Theo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Trị, năm học 2022-2023, trên địa bàn tỉnh thiếu gần 500 giáo viên ở tất cả đơn vị trường học, đặc biệt là các vùng miền núi khó khăn. Điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng giáo dục cũng như gia tăng áp lực cho giáo viên và các trường. Trước mắt, để khắc phục tình trạng này, các trường đã chủ động, linh hoạt trong bố trí giáo viên, ghép lớp... để bảo đảm chương trình.
Chạy “hụt hơi” để dạy
Buổi trưa sau giờ dạy học ở thôn Húc Thượng, cô giáo Trần Thị Hà My (28 tuổi), giáo viên dạy môn Tiếng Anh, Trường Tiểu học Húc (xã Húc, huyện miền núi Hướng Hóa) ăn vội cơm rồi chạy xe máy đến điểm trường Ho Le cách đó rất xa. Rất may, hôm nay thời tiết đẹp nên việc di chuyển không gặp nhiều khó khăn, còn những ngày trời mưa gió đoạn đường này chỉ có thể đi bộ.
Cô giáo Hà My tâm sự: "Tại Trường Tiểu học Húc chỉ có mình tôi là giáo viên môn Tiếng Anh. Trường đang thiếu giáo viên nên tôi phải dạy tất cả điểm trường. Khó khăn nhất là việc di chuyển giữa các điểm trường do địa hình đồi núi, đường sá đi lại chưa được thuận tiện. Những ngày thời tiết khô ráo thì đi được xe máy, còn lúc trời mưa phải đi bộ hơn 3 giờ mới tới nơi…"
Trường Tiểu học Húc hiện có 7 điểm trường với tổng số 555 học sinh, trong đó có đến trên 98% học sinh là người dân tộc thiểu số Vân Kiều. Ngoài điểm trường ở khu vực trung tâm, còn có điểm trường ở các thôn, bản khác như: Húc Ván, Tà Rùng, Cu Dông, Tà Cu, Húc Thượng, Ho Le. Các điểm trường đều nằm ở địa bàn miền núi, đi lại khó khăn, khoảng cách giữa các điểm trường trung bình trên 3km. Đặc biệt, điểm trường thôn Ho Le cách khu vực trung tâm hơn 10km, chỉ cần một trận mưa nhỏ cũng khiến đường vào trơn trượt, lầy lội khó đi.
Hiện nay, khi chưa được bổ sung giáo viên, nhà trường phải thực hiện giải pháp trước mắt là ghép học sinh tại các điểm trường để bảo đảm công tác giảng dạy. Đặc biệt, môn Tiếng Anh và Tin học được rút gọn từ 7 điểm trường xuống còn 5 điểm trường để thuận tiện cho việc dạy học. Tuy nhiên, đây chỉ là biện pháp tạm thời trước mắt mà các trường đề ra. Về lâu dài, vẫn cần bổ sung chỉ tiêu giáo viên để đảm bảo chất lượng dạy và học.
Thầy giáo Đoàn Văn Anh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Húc cho biết: Trong năm học 2022-2023, theo chương trình dạy học mới, ở khối lớp 3 bắt đầu đưa 2 môn Tin học và Tiếng Anh vào dạy chính khóa. Tuy nhiên, việc triển khai dạy học ở các điểm trường xa trung tâm gặp nhiều khó khăn. Hiện nhà trường chỉ có một giáo viên Tin học và một giáo viên Tiếng Anh, nhưng cần dạy 7 điểm trường nên việc đi lại của các thầy, cô giáo rất nan giải, gây áp lực rất lớn đến giáo viên. Riêng với môn Tin học, cơ sở vật chất thiếu thốn rất nhiều, trừ điểm trường chính, hầu hết các điểm trường đều chưa có máy tính. Hiện nay, trường đang sử dụng các bàn phím cũ để giáo viên dạy cho học sinh làm quen với bàn phím. Song lâu dài nhà trường cần thêm 3 giáo viên dạy Tin học, Tiếng Anh và Khoa học công nghệ; thêm đầu tư về máy móc để đảm bảo chất lượng, chương trình dạy học.
Cần bổ sung nhiều giáo viên mới
Trường Tiểu học Thuận (xã Thuận, huyện Hướng Hóa) có 455 học sinh, trong đó có 96% em là người dân tộc thiểu số. Trường có 4 điểm, gồm 1 điểm trường trung tâm và 3 điểm trường tại các bản 1, 2, 4; chỉ có 1 giáo viên Tin học, 1 giáo viên Tiếng Anh.
Thầy giáo Nguyễn Hoành, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thuận cho biết: Trường đang thiếu 6 giáo viên. Giải pháp trước mắt để khắc phục khó khăn hiện nay là sắp xếp linh hoạt các tiết học hợp lý giữa việc dạy và di chuyển của giáo viên cũng như chương trình học của học sinh. Tuy nhiên, trường rất cần được sớm bổ sung giáo viên để đảm bảo việc dạy học được triển khai có hiệu quả.
