Nghề làm chổi đót ở xã Hành Thuận. Ảnh: Phước Ngọc-TTXVN |
Trải theo thời gian, tuy có nhiều biến thiên, nhưng 2 làng nghề này vẫn tồn tại, duy trì và phát triển. Riêng làng nghề chổi đót Hành Thuận có niên đại hơn 100 năm. Hiện nay, có khoảng hơn 70 hộ gắn bó. Bà Lê Thị Hoa, thôn Đại An Đông 1 là một trong những người có tuổi đời bám nghề khá lâu. Bà kể, thời thanh xuân, kết duyên với chồng, chuyển về đây định cư, thấy người ta làm chổi đót, tôi cũng tập tành làm theo rồi nặng nợ với nó, tính đến nay cũng ngót 30 năm. Không chỉ riêng bà, các hộ khác trong thôn cũng yêu quý cái nghề làm chổi đót này lắm, bởi xét về hiệu quả kinh tế so với cây lúa thì ăn đứt. Bởi vậy, có những nhà truyền đến 2-3 thế hệ. “Thị trường đang chuộng sản phẩm chổi đót do người dân trong thôn làm ra nên những năm trở lại đây làm không kịp bán. Mỗi ngày gia đình tôi sản xuất được khoảng 40 cây chổi, với giá 20.000 đồng/cây, thu về trên dưới 150.000 đồng/ngày”, bà Hoa phấn khởi. Nói rồi, bà nhìn sang nhà bên cạnh, nở nụ cười tươi rói khi thấy người con dâu của mình ngồi bệt ở một góc sân cần mẫn bện từng bó đót vàng tinh tươm- công đoạn đầu tiên để làm nên một cây chổi, y hệt bà mấy chục năm về trước. Chúng tôi hỏi về câu chuyện thương hiệu, bà Hoa bỗng dưng buồn hẳn. Trầm ngâm lát lâu, bà mới tiết lộ rằng, các lái buôn đến đây mua chổi rồi “phù phép” thành chổi địa phương khác nổi tiếng hơn để xuất bán. Như vậy, để đến tay người dùng, chổi đót Hành Thuận phải trải qua khâu trung gian khác. Biết rõ ngọn nguồn như vậy nhưng những người hành nghề như tôi cũng chỉ biết lắc đầu bất lực thôi. Giờ chỉ mong sao sản phẩm chổi đót Hành Thuận có được một nhãn hiệu để tạo ra chỗ đứng trên thị trường, nâng cao được giá trị. Ông Nguyễn Hữu Lệ, Chủ tịch UBND xã Hành Thuận thông tin, thực hiện Chỉ thị 17 của Huyện ủy Nghĩa Hành ngày 24/10/2017, xã Hành Thuận quyết tâm xây dựng xã 4 có: cổng chào, khu dân cư kiểu mẫu, đường hoa, đặc biệt là có sản phẩm làng nghề. Do đó, địa phương tiếp tục duy trì làng nghề chổi đót truyền thống tại thôn Đại An Đông 1. Đến năm 2008, UBND tỉnh công nhận 2 tổ làng nghề tại thôn này, từ đó đến nay người dân ổn định được sản xuất. Vừa qua, được tỉnh hỗ trợ 300 triệu vốn phát triển sản xuất, xã đã lên phương án và trực tiếp giao cho Hợp tác xã Nông nghiệp thực hiện tốt tiêu chí 13 của Bộ tiêu chí Quốc gia về xây dựng Nông thôn mới. Hợp tác xã Nông nghiệp sẽ đảm nhận đầu vào và bao tiêu sản phẩm này cho người dân vì hiện nay, chủ yếu những hộ sản xuất chổi đót tự mua vào, bán ra, chưa xây dựng được thương hiệu nên chịu khá nhiều thiệt thòi. "Nếu như làng nghề này có thương hiệu thì địa phương sẽ có những kiến nghị với huyện, tỉnh hỗ trợ thêm nguồn vốn và bố trí quỹ đất để xây dựng cơ sở sản xuất tập trung, lắp đặt dây chuyền thiết bị, máy móc để phát triển mạnh hơn, góp phần thêm cho địa phương trong việc nâng mức thu nhập bình quân hằng năm từ hơn 32 triệu đồng/người/năm (năm 2018) lên hơn 36 triệu đồng/người/ năm trong năm 2019”, ông Lệ cho biết thêm. Cùng với nghề làm chổi đót thì nghề trồng cây cảnh ở thôn Xuân Vinh, xã Hành Đức cũng nổi tiếng không kém. Hiện, có khoảng 20 nghệ nhân bám nghề. Đây là nghề được coi là khá công phu, tốn nhiều thời gian, công sức.
