Một cá thể Voọc chà vá chân xám. Ảnh: Đăng Lâm - TTXVN |
Voọc chà vá chân xám được xếp hạng bảo vệ ở mức cực kỳ nguy cấp trong sách Đỏ Việt Nam và thế giới. Tại Quảng Nam, mới đây lực lượng kiểm lâm phát hiện tại xã Tam Mỹ Tây, huyện Núi Thành, đàn Voọc chà vá chân xám khoảng 30 con sống biệt lập trên diện tích rừng tự nhiên. Do tác động của cộng đồng cư dân địa phương trong quá trình sản xuất, sinh cảnh sống của loài voọc chà vá chân xám quý hiếm này bị tác động mạnh.
Trước mắt, để bảo vệ đàn Voọc, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam và huyện Núi Thành thực hiện nhiều giải pháp để bảo vệ đàn voọc chà vá chân xám như tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng, tăng cường bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sống của động vật hoang dã cũng như theo dõi, giám sát quần thể voọc chà vá chân xám ở đây.
Anh Nguyễn Dư, người dân xã Tam Mỹ Tây chia sẻ: Voọc chà vá chân xám là động vật quý hiếm. Từ ngày được tuyên truyền về việc bảo vệ động vật hoang dã nói chung và bảo vệ vọcc chà vá chân xám quý hiếm nói riêng, các hoạt động săn bắn loài vật này đã không còn nữa. Tuy nhiên, người dân nơi đây cũng mong được hỗ trợ sinh kế để có cuộc sống tốt hơn, không làm ảnh hưởng đến loài vật quý hiếm này.
Ông Nguyễn Văn Thịnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành cho biết: Đàn voọc này có khoảng từ 20-30 con, sinh sống trên diện tích khoảng 10 ha. Sau khi phát hiện đàn voọc này, chúng tôi đã xây dựng các phương án để bảo vệ chúng. Ban đầu huyện đề xuất xây dựng sinh cảnh cho loài vật này khoảng 30-40 ha rừng nhưng sau khi khảo sát thực tế, huyện quyết định nâng diện tích sinh cảnh lên 80-100 ha nhằm đảm bảo cho đàn voọc sinh trưởng và phát triển. Vừa rồi các tổ chức bảo vệ động vật đã phát hiện đàn voọc ở đây có thêm 3 voọc con.
Ông Bùi Văn Tưởng, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Nam Quảng Nam cho biết: Để bảo vệ đàn voọc, Hạt Kiểm lâm thường xuyên kiểm tra, giám sát tất cả các đối tượng thường xuyên vào khu vực loài vật này sinh sống. Đơn vị cũng đề xuất với các cấp có thẩm quyền trong việc hỗ trợ sinh kế cho cư dân quanh khu vực để hạn chế việc lấn rừng sản xuất. Trước mắt, Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam và huyện Núi Thành đã và đang tăng cường các hoạt động tuần tra, giám sát, ngăn chặn có hiệu quả các hành vi săn bắn trái phép cũng như tác động tiêu cực đến môi trường sống tự nhiên của loài voọc quý hiếm này. Về lâu dài, để bảo tồn và phát triển đàn voọc chà vá chân xám tại xã Tam Mỹ Tây, vấn đề quan trọng là phải thực hiện đồng bộ các giải pháp về kỹ thuật, tổ chức quản lý, giáo dục, tuyên truyền các quy định về quản lý, bảo vệ động vật hoang dã, bảo vệ diện tích rừng hiện có, phục hồi và mở rộng sinh cảnh rừng cho loài vật quý hiếm này. Nhờ được bảo vệ tốt nên thời gian qua đàn voọc quý hiếm này sinh trưởng tốt, việc 3 voọc con ra đời đã thể hiện điều đó, ông Tưởng cho biết thêm.
Phục hồi, mở rộng sinh cảnh rừng, tăng cường công tác tuần tra giám sát, làm tốt công tác tuyên truyền gắn liền với việc hỗ trợ sinh kế cho người dân địa phương là những nhiệm vụ cấp bách đang được các ngành chức năng tỉnh Quảng Nam và huyện Núi Thành thực hiện nhằm bảo tồn đàn voọc chà vá chân xám quý hiếm này tại xã Tam Mỹ Tây, ông Nguyễn Văn Thịnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành cho biết.
Đoàn Hữu Trung