Tuyến kè biển thôn 3, thôn 4 (thôn Đông Tuần) và kè thôn 6 (thôn Long Thạnh Tây), xã đảo Tam Hải, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam, thuộc dự án cải thiện môi trường đô thị Chu Lai - Núi Thành. Đây còn là công trình khẩn cấp để bảo vệ tài sản và tính mạng của người dân các thôn trên đảo trong mùa mưa bão. Tuy nhiên, sau gần 3 năm triển khai thi công, đến nay các tuyến kè khẩn cấp này vẫn còn dang dở vì vướng mặt bằng.
Tại tuyến kè thôn Đông Tuần, 51 trường hợp có công trình vật kiến trúc gồm 48 cầu tàu tạm, kè đá, lều quán, 3 cơ sở đóng và sửa chữa tàu, thuyền chưa bàn giao mặt bằng.
Chủ tịch UBND xã Tam Hải Nguyễn Tấn Hùng cho biết: Trong số 48 trường hợp có tài sản vật kiến trúc, chủ yếu là cầu tàu làm bằng tre, gỗ, kè đá, lều quán xây dựng trên đất do UBND xã quản lý. Để giải quyết dứt điểm những trường hợp này, bên cạnh việc vận động, giải thích, UBND huyện Núi Thành tiếp tục áp dụng mức hỗ trợ bằng 60% giá trị đối với tài sản, vật kiến trúc, được bà con ủng hộ.
Đối với 3 cơ sở đóng và sửa chữa tàu thuyền, buộc phải di chuyển tài sản là nhà xưởng, máy móc, thiết vị, dây chuyền sản xuất để thi công tuyến kè, huyện Núi Thành đề nghị UBND tỉnh cho phép UBND huyện thực hiện bồi thường, hỗ trợ theo giá trị thực tế.
Tuyến kè thôn Long Thạnh Tây có 46 thửa đất của 44 hộ dân, bị ảnh hưởng về cây cối, tài sản, vật kiến trúc đã phê duyệt và thực hiện chi trả tiền đền bù, đã bàn giao mặt bằng. Đến nay, còn 13 hộ chưa bàn giao mặt bằng để triển khai thi công do vướng ghe thuyền, lồng bè nuôi cá, giàn nuôi hàu dưới nước.
Chủ tịch UBND xã Tam Hải Nguyễn Tấn Hùng chia sẻ, trong nỗ lực giải phóng mặt bằng thi công công trình, địa phương và các cơ quan chuyên môn đã điều chỉnh phạm vi bồi thường giải phóng mặt bằng theo hướng vừa đảm bảo yếu tố kinh tế, kỹ thuật cho công trình, vừa tạo được sự đồng thuận của người dân.
Vì vậy, trong số 160 hộ bị ảnh hưởng, đến nay chỉ còn 16 hộ chưa bàn giao mặt bằng. Với những hộ chưa nhận tiền đền bù, địa phương đang tiến hành áp giá đền bù vật kiến trúc, nguồn gốc tài sản để bồi thường cho người dân, sớm bàn giao mặt bằng thi công các tuyến kè khẩn cấp này.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Nguyễn Hồng Quang: Các tuyến kè biển ở thôn Long Thạnh Tây và thôn Đông Tuần là những công trình được xây dựng khẩn cấp nhằm bảo vệ tài sản, tính mạng của người dân trong mùa mưa bão. Vì vậy, tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng và huyện Núi Thành tập trung tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thi công các tuyến kè biển khẩn cấp, góp phần hoàn thiện hệ thống kè xung quanh đảo. Những kiến nghị về mức hỗ trợ cho người dân của chính quyền địa phương trong khâu đền bù, giải phóng mặt bằng sẽ được lãnh đạo tỉnh giải quyết trong thời hạn nhanh nhất có thể.
An toàn về tài sản, tính mạng, sinh kế của người dân là ưu tiên hàng đầu. Do vậy, bên cạnh việc chính quyền đền bù tài sản, vật kiến trúc, hỗ trợ sinh kế, bà con cần có sự chia sẻ, đồng thuận trong việc triển khai xây dựng các công trình đê biển khẩn cấp ở các thôn Long Thạnh Tây và thôn Đông Tuần. Những công trình này không những có chức năng bảo vệ tài sản, tính mạng của bà con trong mùa mưa bão, mà còn góp phần tích cực để xã đảo Tam Hải phát triển kinh tế-xã hội, du lịch biển đảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Nguyễn Hồng Quang chia sẻ với bà con trong vùng dự án.
Đoàn Hữu Trung