Quỹ trợ vốn cho người nghèo tự tạo việc làm - CEP (thuộc Liên đoàn lao động Thành phố Hồ Chí Minh), đã giúp hàng vạn mảnh đời nghèo khó vượt lên số phận. Con đường thoát nghèo của họ dường như ngắn hơn khi có sự đồng lòng sẻ chia từ Quỹ CEP. * Trợ vốn đến tay người nghèo Bà Nguyễn Thị Hoàng Vân, Giám đốc Quỹ CEP cho biết, Quỹ CEP là tổ chức xã hội phi lợi nhuận, gắn trực tiếp với người lao động nghèo. Tối thiểu 80% các thành viên vay vốn lần đầu tiên thuộc diện nghèo và nghèo nhất theo tiêu chí đánh giá của CEP để tập trung đúng đối tượng. Sự hỗ trợ kịp thời của Quỹ CEP giúp nhiều gia đình công nhân, lao động nghèo vượt khó khăn, ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, sự hỗ trợ của Quỹ CEP chỉ là một phương tiện, trên tất cả vẫn là khát vọng vươn lên thoát nghèo của hàng trăm ngàn công nhân, lao động nghèo đã và đang sử dụng đồng vốn cùng các dịch vụ mà Quỹ CEP cung cấp.
Ngày 19/02/2016, Quỹ trợ vốn CEF Quỹ trợ vốn cho người lao động nghèo tự tạo việc làm) chi nhánh Tây Ninh đã tổ chức Lễ tổng kết hoạt động trợ vốn năm 2015. Trong năm qua, Quỹ đã trợ vốn giải ngân cho hơn 2.600 hộ gia đình có điều kiện kinh tế khó khăn có nhu cầu về vốn để buôn bán, sản xuất, chăn nuôi… vay với số tiền trên 28 tỷ đồng và trợ vốn cho hơn 1.600 công chức, viên chức, công nhân nghèo với số tiền gần 22 tỷ đồng để tăng gia sản xuất, cải thiện cuộc sống. Sản phẩm tín dụng Quỹ trợ vốn CEF gồm có: tín dụng tăng thu nhập, tín dụng sửa chữa nhà, tín dụng học nghề với lãi suất bình quân từ 0,5/tháng đến 0,9%/tháng. Quỹ đã cung cấp cho thành viên sản phẩm tiết kiệm nhằm khuyến khích, tạo thói quen tiết kiệm, giúp giảm thiểu rủi ro trong cuộc sống của người lao động. Trong ảnh: Quang cảnh buổi lễ tổng kết. Ảnh: Thanh Tân-TTXVN |
Thành lập vào tháng 11/1991, qua 25 năm hoạt động, CEP đã đưa đồng vốn đến tận tay trên 2,9 triệu lượt công nhân, người lao động nghèo vay vốn với số tiền cho vay trên 27.000 tỷ đồng. Các sản phẩm tín dụng gồm: tín dụng tăng thu nhập, tín dụng sửa chữa nhà, tín dụng học nghề… với lãi suất bình quân 0,5-0,9%/tháng, mức vay tối đa 30 triệu đồng. Ngoài sản phẩm chính là các khoản tín dụng nhỏ giúp người nghèo tự tạo việc làm, tăng thu nhập, Quỹ CEP còn có sản phẩm cho vay khẩn cấp. Sản phẩm này đáp ứng nhu cầu tiền mặt khẩn cấp của thành viên đang vay vốn CEP để trang trải các khoản chi phí phát sinh đột xuất cho thành viên do bệnh tật, tai nạn, ma chay, thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh. Lãi suất bình quân 0,5%/tháng, mức vay tối đa 15 triệu đồng, hoàn trả hàng tuần hoặc hàng tháng. Ngoài ra, còn có sản phẩm tiết kiệm nhằm khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho thành viên tích góp những khoản để dành rất nhỏ hàng tuần, có thói quen tiết kiệm, giảm thiểu rủi ro trong cuộc sống của người lao động. Đại diện Quỹ CEP cũng cho biết, hoạt động của CEP cũng đem lại một số tác động tích cực giúp công nhân, lao động nghèo cải thiện an sinh gia đình, tình trạng thiếu hụt bữa ăn trong gia đình nghèo đã giảm hẳn, các em nhỏ thuộc thành viên quỹ CEP được khuyến khích và có cơ hội tiếp tục đến trường. Ngoài ra, quỹ CEP cũng góp phần thiết thực chăm lo các hộ nghèo, trong thời gian qua đã có 900.000 thành viên nghèo được hưởng thụ các dịch vụ phát triển cộng đồng của quỹ CEP thông qua các chương trình phát triển cộng đồng như học bổng CEP, mái nhà CEP… * “Cần câu cơm” của người nghèo Câu chuyện thoát nghèo của ông Thái Minh Mẫn, thành viên vay vốn Quỹ CEP quận 12 là tấm gương nghị lực vươn lên thoát nghèo với sự hỗ trợ tận tình của Quỹ CEP trong hàng chục năm. So với người khác là bình thường nhưng với ông là cả một quá trình.
