Ra mắt sách ca-ta-lô Bảo tàng Điêu khắc Chăm bản tiếng Anh

Ra mắt sách ca-ta-lô Bảo tàng Điêu khắc Chăm bản tiếng Anh
Ấn phẩm tập hợp những bức ảnh đẹp về bộ sưu tập điêu khắc Champa hàng đầu thế giới, cùng những nhận định phân tích cập nhật nhất của các học giả Việt Nam và quốc tế. Nền văn hóa Champa phát triển dọc dài vùng bờ biển miền Trung và Nam Trung bộ Việt Nam ngày nay từ thế kỷ 5 đến thế kỷ 15, được thể hiện qua hệ thống đền tháp tráng lệ, các tác phẩm điêu khắc, múa và âm nhạc. 
 
Tập sách ca-ta-lô vừa ra mắt. Ảnh: Trần Lê Lâm - TTXVN
Tập sách ca-ta-lô vừa ra mắt. Ảnh: Trần Lê Lâm - TTXVN

Ông Võ Văn Thắng, Giám đốc Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng cho biết:  Từ năm 2015, Tiến sĩ Peter Sharrock, Phụ trách Chương trình nghệ thuật Đông Nam Á của Trường Nghiên cứu Á- Phi thuộc Đại học Luân Đôn, đã xúc tiến một dự án hợp tác với Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng để thực hiện một cuốn ca-ta-lô mới, đánh dấu thời điểm 100 năm thành lập bảo tàng. Qua 2 năm triển khai dự án, công trình ca-ta-lô mới của bảo tàng hoàn thành. Đây là kết quả của sự nỗ lực của những người điều hành dự án, thiện chí đóng góp của các học giả tại Việt Nam và từ nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là sự tham gia hiệu quả của Nhà xuất bản River Books (Thái Lan). Ngoài ra, dự án cũng cung cấp cho Bảo tàng một bộ ảnh chuyên nghiệp để Bảo tàng sử dụng lâu dài cho các ấn phẩm quảng bá của mình, trước hết là sử dụng cho ấn phẩm dịch tiếng Việt cuốn ca-ta-lô trong thời gian đến. Các ấn phẩm của dự án có được hôm nay là hết sức có ý nghĩa trong thời điểm mang tính bước ngoặt sau 100 năm thành lập đi kèm với việc cải tạo, nâng cấp các phòng trưng bày, chỉnh lý lộ trình tham quan sau một thế kỷ tồn tại. 
 
Khách xem tập sách ca-ta-lô vừa ra mắt. Ảnh: Trần Lê Lâm - TTXVN
Khách xem tập sách ca-ta-lô vừa ra mắt. Ảnh: Trần Lê Lâm - TTXVN

Khách xem tập sách ca-ta-lô vừa ra mắt. Ảnh: Trần Lê Lâm - TTXVN
Khách xem tập sách ca-ta-lô vừa ra mắt. Ảnh: Trần Lê Lâm - TTXVN

Được biết, cuối năm 1915, tòa nhà đầu tiên của Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng đã được xây dựng, đến giữa năm 1919, Henri Parmentier đã công bố tài liệu ca-ta-lô đầu tiên của Bảo tàng trên Tạp chí của Trường Viễn Đông Bác Cổ Pháp, đúng vào dịp khánh thành gian trưng bày đầu tiên của Bảo tàng. Từ đó đến nay đã 100 năm, Bảo tàng đã trải qua nhiều thay đổi. Một số hiện vật đã di chuyển đi các bảo tàng khác, nhiều hiện vật mới sưu tầm được bổ sung. Đặc biệt, công tác nghiên cứu, diễn giải về các hiện vật đã có nhiều phát triển. Từ cuốn ca-ta-lô đầu tiên của Bảo tàng Chăm năm 1919, chủ yếu là thống kê, miêu tả các hiện vật đã xuất hiện những công trình nghiên cứu chuyên sâu về nghệ thuật, về phong cách của các tác phẩm điêu khắc Chăm.

Văn Sơn 
TTXVN

Có thể bạn quan tâm