Nhân dịp Quốc khánh 2/9, trong khuôn khổ các hoạt động của Trưng bày “Không gian văn hóa, du lịch Bắc Ninh trong lòng Hà Nội” năm 2024, bà con làng Hữu Chấp (phường Hòa Long, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh) đã giới thiệu nghi lễ, trò chơi kéo co bằng tre có truyền thống gần 400 năm đặc sắc của xứ Kinh Bắc tại làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam.
Lễ hội kéo co Hữu Chấp là nét đẹp sinh hoạt văn hóa cộng đồng của người dân bản địa. Lễ hội được tổ chức để cầu mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt, dân an vật thịnh.
Khác với trò kéo co ở những địa phương khác, người dân Hữu Chấp sử dụng thân cây tre làm dây kéo. Điều đặc biệt này xuất phát từ "nghề truyền thống" từ xa xưa của làng là nghề kéo gỗ thuê ở các làng bên sông.
Để có được cây tre làm dây kéo thi, trước ngày khai hội hàng tháng, làng đã cử người đi chọn tre ở các gia đình trong làng. Tre được chọn phải là tre ở các gia đình không có tang, bố mẹ song toàn, mọi người tín nhiệm.
Hai cây tre được chọn phải không già, không non quá, gọi là tre bánh tẻ, dài, thẳng, không bị sâu kiến, cộc ngọn và số đốt của hai cây phải là số lẻ. Tre của gia đình nào được chọn là vinh dự và niềm may mắn của gia đình đó trong cả năm.
Trải qua nhiều công đoạn chuẩn bị, khi dây kéo được làm xong, sẽ được treo lên phía trước cửa nhà tiền tế của đình làng để báo cáo với Thành hoàng việc chuẩn bị cuộc thi kéo co đã hoàn tất
Tham gia thi kéo co là các trai đinh trong làng theo đúng tục lệ là 70 người, được chia làm 2 phe: phe Đông và phe Tây. Các thành viên đội kéo co phải là các trai đinh khỏe mạnh, gia đình không có tang trở (người dân gọi là không có bụi) được làng chọn cử.
Tất cả các trai đinh đều cởi trần, mặc quần trắng, thắt lưng nhiễu điều, bên Đông trên đầu thắt khăn màu đỏ, bên Tây thắt khăn màu xanh. Trước khi thi đấu, các quan đám thực hiện công đoạn phun rượu để tẩy uế và khích lệ thành viên hai đội.
Khi cờ hiệu phất đủ ba lượt vòng quanh cây dây, cuộc thi đấu chính thức bắt đầu. Hai đội bên Đông, bên Tây ra sức kéo cây dây dài bằng tre về phía mình trong tiếng hò reo, cổ vũ vang dội của dân làng và tiếng trống hội thúc liên hồi.
Theo tục lệ, hai bên phải kéo tất cả 3 keo, bên nào thắng hai keo thì thắng cuộc. Tuy nhiên, điều đặc biệt của trò chơi này không phải bên nào kéo khỏe sẽ thắng mà đến keo thứ ba dân làng sẽ vào giúp để bên Đông chiến thắng. Theo quan niệm của địa phương nếu bên Đông thắng cuộc, cả năm lúa chiêm sẽ được mùa, làng trên, xóm dưới bình yên, hòa thuận.
Nghi lễ và trò chơi Kéo co Hữu Chấp một di sản độc đáo mang nhiều ý nghĩa tốt lành của nhân dân địa phương và cũng là nét đẹp trong văn hóa của người Kinh Bắc. Nghi lễ và trò chơi kéo co làng Hữu Chấp đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi danh Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa đa quốc gia năm 2015.
Hoàng Tâm