Người dân biên giới tuyệt đối không tham gia vận chuyển, nhập lợn và các sản phẩm từ lợn không rõ nguồn gốc. Ảnh: Phạm Thanh Tân - TTXVN |
Theo đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ninh đề nghị các địa phương có vùng biên giới như thành phố Móng Cải, huyện Hải Hà và Bình Liêu chủ động tuyên truyền người dân biên giới tuyệt đối không tham gia vận chuyển, nhập lợn và các sản phẩm từ lợn không rõ nguồn gốc qua biên giới, kể cả quà tặng, quà biếu của cư dân biên giới trên địa tỉnh; tuyên truyền tính nguy hiểm của dịch tả lợn châu Phi. Các lực lượng chức năng (Biên phòng, Hải Quan, Công an, Quản lý thị trường, Thanh tra giao thông trên địa bàn) phối hợp ngăn ngừa triệt để các hoạt động nhập lậu động vật, sản phẩm động vật trái phép qua biên giới; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm, đồng thời tiêu hủy động vật và sản phẩm động vật nhập lậu không có nguồn gốc theo đúng quy trình, quy định hiện hành; tổ chức phun tiêu độc định kỳ tại các đường mòn, lỗi mở, chợ buôn bán gia súc, gia cầm và các cơ sở chăn nuôi, giết mổ thuộc địa bàn quản lý… Đối với các địa phương khác, chính quyền tổ chức tuyên truyền đến cộng đồng dân cư để người dân không tham gia các hoạt động buôn bán, vận chuyển lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu vào địa bàn; không mua bán, tiêu thụ lợn, sản phẩm của lợn không có nguồn gốc rõ ràng, chưa qua kiểm dịch thú y. Các địa phương cần chú trọng tới chiến dịch tiêm phòng vắc xin và vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường và các giải pháp cần thiết nhằm ngăn chặn, xử lý kịp thời không để dịch lây lan; hướng dẫn người dân trong việc tự áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định; đồng thời, phổ biến để nhân dân biết, có biện pháp đề phòng, ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi vào địa bàn và không gây hoang mang. Bệnh dịch tả lợn châu Phi là một bệnh truyền nhiễm mới nổi, nguy hiểm do virus gây ra. Bệnh lây lan nhanh và gây ra ở mọi lứa tuổi, mọi loại lợn, gây thiệt hại nghiêm trọng và với tỷ lệ chết lên tới 100% đối với lợn mắc bệnh. Virus gây bệnh có sức đề kháng cao trong môi trường. Sau khi khỏi bệnh lâm sàng, lợn vẫn có thể mang virus trong thời gian dài và có thể trở thành vật chủ mang trùng suốt đời, nếu để xảy ra bệnh, rất khó để loại trừ được mầm bệnh. Đặc biệt hiện Việt Nam chưa có vắc xin và thuốc điều trị bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Văn Đức