Quản lý chặt việc trồng cây thảo quả trong rừng tự nhiên đặc dụng tại Lào Cai

Quản lý chặt việc trồng cây thảo quả trong rừng tự nhiên đặc dụng tại Lào Cai

Dưới những tác động xấu của việc canh tác thảo quả dưới tán rừng tự nhiên, thời gian qua, tỉnh Lào Cai đã ban hành nhiều văn bản về việc tăng cường quản lý, bảo vệ rừng, việc canh tác thảo quả dưới tán rừng tự nhiên. Theo đó, các địa phương phải xây dựng phương án quản lý thảo quả và tuyên truyền vận động nhân dân xóa bỏ lều lán thảo quả trong rừng tự nhiên, tiến tới xóa bỏ hoàn toàn cây thảo quả dưới tán rừng tự nhiên đặc dụng, phòng hộ trên địa bàn tỉnh Lào Cai vào năm 2030.

Về mặt chủ trương, đây là một quyết định được người dân hoàn toàn đồng tình và ủng hộ. Tuy nhiên, xét đến khía cạnh đảm bảo sinh kế cho người dân, nhất là những gia đình đã sống nhờ thảo quả nhiều năm nay thậm chí coi thảo quả là nguồn thu nhập chính thì đây thực sự là bài toán khó.

Quản lý chặt việc trồng cây thảo quả trong rừng tự nhiên đặc dụng tại Lào Cai ảnh 1Cây thảo quả mang lại giá trị kinh tế cao, nhưng lại là cây làm mất khả năng tái sinh của rừng. Ảnh: http: laocaitv.vn

 Vận động người dân tháo dỡ lều, lán

Năm 2020, thực hiện chỉ đạo của Vườn Quốc gia Hoàng Liên, chính quyền các xã trên địa bàn thị xã Sa Pa đã tuyên truyền, vận động người dân thực hiện cam kết sản xuất thảo quả bền vững; đăng ký và tự nguyện tháo dỡ lều, lán sinh hoạt, sấy thảo quả trong rừng. Theo đó, tập trung vận động các gia đình cán bộ, đảng viên và người có uy tín trong cộng đồng gương mẫu chấp hành, thực hiện và tuyên truyền người thân, người xung quanh cùng thực hiện.

Anh Sùng A Sếnh, xã Hoàng Liên - một trong những hộ dân canh tác thảo quả đã đồng ý tháo dỡ lều của gia đình trông và sấy thảo quả cho biết, nương thảo quả của nhà anh được trồng từ khi ông nội anh còn sống tới nay. Trung bình mỗi năm gia đình thu được 20 bao thảo quả khô, bán thu 100 triệu đồng. Đây là nguồn thu nhập chính của gia đình anh. Tuy nhiên, khi nghe cán bộ nói về tác hại của việc trồng và dựng lều lán, dù rất tiếc nuối, nhưng anh Sểnh đồng thuận tháo dỡ lều, lán và ký cam kết với chính quyền xã.

Theo kết quả rà soát, thống kê tại thời điểm tháng 8/2020, trong rừng đặc dụng tại Vườn Quốc gia Hoàng Liên có 2.281 nương thảo quả với tổng diện tích sản xuất 1.242,8 ha; tổng số hộ sản xuất thảo quả là 1.752 hộ, giảm 166 hộ so với thời điểm tháng 2/2020. Lực lượng chức năng đã kê khai, xác nhận tổng số có 628 lều, lán sinh hoạt, sấy thảo quả trong rừng; trong đó, khoảng 50% là lều lán tạm thời, không kiên cố. Qua tuyên truyền, đơn vị đã vận động được 532 hộ đăng ký tự nguyện tháo dỡ/628 lều, lán, đạt 84,7%. Đặc biệt, đơn vị đã hoàn thành tháo dỡ toàn bộ lều, lán trên tuyến leo núi Trạm Tôn - Fansipan và 6/12 lán cố định dưới tuyến hành lang cáp treo Fansipan.

Tính đến ngày 30/11/2020, tỉnh Lào Cai đã chủ động tuyên truyền và tổ chức ký cam kết sản xuất tháo quả bền vững gắn với bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng với 15.027 lượt người tham gia; vận động nhân dân tháo dỡ 2.122/3.169 lều, lán, đạt 67% kế hoạch.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai, tiến độ thực hiện của huyện Văn Bàn còn chậm do địa hình phức tạp, diện tích phân bố lớn. Tại khu vực giáp ranh, người dân của các huyện Than Uyên (Lai Châu), huyện Mù Cang Chải, Văn Yên (Yên Bái) sang canh tác trên đất của huyện Văn Bàn (Lào Cai) gây khó khăn trong việc triển khai. Số lều, lán còn lại chưa tháo dỡ của huyện này được chủ yếu tập trung ở các khu vực giáp ranh nên khó xác định chủ nương, lều lán để vận động tuyên truyền và thực hiện các biện pháp tháo dỡ.

Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lào Cai đã chỉ đạo Hạt Kiểm lâm huyện Văn Bàn, Khu bảo tồn thiên nhiên Hoàng Liên, Văn Bàn chủ động phối hợp với chính quyền cơ sở các xã, Hạt Kiểm lâm các huyện Than Uyên (tỉnh Lai Châu), huyện Mù Cang Chải, Văn Yên (tỉnh Yên Bái) tăng cường phối hợp tuần tra chung, họp thôn bản quán triệt và kê khai, thống kê các hộ gia đình có xâm canh, canh tác, sản xuất thảo quả để ký cam kết tháo dỡ và tổ chức tháo dỡ lều lán trên địa phận tỉnh Lào Cai theo tiến độ, kế hoạch được phê duyệt.

Tìm nguồn sinh kế thay thế phù hợp

"Người dân địa phương giữ rừng là giữ môi trường chung cho cả nước, do đó, muốn họ từ bỏ sinh kế của gia đình để giữ rừng thì cả nước phải chăm lo được cho họ vì họ là đối tượng dễ bị tổn thương nhất", ông Vũ Hồng Điệp, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Lào Cai nhấn mạnh.

Theo ông Vũ Hồng Điệp, tiến hành xóa cây thảo quả đồng nghĩa với việc sẽ giảm khoản thu nhập khá lớn của nhân dân vùng sâu, vùng xa, trong khi, đối với việc bảo vệ, giữ rừng hiện nay phần lớn là do nhân dân đồng thuận giúp sức. Vì vậy việc đảm bảo quyền lợi và đả thông tư tưởng của người dân, tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân là việc làm quan trọng.

Để làm được việc đó, theo ông Giàng A Sàng, Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh Lào Cai, tỉnh phải có lộ trình rõ ràng đối với từng vùng, trồng cây gì, loại hình kinh doanh sản xuất gì phù hợp, khả năng thu nhập cao để thay thế cây thảo quả.

"Có nghĩa là chúng ta triển khai mô hình kinh tế thay thế cây thảo quả phải tạo ra được sản phẩm có thu nhập hiệu quả đến người dân rồi mới vận động nhân dân tiến hành xóa cây thảo quả được", ông Sàng nhấn mạnh.

Mới đây, tại Kỳ họp thứ 16 Hội đồng nhân dân tỉnh Lào Cai khóa XV, trả lời băn khoăn của cử tri về vấn đề này, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Lào Cai Đặng Xuân Phong đã nhấn mạnh, chủ trương chung của tỉnh Lào Cai là phát triển bền vững: phát triển kinh tế đảm bảo ổn định xã hội và bảo vệ môi trường.

"Chúng ta phải bảo vệ rừng, nhưng cần có lộ trình", ông Đặng Xuân Phong khẳng định và giao ngành nông nghiệp tỉnh Lào Cai tiến hành rà soát và chuyển đổi sao cho đảm bảo phát triển hài hòa kinh tế xã hội và môi trường.

Song song với triển khai lộ trình tiến tới xóa bỏ cây thảo quả trồng dưới tán rừng tự nhiên, các địa phương của Lào Cai đang từng bước thực hiện một số mô hình sinh kế nhằm khuyến khích người dân chuyển đổi từ canh tác cây thảo quả sang cây trồng, vật nuôi khác.

Ở Sa Pa, người dân đang tiến hành nhân rộng những mô hình phát triển chăn nuôi, làm kinh tế trang trại, đưa những cây, con giống mới vào thử nghiệm, như mô hình nuôi cá nước lạnh... Tại Bắc Hà, chính quyền vận động người dân tích cực thâm canh, mở rộng diện tích quế, sa mộc, chè... đem lại thu nhập cao.

Ngoài ra, tỉnh Lào Cai sẽ thực hiện hỗ trợ các dự án phát triển cây lâm sản ngoài gỗ (quế, hồi, dổi lấy hạt…) có giá trị kinh tế cao dưới tán rừng tự nhiên để từng bước thay thế cây thảo quả. Những định hướng trên được chính quyền các địa phương hy vọng sẽ là những giải pháp hữu hiệu, giúp phát triển kinh tế bền vững, tăng thu nhập cho người dân, giảm dần sự phụ thuộc từ những rừng cây thảo quả.

Để chuyển đổi hợp lý, nâng cao đời sống người dân trong quá trình xóa cây thảo quả, rất cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị chứ không riêng ngành nông nghiệp bởi theo ông Vũ Hồng Điệp, không nhất thiết phải thay thế cây trồng, có thể hướng dẫn, hỗ trợ người dân đẩy mạnh chăn nuôi, làm du lịch, dịch vụ... sao cho phù hợp với tình hình thực tế địa phương.

Khi người dân có được những nguồn sinh kế ổn định bền vững sẽ tự khắc nghe theo chính quyền địa phương bởi như ông Giàng A Sàng chia sẻ: "Ở gần nhà mà làm ra tiền thì không ai muốn lặn lội vào rừng để làm gì cho vất vả".

Hương Thu

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm