Quan tâm hỗ trợ lao động nhập cư là người dân tộc thiểu số ở Đồng Nai

Nhiều năm qua, lực lượng lao động người dân tộc thiểu số nhập cư đã góp phần vào sự phát triển kinh tế-xã hội ở Đồng Nai. Tại Tổng Công ty Cao su Đồng Nai, đây là lực lượng quan trọng, chiếm hơn 30% số lao động, góp phần vào sự ổn định lao động, việc làm cũng như sự phát triển của Tổng Công ty.

vna_potal_dam_bao_doi_song_nguoi_lao_dong_la_dan_toc_thieu_so_nhap_cu_7210500.jpg
Công nhân tại Nông trường Cẩm Đường thu hoạch mủ cao su. Ảnh: Lê Xuân-TTXVN

Tổng Công ty Cao su Đồng Nai có quy mô diện tích quản lý hơn 32.000 ha đất nên cần một lượng lớn lao động để đáp ứng yêu cầu sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, có những thời điểm, Tổng Công ty thiếu lao động trầm trọng, nhất là lao động trực tiếp, có những nông trường chỉ có 60% số lao động cần có, trong khi thị trường lao động tại địa phương ngày càng khan hiếm.

Vì vậy, Tổng Công ty tuyển dụng lao động tại các tỉnh, thành trên cả nước, nhất là lao động dân tộc thiểu số ở các tỉnh phía Bắc. Tổng Công ty cử cán bộ tới tận nơi, phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động người dân, tham gia các hội chợ giới thiệu việc làm để tuyển lao động. Với những nỗ lực của mình cùng những chính sách chăm lo tốt cho người lao động, đến nay, Tổng Công ty hiện có 4.000 lao động, trong đó hơn 800 lao động là người dân tộc thiểu số ở các tỉnh phía Bắc, góp phần ổn định tình hình sản xuất tại các nông trường.

Rời quê hương Lào Cai vào Đồng Nai lập nghiệp, 3 năm nay, vợ chồng anh Tẩn Seo Thề (công nhân tại Nông trường Cẩm Đường, Tổng Công ty Cao su Đồng Nai) đã quen với cây cao su và cuộc sống nơi đây. Trung bình mỗi tháng thu nhập của 2 vợ chồng đạt gần 20 triệu đồng. Có việc làm ổn định, cuộc sống ấm no nên vợ chồng anh Thề quyết định sẽ gắn bó lâu dài với nông trường này.

“Trước đây sống ở Lào Cai chủ yếu chỉ làm nương, làm rẫy nên thu nhập bấp bênh, không đủ ăn, mặc. Những ngày đầu mới vào Đồng Nai làm việc, mọi thứ đều lạ lẫm nhưng được Nông trường, Tổng Công ty hỗ trợ chỗ ở, các vật dụng cần thiết như xe máy, bếp, nồi, gạo… nên vợ chồng tôi cũng dần thích nghi và tập trung làm tốt công việc của mình mà không phải lo cái ăn, chỗ ở”, anh Tẩn Seo Thề chia sẻ.

vna_potal_dam_bao_doi_song_nguoi_lao_dong_la_dan_toc_thieu_so_nhap_cu_7210492.jpg
Sau 3 năm gắn bó với Nông trường Cẩm Đường, Tổng Công ty Cao su Đồng Nai, anh Tẩn Seo Thề, quê Lào Cai, đã quen với công việc và có ý định gắn bó lâu dài với nông trường. Ảnh: Lê Xuân-TTXVN

Tương tự, 4 năm trước, lần đầu vào Đồng Nai lập nghiệp, anh Hạng Seo Giàng, quê tỉnh Hà Giang (công nhân Nông trường Cẩm Đường, Tổng Công ty Cao su Đồng Nai) cũng gặp không ít khó khăn do khác biệt ngôn ngữ, văn hóa. Công việc cạo mủ cao su mỗi ngày khá vất vả, về sau anh cũng quen dần. Đặc biệt, nhờ sự quan tâm của Tổng Công ty qua việc hỗ trợ thanh toán tiền vé xe lượt vào, được chăm lo, tạo điều kiện từ nơi ăn, chốn ở đến việc học hành của các con, anh Giàng đã ổn định cuộc sống và có thêm chi phí gửi về quê phụng dưỡng cha mẹ, sắm sửa đồ đạc.

“Từ khi vào làm công nhân ở nông trường, chi phí sinh hoạt được nông trường hỗ trợ rất nhiều nên mỗi tháng tôi đều có thể gửi tiền về phụng dưỡng cha mẹ. Điều kiện ăn ở và làm việc ở đây rất tốt, giống như ngôi nhà thứ 2 của tôi vậy, nên tôi sẽ gắn bó, làm việc lâu dài ở nông trường”, anh Hạng Seo Giàng cho biết.

Do có số lượng lớn lao động ngoại tỉnh nhập cư vào làm việc tại các nông trường, nên Tổng Công ty Cao su Đồng Nai hiện có 4 khu nhà lưu trú đáp ứng nơi ở cho người lao động xa quê.

Ông Phan Quang Bá, Giám đốc Nông trường Cẩm Đường, Tổng Công ty Cao su Đồng Nai cho biết, tại Nông trường, số lao động từ các tỉnh miền núi phía Bắc chiếm 50%, đa phần là lao động từ các tỉnh Lào Cai và Hà Giang. Để công nhân yên tâm làm việc, ngoài việc dạy nghề, nông trường và Tổng Công ty đã bố trí xây dựng những căn nhà tiền chế, giúp mỗi cặp vợ chồng đều có được một phòng riêng để sinh hoạt. Ngoài ra, những vật dụng thiết yếu như giường, quạt, nồi cơm, chén bát cũng được Nông trường chuẩn bị sẵn cho các bạn.

vna_potal_dam_bao_doi_song_nguoi_lao_dong_la_dan_toc_thieu_so_nhap_cu_7210495.jpg
Công nhân cạo mủ cao su tại Nông trường Cẩm Đường là đồng bào dân tộc thiểu số di cư vào Đồng Nai được chăm lo, ổn định cuộc sống. Ảnh: Lê Xuân-TTXVN

Ngoài hỗ trợ vật chất, Tổng Công ty chăm lo tinh thần cho người lao động thông qua việc tổ chức các hoạt động vui chơi, những phiên chợ 0 đồng, giao lưu văn hóa ẩm thực, giúp người lao động dần hòa nhập và gắn bó lâu dài với Công ty.

Không những vậy, Ban Giám đốc và các cấp Công đoàn trong Tổng Công ty luôn ưu tiên, tạo môi trường rèn luyện, phấn đấu cho những công nhân ngoại tỉnh có ý chí tiến thủ và tinh thần học hỏi, trau dồi kỹ năng trong công việc và hoạt động đoàn thể.

Bà Nguyễn Thị Thanh Thúy, Chủ tịch Công đoàn Tổng Công ty Cao su Đồng Nai cho biết, hiện nay các chế độ của Tổng Công ty rất ưu tiên cho người lao động ở các tỉnh miền núi phía Bắc vào làm việc. Trong quá trình làm việc, nếu người lao động có thể đáp ứng được yêu cầu của Công ty sẽ được đề bạt làm tổ trưởng. Tổng Công ty hiện có rất nhiều người lao động từ các tỉnh miền núi phía Bắc được đề xuất và trở thành các Tổ trưởng Công đoàn, Tổ trưởng sản xuất…

Bà Nguyễn Thị Thanh Thúy cho biết thêm, hằng năm, Tổng Công ty đều có kế hoạch chăm lo Tết cho người lao động, đặc biệt là những lao động từ các tỉnh miền núi phía Bắc vào làm việc. Cùng với những phần quà Tết, Tổng Công ty cũng bố trí những chuyến xe đưa người lao động về quê và đón người lao động quay trở lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết. Đối với những người lao động đăng ký ở lại nông trường làm việc dịp Tết, Tổng Công ty, các cấp Công đoàn, Nông trường sẽ tổ chức các đoàn đến thăm hỏi, động viên, chúc Tết để họ vẫn cảm thấy ấm lòng.

Ông Nguyễn Sơn Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, lao động nhập cư nói chung và lao động người dân tộc thiểu số nói riêng đóng góp quan trọng vào nguồn lực lao động của tỉnh. Lực lượng này chủ yếu là lao động trẻ, tiếp thu nhanh và nhiệt tình trong công việc. Tỉnh Đồng Nai rất quan tâm, thực hiện tốt công tác đại đoàn kết dân tộc, tập hợp, đoàn kết đồng bào, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, nhất là đối với lao động nhập cư là người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.

Lê Xuân

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm