Theo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Quảng Trị, sáng 12/10, lũ các sông trên địa bàn tỉnh đang lên lại. Trên sông Thạch Hãn và Ô Lâu, lũ lên lại rất nhanh.
Cụ thể, từ tối 11/10 đến sáng 12/10, địa bàn tỉnh Quảng Trị có mưa to đến rất to ở thượng nguồn sông Thạch Hãn; trong đó, tại hai xã Tà Rụt và Đakrông (huyện Đakrông) lần lượt là 277 mm và 152 mm. Do đó, lũ trên các sông, nhất là sông Thạch Hãn, sông Ô Lâu đang lên lại rất nhanh, đã ở mức trên báo động 2 và báo động 3 vào sáng 12/10. Dự báo đến chiều và tối cùng ngày, lũ trên các sông tiếp tục lên và đạt đỉnh, sau đó dao động ở mức cao. Đặc biệt, lũ trên sông Thạch Hãn tại thị xã Quảng Trị có khả năng đạt 7,4 m, trên báo động 3 là 1,4 m - vượt lũ lịch sử năm 1999. Trên sông Ô Lâu tại Hải Tân, huyện Hải Lăng, mực nước đạt 3,8 m, trên báo động 3 là 0,3 m. Dung tích các hồ chứa phổ biến từ 55 - 80% so với dung tích thiết kế. Riêng hồ chứa Thủy lợi - Thủy điện Quảng Trị dung tích đạt khoảng 90%, đã tiến hành xả nước điều tiết qua đập tràn từ chiều 11/10 với lưu lượng xả 40 m3/s và được điều chỉnh dựa trên diễn biến lưu lượng nước về hồ.
Để ứng phó với mưa lũ đang diễn biến phức tạp, UBND tỉnh Quảng Trị đề nghị Trung ương hỗ trợ về vật tư thiết bị cứu hộ cứu nạn gồm: 2 xe lội nước, 27 xuồng các loại, nhiều trang bị phục vụ cứu nạn; hóa chất tiêu độc, khử trùng, xử lý môi trường và phòng chống dịch bệnh.
Từ ngày 6 -12/10, lượng mưa đo được trên địa bàn tỉnh Quảng Trị phổ biến từ 700 - 1.000 mm. Mưa lũ ở Quảng Trị đã làm 6 người chết, 6 người mất tích và 2 người bị thương. Tỉnh có gần 41.000 hộ với trên 125.000 người ở các huyện, thị và thành phố bị ảnh hưởng do ngập lụt. Lũ lớn khiến trên 7.600 hộ với hơn 22.700 người ở vùng ngập sâu, có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất phải di dời đến nơi an toàn.
Về nông nghiệp, tỉnh có gần 800 ha ao hồ nuôi thủy sản, trên 1.230 ha rau màu bị ngập lụt hầu như mất trắng. Hàng trăm nghìn con gia súc, gia cầm bị lũ cuốn trôi.
Mưa lũ làm sạt lở nhiều vị trí trên Quốc lộ 9, đường Hồ Chí Minh nhánh Tây, đường liên xã ở hai huyện miền núi Đakrông và Hướng Hóa.
Nguyên Lý