Quảng Trị cần sớm hỗ trợ người nuôi tôm bị thiệt hại nặng

Quảng Trị cần sớm hỗ trợ người nuôi tôm bị thiệt hại nặng

Người nuôi tôm ở xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị cần sớm được hỗ trợ để tiếp tục sản xuất, sau khi tôm nuôi đã chết hàng loạt khiến mất trắng.

Quảng Trị cần sớm hỗ trợ người nuôi tôm bị thiệt hại nặng ảnh 1Hồ nuôi tôm ở xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị để khô sau khi tôm đã chết hết. Ảnh: Nguyên Lý-TTXVN

Ghi nhận của phóng viên tại thôn Phan Hiền, xã Vĩnh Sơn vào ngày 14/6 cho thấy, dù đang là chính vụ nuôi tôm năm 2023 nhưng hầu hết ao, hồ nuôi đều đã ngừng hoạt động do tôm đã chết hàng loạt. Người dân đã xả hết nước ở các ao, hồ. Ven bờ các ao, hồ đã xả nước xác tôm chết còn nằm la liệt bốc mùi hôi thối. Bà Ngô Thị Lan, 71 tuổi, thôn Phan Hiền, xã Vinh Sơn cho biết, vụ nuôi tôm 2023 thả nuôi 5 hồ tôm, mỗi hồ nuôi tôm đầu tư hết 30 triệu đồng. Sau vài ngày thả nuôi, tôm bơi quanh hồ rồi dạt vào bờ chết không có cách gì cứu được. Đến nay cả 5 hồ, tôm nuôi đã chết hết.

Theo ông Trần Hữu Chính, Phó Giám đốc Hợp tác xã Huỳnh Xá Hạ, xã Vĩnh Sơn, những năm trước đây tôm nuôi chết ít nên người dân làm nghề này vẫn có lãi. Năm 2023 bà con thả nuôi tôm theo đúng lịch thời vụ, nhưng tôm thả được từ 15 – 17 ngày là bắt đầu chết, được gần 50 ngày thì chết gần như toàn bộ. Xã Vĩnh Sơn có trên 170 ha ao, hồ nuôi tôm nhưng tôm đã chết đến 99% gây thiệt hại nhiều tỷ đồng. Do đó người nuôi tôm gặp rất nhiều khó khăn do vốn đầu tư nuôi tôm phải đi vay chứ không phải tự có.

Quảng Trị cần sớm hỗ trợ người nuôi tôm bị thiệt hại nặng ảnh 2Xác tôm chết trong hồ nuôi tôm ở xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị. Ảnh: Nguyên Lý-TTXVN

Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Sơn Hồ Ngọc Quyết cho biết, mong muốn của người nuôi tôm hiện nay là có hóa chất Chlorine để xử lý môi trường nước trong ao, hồ. Loại hóa chất này đã có nhưng người nuôi tôm cần phối hợp với cơ quan chức năng lấy mẫu tôm chết làm xét nghiệm, sau khi có kết quả mới được hỗ trợ Chlorine. Chính quyền địa phương khuyến cáo bà con cải tạo ao, hồ để nuôi tôm trở lại. Cơ quan chức năng của huyện, tỉnh cần sớm hỗ trợ cho bà con về con giống, Chlorine để xử lý môi trường nước trong ao, hồ.

Theo phản ánh của người dân xã Vinh Sơn, sau khoảng hơn 20 năm có nghề nuôi tôm ở địa phương thì năm 2023 tôm bị chết nhiều nhất với gần như 100%. Trong quá trình bơm nước từ sông Sa Lung vào ao, hồ nuôi tôm từ giữa tháng 3/2023 đã phát hiện nước rất bẩn, có màu xanh đen, bốc mùi hôi thối. Khoảng hơn 10 ngày sau khi thả nuôi thì tôm bắt đầu chết.

Quảng Trị cần sớm hỗ trợ người nuôi tôm bị thiệt hại nặng ảnh 3Hồ nuôi tôm ở xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị phải xả hết nước sau khi tôm đã chết hết. Ảnh: Nguyên Lý-TTXVN

Đến nay tôm đã chết hàng loạt khiến người dân mất trắng. Tháng 4/2023, cơ quan chức năng tỉnh Quảng Trị kiểm tra chất lượng nguồn nước mặt sông Sa Lung liên quan đến việc nguồn nước phục vụ vùng nuôi tôm ở huyện Vĩnh Linh có dấu hiệu bị ô nhiễm. Kết quả phân tích mẫu nước cho thấy 3/5 mẫu nước có các thông số vượt giới hạn B1 của QCVN 08 - MT: 2015/BTNMT (Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt). Người nuôi tôm ở xã Vĩnh Sơn kiến nghị, các cơ quan chức năng sớm có giải pháp làm sạch nguồn nước trên sông Sa Lung để cấp nước cho sinh hoạt và nuôi tôm.

Nguyên Lý

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm