Quảng Ninh bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc gắn với phát triển du lịch bền vững

Quảng Ninh bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc gắn với phát triển du lịch bền vững

Quảng Ninh được thiên nhiên ưu đãi, ban tặng nhiều cảnh quan, di sản có giá trị. Là nơi có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, có biển, có rừng, có đồng bằng, có hải đảo, có đường biên giới quốc gia. Là một trong những tỉnh có kho di sản văn hóa lớn, phong phú, đa dạng, đặc sắc với hơn 600 di sản văn hóa vật thể là những đình, chùa, đền, miếu, danh lam thắng cảnh, di sản, kỳ quan thiên nhiên thế giới và gần 3000 hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể là những phong tục, tập quán, trò chơi dân gian, lễ hội của hơn 20 dân tộc.

Trước thềm Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam có cuộc trao đổi với đồng chí Vi Ngọc Bích, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, đại biểu dự Đại hội XIII của Đảng về vấn đề bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc gắn với phát triển du lịch bền vững.

* Xin đồng chí cho biết, Quảng Ninh đã đạt được kết quả công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc gắn với phát triển du lịch bền vững ra sao?

- Văn hóa Quảng Ninh được hình thành nên bởi sự kết hợp hài hòa giữa những tinh hoa văn hóa truyền thống được chắt lọc từ nhiều vùng miền trong cả nước và văn hóa hiện đại ra đời trong cuộc sống công nghiệp với truyền thống “kỷ luật và đồng tâm” của công nhân vùng Mỏ. Sự gắn bó mật thiết giữa di tích lịch sử - văn hóa, phong tục tập quán của người dân và các thắng cảnh nổi tiếng là một lợi thế của Quảng Ninh phát triển du lịch góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo sinh kế cho người dân.

Quảng Ninh đã và đang khai thác hiệu quả vốn quý này để phát triển du lịch, nhiều sản phẩm du lịch độc đáo, khác biệt thu hút được sự quan tâm của du khách trong và ngoài nước. Vịnh Hạ Long đã hai lần được UNESCO công nhận là Di sản Thiên nhiên thế giới, mang lại nhiều lợi ích cho du lịch Quảng Ninh. Lượng khách quốc tế đến Quảng Ninh những năm gần đây chiếm 30% lượng khách quốc tế đến Việt Nam đã góp phần khẳng định Hạ Long - Quảng Ninh là điểm đến hấp dẫn du khách. Nhiều lễ hội, sự kiện văn hóa, thể thao có thương hiệu quốc gia, quốc tế được tổ chức hàng năm, thu hút đông đảo người dân tham gia (như: Lễ hội Xuân Yên Tử, Lễ hội Xuân Ngọa Vân, Lễ hội Tiên Công, Lễ hội đền Cửa Ông, Lễ hội Canaval...). Nhiều công trình văn hóa được bảo tồn và phát huy, đưa Quảng Ninh trở thành địa danh nổi tiếng toàn cầu, mở ra cơ hội lớn trong giao lưu, hội nhập, phát triển văn hóa, du lịch.

Hiện khoảng 120 di tích, di sản của Quảng Ninh đã nằm trong các tour, tuyến du lịch cố định của Quảng Ninh, trong đó có những di tích được các đơn vị lữ hành lựa chọn để thiết kế nhiều sản phẩm riêng, trọn gói để đưa vào khai thác.

Các hoạt động bảo tồn, giữ gìn, phục dựng và lưu giữ di sản văn hóa gắn với khai thác các loại hình du lịch lịch sử, du lịch tâm linh, du lịch văn hóa, sinh thái, du lịch văn hóa cộng đồng gắn với mô hình sinh kế nông nghiệp nông thôn, các sản phẩm OCOP đang từng bước được phát huy, thu hút du khách trong và ngoài nước đến tham quan và sinh hoạt văn hóa, tìm hiểu về phong tục tập quán sinh hoạt của cộng đồng nhân dân, như trải nghiệm, khám phá tại Bình Liêu, trung tâm du lịch văn hóa lịch sử tại Quảng Yên, Vân Đồn.

Các sản phẩm du lịch đặc thù từ văn hóa, di tích, di sản của Quảng Ninh như “Một ngày làm ngư dân trên biển”, “Khám phá Quan Lạn”, “Cốc đảo Hà Nam”, “Hành trình theo dấu chân đức Phật tại Yên Tử”... rất được du khách yêu thích.

Có thể khẳng định, di sản văn hóa, bản sắc văn hóa dân tộc, vùng miền là tài nguyên du lịch có sức hấp dẫn mạnh mẽ, là động lực thu hút ngày càng nhiều du khách trong nước, quốc tế đến tham quan. Với ngành Du lịch, di sản văn hóa, thiên nhiên là yếu tố quan trọng để xây dựng sản phẩm, các địa phương khai thác để phát triển kinh tế du lịch bên cạnh các yếu tố về hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật chuyên ngành và nguồn nhân lực. Di sản văn hóa cũng là công cụ hỗ trợ tích cực trong việc định vị hình ảnh, xây dựng thương hiệu du lịch cho mỗi địa phương.

* Thưa đồng chí, trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, tỉnh Quảng Ninh có những giải pháp nào để bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc với phát triển du lịch bền vững?

- Hướng tới phát huy bản sắc văn hóa dân tộc gắn với phát triển du lịch bền vững, bám sát Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; thực hiện đột phá của nhiệm kỳ 2020- 2025 theo Nghị quyết Đại hội XV Đảng bộ tỉnh: “Xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh gắn với thu hẹp nhanh khoảng cách giàu nghèo và chênh lệch vùng miền trong tỉnh”, Quảng Ninh trong thời gian tới sẽ tập trung vào một số giải pháp, đó là:

Tỉnh thực hiện tốt nhiệm vụ bảo tồn văn hóa nói chung và văn hóa truyền thống, văn hóa vật thể và phi vật thể nói riêng. Giữ gìn và phát huy đặc trưng tốt đẹp của các dân tộc thiểu số; các giá trị đặc sắc về văn hóa biển đảo, văn hóa công nhân Vùng mỏ; khắc sâu, nhân rộng những truyền thống văn hóa tốt đẹp của các dân tộc. Tỉnh chú trọng bảo tồn, tôn tạo các điểm di tích, danh thắng; bảo tồn, khôi phục các làng nghề truyền thống, đặc biệt là các di sản văn hóa của cộng đồng các dân tộc thiểu số đang có nguy cơ mai một. Tỉnh xây dựng quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh đảm bảo đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm; có lộ trình cụ thể và phân vùng đầu tư, khai thác dựa trên tài nguyên, thế mạnh của mỗi địa phương để gắn với phát triển du lịch.

Quảng Ninh xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; Đề án về phát triển du lịch cộng đồng bền vững trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh; Đề án phát triển kinh tế ban đêm của tỉnh, giai đoạn 2020 - 2025. Nghiên cứu xây dựng quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh đảm bảo đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm. Ưu tiên bố trí nguồn lực phát triển kinh tế, xã hội các xã vùng cao huyện Ba Chẽ, khu vực Đồng Sơn, Kỳ Thượng, đảm bảo tính kết nối liên thông theo hướng khai thác, phát huy tối đa giá trị bản sắc văn hóa của các xã vùng cao vào phát triển du lịch nhằm chuyển đổi cơ cấu lao động, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc vùng sâu, vùng xa, từng bước xóa đói, giảm nghèo bền vững cho các địa phương lân cận.

Bên cạnh đó, Quảng Ninh tập trung rà soát, đánh giá thực trạng để sử dụng hiệu quả hơn, tích cực hơn các điểm di tích, danh thắng,các mô hình nhà văn hóa phường, xã; trung tâm học tập cộng đồng, trung tâm văn hóa cấp huyện và khu vực,…góp phần nâng cao chất lượng hưởng thụ văn hóa của các tầng lớp nhân dân ở địa phương và là điểm đến du lịch cộng đồng hấp dẫn. Tiếp tục duy trì và nhân rộng các mô hình văn hóa công cộng, như: phố đi bộ, lễ hội, biểu diễn văn nghệ đường phố, câu lạc bộ dân vũ, các cuộc giao lưu văn hóa, thể thao, sinh hoạt truyền thống (như: Hát Đối, hát Giao duyên, hát Then, hát Đúm, hát Soóng Cọ, hát Nhà tơ, hát múa Cửa đình...).

Tỉnh xây dựng chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa, đưa văn hóa trở thành một thị trường tiềm năng, hướng tới “xuất khẩu văn hóa” góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển bền vững. Trước mắt, tỉnh tiếp tục khai thác thế mạnh, tiềm năng văn hóa về cảnh quan, giá trị truyền thống, ẩm thực vùng miền thúc đẩy ngành Du lịch phát triển hơn nữa để có thể cạnh tranh với các nước trong khu vực và thế giới. Tỉnh lựa chọn, hoàn thiện các món ăn địa phương đặc biệt là các sản phẩm OCOP nâng tầm thành nghệ thuật từ khâu sản xuất đến thưởng thức, kết nối thành điểm đến của khách du lịch và hướng tới xuất khẩu ẩm thực truyền thống vùng miền. Tỉnh khuyến khích các hoạt động sản xuất, quảng bá các loại hình văn hóa phi vật thể, các sản phẩm thủ công, mỹ nghệ có giá trị cao, đồ lưu niệm mang thông điệp văn hóa thể hiện đặc trưng riêng có, phục vụ phát triển ngành kinh tế dịch vụ, du lịch của tỉnh.

Ngoài ra, Quảng Ninh tập trung đẩy mạnh truyền thông để quảng bá cho văn hóa bằng chiến lược cụ thể. Truyền thông để tuyên truyền mục tiêu xây dựng phát triển văn hóa của Quảng Ninh, thuyết phục nhân dân toàn tỉnh thay đổi nhận thức cùng chung sức đồng lòng thực hiện các giải pháp xây dựng và phát triển văn hóa. Sử dụng truyền thông để tuyên truyền cái đẹp, bài trừ cái xấu, đồng thời tạo ra xu hướng về lối sống, hành động đẹp của người Quảng Ninh. Dùng truyền thông để quảng bá vùng đất, con người, các sản phẩm văn hóa, nghệ thuật của Quảng Ninh vươn ra thế giới. Thông qua truyền thông để kêu gọi đầu tư vào bảo tồn, khai thác các dự án văn hóa, giới thiệu các sản phẩm văn hóa của Quảng Ninh ra nước ngoài, thu hút các sự kiện văn hóa, triển lãm của các thương hiệu nổi tiếng thế giới đến tổ chức tại Quảng Ninh.

Với quyết tâm của cả hệ thống chính trị, Quảng Ninh sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm khai thác di sản văn hóa hướng tới phát triển du lịch bền vững góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.

* Trân trọng cảm ơn đồng chí!

Văn Đức

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm