm tốt khâu truyền thông để giới thiệu, lan tỏa những cuốn sách về chủ đề đô thị thông minh trong xã hội. Ngoài nỗ lực của các nhà xuất bản, Thành phố Hồ Chí Minh cũng cần bố trí kinh phí và điều tiết phân bổ ngân sách để hỗ trợ các đơn vị xuất bản trong việc phổ biến, phát hành các ấn phẩm đến với bạn đọc; đồng thời, cần tiếp sức phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng để xây dựng thói quen đọc sách từ nhỏ cho công dân tương lai của thành phố.
Nhiều đại biểu hiến kế: để những cuốn sách này đến nhiều hơn với bạn đọc, rất cần báo chí, các kênh truyền thông, truyền hình... hỗ trợ tuyên truyền để các vấn đề về công nghệ số, đô thị thông minh được tuyên truyền tới đông đảo người dân, nhất là sinh viên, học sinh. Có như vậy, những cuốn sách này mới tạo sức lan tỏa, đóng góp vào công cuộc chuyển đổi số của Thành phố.
Phát biểu tại buổi tọa đàm, ông Lê Hoàng - Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam - Giám đốc Công ty Đường sách TP.HCM cho biết: Phát triển văn hóa đọc và thị trường xuất bản không chỉ là các chính sách, hoạch định của cơ quan quản lý. Nó có thể bắt đầu từ chính mỗi người làm sách, đọc sách. Buổi tọa đàm sách về đô thị thông minh đã đưa ra nhiều giải pháp hay và tích cực, khẳng định vai trò đồng hành của sách và các xuất bản phẩm trong quá trình xây dựng đô thị thông minh./.
Thu Hương - Thu Hoài