Quảng Trị rà soát, sắp xếp lại dân cư tại các khu vực không bảo đảm an toàn, nguy cơ sạt lở

Hiện trường vụ sạt lở đất đá nghiêm trọng trên đường Hồ Chí Minh nhánh Tây đoạn qua xã Hướng Lập, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị). Ảnh: TTXVN phát
Hiện trường vụ sạt lở đất đá nghiêm trọng trên đường Hồ Chí Minh nhánh Tây đoạn qua xã Hướng Lập, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị). Ảnh: TTXVN phát

Đầu tháng 8/2023, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị ra công văn yêu cầu các sở, ngành và địa phương chủ động phòng, chống sạt lở, bảo đảm tính mạng và tài sản của nhân dân trước, trong mùa mưa lũ năm 2023.

Theo đó các đơn vị, địa phương tổ chức kiểm tra, rà soát khu dân cư, trường học, cơ sở y tế, trụ sở cơ quan, doanh trại ven sông, suối, kênh, ven biển, khu vực sườn dốc để kịp thời phát hiện vị trí có nguy cơ xảy ra sạt lở khi mưa lớn; kiên quyết tổ chức di dời hoặc có phương án chủ động phòng, chống sạt lở, sơ tán người dân khi có tình huống xấu xảy ra nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thiệt hại về tài sản; có phương án hỗ trợ tái định cư, ổn định đời sống cho các hộ dân phải di dời.

Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các đơn vị, địa phương tổ chức kiểm tra, rà soát tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển; tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các địa phương triển khai biện pháp cấp bách phòng, chống sạt lở kịp thời và hiệu quả. Quảng Trị rà soát, sắp xếp lại dân cư tại các khu vực không bảo đảm an toàn, ảnh hưởng đến dòng chảy hoặc có nguy cơ sạt lở cao ở khu vực ven sông, suối và ven biển; tăng cường phổ biến pháp luật về phòng, chống thiên tai, sạt lở đất, hướng dẫn địa phương và người dân kỹ năng ứng phó khi có sự cố xảy ra.

Quảng Trị rà soát, sắp xếp lại dân cư tại các khu vực không bảo đảm an toàn, nguy cơ sạt lở ảnh 1Hiện trường vụ sạt lở đất đá nghiêm trọng trên đường Hồ Chí Minh nhánh Tây đoạn qua xã Hướng Lập, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị). Ảnh: TTXVN phát

Mùa mưa lũ ở tỉnh Quảng Trị thường diễn biến phức tạp gây nhiều thiệt hại về người và tài sản từ tháng 9 - 11 hàng năm; nhất là tình trạng sạt lở bờ sông, bở biển, sạt lở đất đá ở sườn đồi núi.

Với địa hình dốc lớn theo hướng từ Tây sang Đông, lũ trên sông Thạch Hãn thường lên rất nhanh mỗi khi có mưa lớn kéo dài vào các tháng 9 - 11 hàng năm. Mưa lũ khiến bờ con sông này sạt lở nghiêm trọng, nhất là đoạn qua các xã: Hải Lệ, thị xã Quảng Trị; Triệu Thượng, Triệu Giang, Triệu Đông, Triệu Độ, Triệu Thuận, Triệu Long, huyện Triệu Phong; Gio Việt và Gio Mai, huyện Gio Linh.

Bờ biển ở tỉnh Quảng Trị cũng thường bị xói lở vào mùa mưa lũ, gây nguy cơ ảnh hưởng đến sự an toàn của các công trình và đất đai của người dân, nhất là đoạn qua xã: Triệu Lăng, Triệu Vân (huyện Triệu Phong); Trung Giang, Gio Hải (huyện Gio Linh). Tỉnh hiện có khoảng trên 133km bờ sông, bờ biển bị sạt lở ảnh hưởng đến cuộc sống và sản xuất của hàng nghìn hộ dân.

Trong khi đó sạt lở đất đá ở sườn đồi núi và ven sông, suối tại hai huyện miền núi Hướng Hóa và Đakrông, cùng với ven Quốc lộ 9, Quốc lộ 15D và đường Hồ Chí Minh nhánh Tây cũng thường xuyên xảy ra trong mùa mưa lũ.

Những năm qua, tỉnh Quảng Trị đã huy động nguồn lực để đầu tư xây dựng trên 60km kè chống sạt lở bờ sông, bờ biển kết hợp phục vụ nhu cầu giao thông dân sinh với tổng kinh phí hơn 748 tỷ đồng. Ngoài ra, tỉnh còn đầu tư hàng trăm tỷ đồng hỗ trợ di dời người dân ở vùng nguy cơ cao về sạt lở, đến các khu tái định cư để đảm bảo an toàn. Tỉnh đã đề nghị Trung ương hỗ trợ trên 1.200 tỷ đồng để xây dựng hơn 62,5km kè chống sạt lở bờ sông, bờ biển tại những khu vực sạt lở đặc biệt nguy hiểm và nguy hiểm.

Nguyên Lý

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm