Sáng 31/8, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức buổi ra mắt diễn đàn “Kết nối sản xuất và tiêu thụ nông sản” với sự tham gia trực tuyến của 63 tỉnh, thành và gần 200 doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng và các hợp tác xã, cơ sở sản xuất trong cả nước.
Các sản phẩm gạo do các doanh nghiêp của tỉnh An Giang chế biến, phân phối được bán trên sàn thương mại điện tử "sanphamangiang.com". Ảnh: Công Mạo-TTXVN
Diễn đàn được Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo thành lập trên tinh thần kế thừa hoạt động kết nối, tiêu thụ nông sản của Tổ công tác phía Nam của Bộ. Diễn đàn nhằm hình thành, kết nối giữa các khâu từ sản xuất, chế biến, thu hoạch, lưu thông, đến tiêu thụ nông sản... để từ đó tạo mối "liên kết - hợp tác" chặt chẽ, nhiều chiều giữa cơ quan quản lý với doanh nghiệp và nông dân.
Thời gian qua, Tổ công tác phía Nam và phía Bắc của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có sự phối hợp chặt chẽ, liên tục cập nhật, thông tin với Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ, với các bộ, ngành, địa phương để kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh, xử lý những ách tắc, vướng mắc trong các khâu sản xuất, chế biến, thu hoạch, lưu thông, tiêu thụ nông sản...
Từ sáng kiến hay của Tổ công tác ở phía Nam trong việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ, kết nối tiêu thụ nông sản trong bối cảnh các tỉnh, thành phía Nam thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Chính phủ, như: xây dựng trang web, mạng xã hội: facebook, zalo và số điện thoại đường dây nóng… Đến nay, Tổ công tác đã hình thành được 1.300 đầu mối cung ứng; 58 kho tập kết hàng hóa nông sản, thực phẩm với số lượng tiêu thụ lên đến 1.000 tấn/ngày trong thời gian Tp. Hồ Chí Minh siết chặt giãn cách xã hội.
Nhiều đơn hàng lớn được kết nối, tiêu thụ thành công đã góp phần tích cực việc hỗ trợ cung ứng lương thực, thực phẩm thiết yếu cho các địa phương, tạo hiệu ứng cao trong xã hội. Điển hình là chương trình nông sản combo 10kg/túi đã và đang có sức lan tỏa lớn, được nhiều tỉnh, thành áp dụng và nhân rộng mô hình tại các tỉnh Bình Dương, Tiền Giang…
Theo ông Nguyễn Ngọc Thạch, Tổng Biên tập báo Nông nghiệp, thành viên Ban Chỉ đạo phát triển thị trường nông sản, diễn đàn có nhiệm vụ trọng tâm là thông tin xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu nông sản, vật tư nông nghiệp và sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn; Thông tin thống kê, tổng hợp, dự báo, phục vụ quản lý sản xuất, xúc tiến thương mại và kết nối cung cầu nông sản; Thông tin chuyển đổi số, đẩy mạnh áp dụng mã số vùng trồng, tổ chức liên kết chuỗi, truy xuất nguồn gốc, đảm bảo an toàn chất lượng nông sản; đào tạo, nâng sao năng lực tổ chức sản xuất và thúc đẩy kết nối cung cầu nông sản, sản phẩm du lịch nông thôn; Đề xuất tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong các chuỗi hoạt động sản xuất – tiêu thụ nông sản.
Diễn đàn sẽ được tổ chức theo từng chủ đề ngành hàng nông sản theo từng mùa vụ được gắn với từng vùng miền và các sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn. Đó là tổ chức các phiên diễn đàn thông tin kết nối cung cầu nông sản, lương thực thực phẩm cho Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, các tỉnh trung du miền núi phía Bắc, Đồng bằng sông Hồng, Đồng bằng sông Cửu Long, miền Trung - Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và các vùng bị giãn cách do dịch COVID-19.
Diễn đàn cũng kết nối cung - cầu vật tư đầu vào, thúc đẩy sản xuất các vụ sản xuất quan trọng còn lại trong năm: tôm nuôi vụ 2, vụ 3, lúa vụ Thu Đông và Đông Xuân ở Đồng bằng sông Cửu Long, vụ Đông ở miền Bắc… Tại các diễn đàn, các nhà quản lý, chuyên gia các lĩnh vực sẽ thảo luận, tư vấn về phương thức tổ chức sản xuất, kết nối tiêu thụ nông sản và việc kết nối, thúc đẩy phát triển sản xuất gắn với thị trường.
Các kết quả hoạt động thông tin của diễn đàn sẽ thông tin dự báo nông sản, đặc sản, sản phẩm OCOP (mỗi xã một sản phẩm), mạng lưới cung ứng, thu mua, các đầu mối như: hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, doanh nghiệp…
Diễn đàn xây dựng dữ liệu quản lý vùng trồng, thông tin nguồn cung nông sản theo từng vùng, tiểu vùng: thủy sản, trái cây, rau màu, lúa gạo đặc sản, chăn nuôi, lâm sản, dược liệu… Giới thiệu nông sản thế mạnh địa phương, thông tin thời vụ gieo trồng, thời điểm thu hoạch, sản lượng, chất lượng, giúp cơ quan quản lý nhà nước trong chỉ đạo sản xuất, giúp địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã tổ chức sản xuất và tiêu thụ nông sản.… Đây cũng là cơ sở để thực hiện việc chuyển đổi số nông nghiệp trong thời gian tới.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nhấn mạnh, thị trường quyết định chứ không phải người sản xuất. Thông qua diễn đàn để nhà vườn, hợp tác xã, nông dân sẽ hiểu hơn quy luật, tín hiệu thị trường từ đó sản xuất đáp ứng yêu cầu thị trường. Bộ cùng các đơn vị chuyên ngành ở địa phương cũng thấy được vai trò kết nối cung cầu, tìm đến thị trường để dẫn dắt sản xuất.
Bộ trưởng mong muốn từ diễn đàn kết nối này để các doanh nghiệp, hợp tác xã sẽ phát đi tín hiệu thị trường từ đó kích thích nông dân xây dựng mã vùng trồng, vùng nuôi đáp ứng tiêu chuẩn của thị trường. Việc nắm chắc thị trường trong nước để tiến mạnh mẽ hơn ra thị trường nước ngoài.
“Đáp ứng được thị trường khi tối ưu hóa chi phí sản xuất để hướng tới tối đa hóa lợi nhuận. Do đó, đầu tiên phải tối ưu hóa tiện ích cho người tiêu dùng từ đó mở ra cơ hội sản xuất. Đôi khi người tiêu dùng thấy tiện ích sẽ mua hàng hóa. Việc kích hoạt đầu cầu để đầu cung mở ra”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan chỉ ra.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan yêu cầu, Ban Chỉ đạo phát triển thị trường nông sản thông qua diễn đàn định hướng hoạt động và hoạt động xúc tiến thị trường trong nước và tiến tới thị trường nước ngoài vững chắc hơn, đồng hành với hoạt động của xã hội trong công cuộc chuyển đổi số.
Bích Hồng