Nghề trồng, tạo dáng cây cảnh ở xã Hành Đức. Ảnh: Phước Ngọc-TTXVN |
Ông Nguyễn Văn Tý, người có kinh nghiệm lâu năm trong nghề chia sẻ, nghề trồng, tạo dáng cây cảnh không phải ai cũng “dấn thân” được mà đòi hỏi chủ nhân của nó phải có khiếu, có đam mê, sáng tạo riêng. Vì lý do đó mà số người thạo nghề rất khiêm tốn. Ông Tý tâm sự, có những phôi cây mình phải ra tận Quảng Nam mua về trồng, trải qua 7 năm chăm sóc, với không biết bao nhiêu lần tạo dáng mới thành tác phẩm hoàn chỉnh. Hiện trong vườn nhà ông, có nhiều cây thuộc vào hàng quý hiếm như: Linh sam, Sam ngọc, Sam chua, Trân châu, Mai chiếu thủy, kim thanh mai với những dáng thế độc, lạ (văn nhân thế đổ, trực hoành…). Giá trị kinh tế tăng dần theo độ khó của thế, thường thì dao động từ 10-50 triệu đồng/cây. “Người trồng cây cảnh coi cái nghề của mình như của để dành, cần lúc nào bán lúc đó. Có hộ thu về vài chục triệu đồng mỗi năm là chuyện bình thường”- ông Tý nói. Tuy vậy, ông Tý cũng những đồng nghiệp luôn đau đáu trước việc tạo dựng thương hiệu làng nghề. Ông cho hay, có những cây mình bán đi nhưng mối lái không biết tay làm (người tạo dáng) đó ở đâu, qua nhiều người sẽ trở thành vô danh, cho nên việc đăng ký thương hiệu là điều cần thiết, cấp bách, khẳng định được tài năng của nghệ nhân, và giá trị thực thụ của làng nghề. Theo thống kê, toàn tỉnh Quảng Ngãi hiện có khoảng 22 làng nghề, làng nghề truyền thống. Tuy nhiên, đa số đều mang tính chất sản xuất nhỏ lẻ, hoạt động manh mún, thiếu sự gắn kết, không chú trọng đăng ký bảo hộ nhãn hiệu…nên đứng trước nguy cơ mai một cao. Trước thực trạng trên, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa có văn bản thống nhất cho UBND xã Hành Thuận sử dụng tên địa danh “Hành Thuận” để đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận “Chổi đót Hành Thuận” và UBND xã Hành Đức sử dụng tên địa danh “Hành Đức” để đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể “Cây cảnh Hành Đức”. Đây là lần đầu tiên tỉnh Quảng Ngãi thực hiện chủ trương này, được ví như “luồng gió mới” vực dậy các làng nghề truyền thống đang ở chiều hướng đi xuống, nếu không muốn nói là sẽ bị xóa sổ trong nay mai. Ông Đàm Bàng, Phó Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hành thông tin, trước hết huyện quan tâm đầu tư xây dựng đường xá tạo điều kiện thuận lợi để các hộ trong làng nghề trao đổi, thông thương hàng hóa. Tiếp đó, huyện sẽ tiến đến cung cấp nguồn nguyên liệu phục vụ các làng nghề; xin hỗ trợ kinh phí từ tỉnh để xây dựng nhãn hiệu tập thể cho làng nghề để các làng nghề phát triển ổn định. Trên cơ sở đó, người dân sẽ liên kết lại với nhau trong sản xuất, tạo ra sản phẩm đặc biệt, tạo được vị thế, chỗ đứng vững chắc trên thị trường, góp phần tăng giá trị sản phẩm, nâng cao thu nhập…
Vĩnh Trọng