Điểm trường bản 2 (thuộc Trường Tiểu học Thuận) hiện có 3 lớp học với 52 học sinh các khối 1, 2, 3. Từ sáng sớm, cô giáo Nguyễn Thị Tân Diện (31 tuổi) đã phải dậy chuẩn bị di chuyển từ điểm trường chính đến đây để kịp giờ dạy học. Do cả trường chỉ mỗi cô Tân Diện là giáo viên dạy Tin học nên áp lực chương trình đối với cô rất lớn. Mỗi ngày cô phải di chuyển từ các điểm trường khác nhau nhằm đảm bảo hoàn thành tốt khung chương trình được giao.
Cô Tân Diện cho biết: Năm học này, môn Tin học được đưa vào giảng dạy chính thức đối với học sinh lớp 3. Nhà trường đã bố trí linh hoạt thời gian giảng dạy các tiết học ở các điểm trường khác nhau. Mỗi ngày, cô phải nỗ lực, cố gắng sắp xếp thời gian hợp lý nhằm đảm bảo tốt việc dạy học tại các điểm trường.
Theo ông Hoàng Văn Sơ, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hướng Hóa, bước vào năm học 2022-2023, tình trạng thiếu giáo viên tại huyện Hướng Hóa rất trầm trọng. Qua rà soát, toàn huyện thiếu hơn 160 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Phòng đang đề xuất UBND huyện Hướng Hóa và UBND tỉnh Quảng Trị, Sở Nội vụ phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo sớm bổ sung đội ngũ giáo viên biên chế, đảm bảo việc dạy và học ở các trường. Về giải pháp trước mắt để khắc phục tình trạng trên, Phòng Giáo dục và Đào tạo đã giao cho các trường chủ động sắp xếp, bố trí giáo viên và chương trình học hợp lý, đặc biệt là ở các khu vực xa để đảm bảo số lượng giáo viên dạy học.
Trước tình trạng thiếu giáo viên trầm trọng trên địa bàn huyện, ông Trần Đình Dũng, Trưởng phòng Nội vụ huyện Hướng Hóa cho hay: Từ năm học 2021-2022, biên chế ngành Giáo dục của huyện Hướng Hóa thiếu rất nhiều. Đến năm học 2022-2023, biên chế giáo viên càng thiếu trầm trọng. Vừa qua, Sở Nội vụ đã rà soát biên chế tại các trường trên địa bàn. Thống kê sơ bộ, địa phương thiếu khoảng 165 biên chế giáo viên. Năm học mới đã qua gần 3 tuần nhưng chưa được bổ sung biên chế, dẫn đến một số trường phải ghép lớp, trong khi phòng học nhỏ nên khó khăn. Phòng Nội vụ đã tham mưu UBND huyện Hướng Hóa, báo cáo Sở Nội vụ về tình hình này. Qua đó, Sở Nội vụ khẳng định, sẽ ưu tiên bổ sung biên chế giáo viên đối với huyện Hướng Hóa.
Bà Lê Thị Hương, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Trị cho biết: Hiện nay, số lượng giáo viên ở các đơn vị cơ sở còn thiếu khá nhiều. Cơ cấu giáo viên có nhiều bất cập. Để đảm bảo thực hiện nhiệm vụ trong năm học mới, đặc biệt là triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018, ngành Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp chặt chẽ với Sở Nội vụ rà soát số lượng biên chế của từng trường, từng phòng giáo dục để có kế hoạch bố trí, điều chuyển giáo viên phục vụ nhiệm vụ năm học mới.
Sở cũng đã làm việc với từng trường để nắm rõ số liệu thừa, thiếu cụ thể ở từng bộ môn. Trên cơ sở đó, Sở đã điều động, biệt phái, luân chuyển giáo viên từ vùng này đến vùng khác, tổ chức dạy học liên trường đối với các bộ môn chung như: Tin học, Ngoại ngữ, Âm nhạc, Mỹ thuật… Bên cạnh đó, ngành Giáo dục và Đào tạo phối hợp chặt chẽ với UBND các huyện, thị xã, thành phố cùng với Sở Nội vụ lên phương án bố trí tuyển dụng mới trong chỉ tiêu biên chế mới mà Chính phủ và Bộ Nội vụ sẽ giao cho tỉnh Quảng Trị. Ngành đã giao nhiệm vụ cho các hiệu trưởng, trên cơ sở biên chế được giao và số lượng giáo viên điều động, tiếp tục thực hiện các hợp đồng lao động theo vị trí việc làm, theo từng bộ môn còn thiếu trong chỉ tiêu mà Hội đồng nhân dân tỉnh đã phê duyệt, Sở Giáo dục và Đào tạo cùng Sở Nội vụ đã giao cho các trường…
Thanh Thủy