Một buổi truyền thông lưu động tại xã A Ngo. Ảnh: Thanh Thủy-TTXVN |
Dù đã sinh 4 người con trước đó, nhưng phải đến đứa con thứ 5 thì chị Hồ Thị Hợi (sinh năm 1984), bản A Đăng, xã A Ngo, huyện Đakrông, mới ở nhà chăm sóc con. Trong căn nhà sàn cũ kĩ, ngồi bên nồi cơm mới nấu, chị Hợi tâm sự: Ngày trước do không biết nên mới sinh con ra chưa đến 10 ngày đã để con ở nhà đi làm rẫy, các cháu không được bú sữa mẹ đều đặn mà chỉ uống nước cơm nên bị suy dinh dưỡng nặng. Từ ngày được nghe các chị trong Hội Phụ nữ phổ biến kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản, nuôi dạy con cái, chị đã cho con bú sữa mẹ trong 6 tháng đầu và cố gắng chăm sóc con chu đáo, đầy đủ theo khoa học, không để cháu bị suy dinh dưỡng, thấp còi… Chị Hợi chỉ là một trong số những hội viên thay đổi cách thức sinh hoạt, chăm sóc sức khỏe sau khi được tham dự các buổi truyền thông của Hội Phụ nữ. Có mặt tại một buổi truyền thông của Hội Phụ nữ tại xã A Ngo vào những ngày giáp Tết, chúng tôi mới cảm nhận được hết tình cảm cũng như sự tin tưởng của chị em nơi đây. Là một xã giáp biên giới Lào, cuộc sống của chị em mặc dù rất khó khăn, mỗi buổi truyền thông đều là ngày hội của chị em trong xã. Chị Hồ Thị Diệp, thôn A Đang, xã A Ngo, cho biết: Mỗi lần nghe tin Hội Phụ nữ tổ chức truyền thông tại xã, chị em lại hào hứng và vui mừng chuẩn bị sắp xếp công việc nương rẫy để tham dự. Từ các buổi truyền thông, chị em lại biết thêm nhiều kiến thức hay, thiết thực để áp dụng trong cuộc sống gia đình mình. Đặc biệt, các vấn đề về chăm sóc sức khỏe, bảo vệ hạnh phúc gia đình, phát triển kinh tế, phòng chống tệ nạn xã hội… luôn được chị em quan tâm lắng nghe và áp dụng hiệu quả…
Một buổi truyền thông lưu động tại xã A Ngo. Ảnh: Thanh Thủy-TTXVN |
Tỉnh Quảng Trị có 2 huyện miền núi Đakrông và Hướng Hóa có đông đồng bào dân tộc thiểu số Vân Kiều, Pa Cô sinh sống trên các bản làng xa xôi. Đời sống của bà con còn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn, hiểu biết còn hạn chế. Để nâng cao nhận thức, thay đổi suy nghĩ, loại bỏ các hủ tục còn tồn tại, Hội Phụ nữ tỉnh Quảng Trị đã phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương có liên quan, tổ chức nhiều hoạt động truyền thông, tập huấn cho chị em phụ nữ tham dự, trong đó tập trung vào một số nội dung quan trọng như: Tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho cán bộ, hội viên về phòng, chống tội phạm mua bán người; tập huấn, truyền thông về công tác phòng chống ma túy, mại dâm và tệ nạn xã hội. Ngoài ra, các chị em còn được phổ biến kiến thức về sức khỏe sinh sản, phòng chống bạo lực gia đình và xâm hại trẻ em, tảo hôn; hoạt động phòng ngừa, phát hiện tố giác tội phạm, giúp đỡ người phạm tội và tệ nạn xã hội ở cộng đồng dân cư… Song song với đó, các cán bộ Hội Phụ nữ đến từng nhà hội viên để động viên, tuyên truyền phù hợp với hoàn cảnh của từng gia đình để có thể phát huy hiệu quả một cách tốt nhất. Chị Hồ Thị Thân, Chi hội trưởng Hội Phụ nữ thôn A Đeng, xã A Ngo, huyện Đakrông, cho biết: Những buổi truyền thông lưu động của Hội Phụ nữ đã góp phần thay đổi suy nghĩ, cuộc sống của chị em ở địa phương. Giờ đây, mỗi khi đau ốm hay sinh đẻ, chị em không còn cúng bái nữa mà đến trạm y tế điều trị. Chị em đã biết chăm sóc sức khỏe gia đình hợp lý, góp phần đẩy lùi các tệ nạn xã hội tại địa phương, cũng như tham gia xây dựng, phát triển kinh tế gia đình. Nhờ vậy, trên địa bàn đã giảm thiểu hẳn các vấn đề thường xảy ra ở khu vực biên giới như: Mua bán, xâm hại tình dục phụ nữ; trẻ em mù chữ hay bỏ học; tảo hôn; hôn nhân cận huyết thống; bạo lực gia đình…; từng bước loại bỏ những tập tục lạc hậu, đảm bảo sức khỏe, chăm lo phát triển y tế, giáo dục đào tạo, xóa đói giảm nghèo, cải thiện cuộc sống cho chị em.
Một buổi truyền thông lưu động tại xã A Ngo. Ảnh: Thanh Thủy-TTXVN |
Thông qua các buổi truyền thông, chị em phụ nữ tích cực tham gia, tổ chức thành công các câu lạc bộ, mô hình như: Triển khai xây dựng 48 câu lạc bộ “Quản lý, giáo dục con em trong gia đình không phạm tội và tệ nạn xã hội” với gần 2.400 thành viên; 586 tổ phụ nữ “Gia đình không có người thân phạm tội và tệ nạn xã hội” với gần 18.200 thành viên; 17 mô hình Câu lạc bộ “Phụ nữ với Pháp luật”, “Trợ giúp pháp lý”, “Phòng chống bạo lực gia đình”, “Nữ thanh niên với pháp luật”, “Bà mẹ và trẻ em gái phòng chống xâm hại tình dục”... Bà Đỗ Thị Lý, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Quảng Trị cho biết: Trong những năm qua, để góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của phụ nữ vùng biên giới, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã tập trung chỉ đạo các cấp Hội tổ chức nhiều hoạt động truyền thông nâng cao kiến thức về các vấn đề liên quan đến bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, giới tính, phòng chống tệ nạn xã hội… Những hoạt động trên đã mang lại hiệu quả thiết thực trong việc thay đổi nhận thức và cuộc sống của phụ nữ miền núi, đặc biệt là vùng biên giới. Phát huy những kết quả đã đạt được, năm 2019 Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Quảng Trị tiếp tục chọn chủ đề “An toàn cho phụ nữ và trẻ em”, triển khai nhiều giải pháp phù hợp với từng địa bàn, vùng miền. Riêng đối với phụ nữ các xã biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Hội đặc biệt chú trọng truyền thông các vấn đề như: Tảo hôn, ma túy, tệ nạn xã hội, tín dụng đen… giúp hội viên phụ nữ tự giải quyết được vấn đề của chính mình.
Thanh Thủy