Trao bằng khen, giấy khen có các cá nhân, tập thể có nhiều đóng góp cho công tác trợ vốn cho người nghèo. Ảnh: Thanh Tân-TTXVN
|
Bởi cuộc đời ông đã gắn liền với đôi nạng gỗ kể từ trận sốt lúc còn nhỏ khiến ông không thể đi lại được. Cầm xấp vé số lê lết hết con hẻm này đến con đường kia mà ông ao ước mình có thể được đi lại bình thường. Rồi ông gặp một người phụ nữ đồng cảnh ngộ, đứa con trai ra đời trong niềm vui sướng của hai vợ chồng nhưng cái nghèo vẫn cứ đeo đẳng. Phép màu đến với gia đình nhỏ của ông khi gặp được Quỹ CEP, thay vì phải lăn lộn với việc bán vé số kiếm cơm từng bữa, ông đã mua được chiếc xe gắn máy loại 3 bánh dành cho người khuyết tật và tìm được công việc phù hợp với hoàn cảnh của mình. Hàng ngày ông rong ruổi quanh các trường đại học với cái nghề bán túi đựng laptop và linh kiện vi tính, điện thoại, mỗi ngày kiếm được 150.000-200.000 đồng. “Những khi tôi gặp khó khăn, cán bộ tín dụng Quỹ CEP đến động viên kịp thời. Tình cảm ấy ở họ khiến tôi cảm thấy ấm áp và có thêm động lực làm việc”, ông Mẫn chia sẻ. Chỉ tay về phía chiếc bè cũ nát còn neo đậu dưới kênh sau nhà như một minh chứng cho hành trình vượt lên thoát nghèo của gia đình mình, bà Trần Thị Điểm, thành viên vay vốn quỹ CEP tại quận 8 rưng rưng: “Nếu không có quỹ CEP, gia đình tôi không biết sẽ trôi dạt về đâu. Dù hiện tại, cuộc sống vẫn chưa khá giả nhưng vẫn tốt hơn gấp chục lần ngày trước, có một chỗ ở ổn định, không phải lênh đênh trên sông nước, con cái đã nên người.” Ngày ấy, từ Đồng Nai lên Thành phố Hồ Chí Minh mưu sinh, tài sản lớn nhất của vợ chồng bà lúc đó là chiếc bè cũ nát này, cũng là nơi họ tá túc dọc bờ Kênh Đôi. Hàng ngày họ vớt phế liệu và đánh bắt cá trên sông, thu nhập bấp bênh. Bốn người con của họ cũng sinh ra và lớn lên trên chính chiếc bè ấy trong cảnh thiếu trước hụt sau. Những ngày giáp tết, nhìn cảnh mọi người trên bờ tất bật chuẩn bị cho tết, vợ chồng con cái chỉ biết ôm nhau khóc. Năm 2004, cái duyên đưa bà đến với Quỹ CEP, vợ chồng bà được vay vốn lãi suất thấp 5 triệu đồng để gia cố chiếc bè. Với bản chất cần cù, chịu khó, để có tiền trả vốn lẫn lãi, họ chịu khó làm lụng đủ thứ, cứ thế tích góp từng đồng một và vẫn luôn giữ đúng chữ tín với Quỹ CEP. Từ số tiền tiết kiệm có được cùng với việc vay thêm vốn quỹ CEP, họ quyết định làm nhà trên bờ, con cái ăn học đàng hoàng. Vay vốn từ Quỹ CEP từ lúc các con còn nhỏ, đã hơn 10 năm qua, gia đình bà vẫn luôn có Quỹ CEP đồng hành cùng giấc mơ thoát nghèo của mình. Ông Ngô Ngọc Tấn, Trưởng Chi nhánh CEP quận 8 cho biết, để hiểu rõ hoàn cảnh của từng thành viên, nhân viên CEP thường xuyên đến tận nhà để nắm bắt được nhu cầu, mục đích thực sự của từng gia đình và luôn có những chia sẻ kịp thời cùng người nghèo. Đối với những hộ gia đình chưa có công việc ổn định, quỹ cũng hướng đến một số nghề phù hợp như cho tham quan mô hình trồng trọt, chăn nuôi… của những thành viên đã thành công từ vay vốn Quỹ CEP. Với những hộ quá khó khăn không thể trả được nợ, quỹ cũng linh động kéo dài thời hạn vay hay giãn thời gian để người dân có thể trả được nợ. Sự hỗ trợ, đồng hành của Quỹ CEP không chỉ giúp những người nghèo có việc làm, tăng thu nhập mà quan trọng hơn là quỹ đã tạo được niềm tin, sự lạc quan, tiếp thêm sức mạnh vươn lên trong cuộc sống.
(còn tiếp)