Quả ngọt từ phong trào tiết kiệm tại huyện Cư M’gar

Quả ngọt từ phong trào tiết kiệm tại huyện Cư M’gar

Phát huy tinh thần học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân huyện Cư M’gar (Đắk Lắk) đã tích cực tham gia thực hiện tiết kiệm mỗi ngày 1.000 đồng để gây quỹ. Từ nguồn quỹ này, hàng ngàn đối tượng chính sách, hộ nghèo, cận nghèo, khó khăn trong toàn huyện đã được giúp đỡ, tạo điều kiện vươn lên.

*Nghĩa tình “Nuôi heo đất”


Trước đây, gia đình anh Phạm Ngọc Quý và chị Bùi Thị Hoa (trú tại thôn Hiệp Nhất, xã Quảng Hiệp) thuộc diện hộ nghèo. Anh chị có bốn người con, không có đất sản xuất, ai thuê gì làm nấy, cuộc sống rất vất vả. Năm 2019, niềm vui đến với gia đình khi được thôn Hiệp Nhất hỗ trợ hai cặp dê sinh sản (khoảng 4-5 triệu đồng) từ chương trình Nuôi heo đất của địa phương.

Anh Quý cho biết, sau thời gian nuôi dê, anh thấy có triển vọng nên đã tiếp tục nhân giống. Hai năm đầu, anh nuôi theo kiểu nhân đàn. Sau đó, anh triển khai nuôi, bán giống và mua dê về nuôi thúc rồi đem bán lại. Hiện tại, gia đình anh mới nâng cấp thêm chuồng, trại. Số lượng dê có thời điểm lên đến 150 con. Thu nhập bình quân của gia đình khoảng 200 triệu đồng/năm. Từ hộ nghèo, nay anh Quý đã thoát nghèo.

Quả ngọt từ phong trào tiết kiệm tại huyện Cư M’gar ảnh 1Gia đình chị Bùi Thị Hoa tại xã Quảng Hiệp (Cư M’gar, Đắk Lắk) đăng ký nuôi heo đất để tiết kiệm gây quỹ hỗ trợ các hoàn cảnh khó khăn khác. Ảnh: Nguyên Dung - TTXVN

Kinh tế tạm ổn, anh chị lại có thêm mong ước được sẻ chia sự hỗ trợ đến với những hoàn cảnh khó khăn khác. Năm nay, gia đình có đăng ký nhận một heo đất về nuôi. “Mỗi ngày, tôi tích cóp 1.000 - 2.000 đồng để nuôi heo đất. Đến ngày hội đập heo đất hằng năm 17/10, tôi lại gửi heo đất về thôn để đập heo gây quỹ. Tôi mong muốn, các cấp sẽ triển khai thêm nhiều mô hình khác cho mọi người dân cùng đi lên phát triển như tôi”, chị Hoa chia sẻ.

Thôn Hiệp Nhất là địa phương thuần nông, với trên 95% dân số làm nông nghiệp. Tuy còn nhiều khó khăn, nhưng phong trào Nuôi heo đất được người dân trong thôn nhiệt tình hưởng ứng. Tại Hội nghị Phát động thi đua năm 2024 vừa diễn ra tại thôn, bà con đều hồ hởi, phấn khởi, mỗi người đều đăng ký nhận một heo đất về nuôi.

Cán bộ Hội Cựu chiến binh thôn Hiệp Nhất Nguyễn Văn Quyển cho biết, đồng tiền tiết kiệm của mỗi người dân tuy rất nhỏ, nhưng giúp không nhỏ cho những người kém may mắn, để không ai bị bỏ lại phía sau. Việc tiết kiệm là cách để ông nhắc nhở con cháu không nên tiêu xài hoang phí mà dành để làm những việc có ích.

Theo Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Hiệp Nhất Trịnh Bá Tuấn, địa phương đã triển khai chương trình Nuôi heo đất tiết kiệm vì người nghèo đến toàn dân và được bà con nhiệt tình hưởng ứng. Chương trình có tính nhân văn cao, giúp những hoàn cảnh khó khăn vơi đi những nhọc nhằn để không ai bị bỏ lại phía sau. Món quà tuy nhỏ bé nhưng làm ấm lòng người cho và cả người nhận.

Quả ngọt từ phong trào tiết kiệm tại huyện Cư M’gar ảnh 2Người dân thôn Hiệp Nhất, xã Quảng Hiệp Cư (M’gar, Đắk Lắk) đăng ký nhận heo đất về nuôi. Ảnh: Nguyên Dung - TTXVN

Theo Bí thư Đảng ủy xã Quảng Hiệp Nguyễn Văn Sang, là xã thuần nông, đời sống nhân dân thiếu thốn, khó khăn, năm 2010, Ủy ban MTTQ xã đã tham mưu xây dựng Chương trình Nuôi heo đất cho cán bộ, đảng viên và nhân dân trong toàn xã, lấy nguồn hỗ trợ các hộ nghèo, cận nghèo, khó khăn vươn lên thoát nghèo bền vững. Từ năm 2010 đến nay, chương trình đã thu về hơn 4 tỷ đồng. Từ nguồn quỹ trên, địa phương đã vận động nuôi trên 3.287 con heo, xóa được 27 ngôi nhà dột nát, sữa chữa 16 nhà cho hộ nghèo…; 123 hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ phát triển kinh tế nuôi gần 300 con dê giống…

Trong 13 năm, nhiều học sinh thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo được tiếp bước đến trường. Đến nay, nhiều em đã trưởng thành, thành đạt và quay trở về quê hương cùng địa phương thực hiện chương trình này. Các nhà hảo tâm, doanh nghiệp và cơ quan cấp trên thấy việc làm của xã hết sức ý nghĩa, nhân văn, thiết thực nên cùng chung tay với địa phương để ngày càng lan tỏa, tiếp bước hỗ trợ cho các hộ nghèo, cận nghèo, khó khăn.

*Ấm áp Quỹ “Tiết kiệm 1.000 đồng”


Từ hiệu quả ở xã Quảng Hiệp, ngày 23/5/2012, Ban Thường vụ Huyện ủy Cư M’gar đã ban hành Công văn số 258-CV/HU về “Triển khai thực hành tiết kiệm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Theo đó, địa phương vận động mỗi cán bộ, đảng viên trong các cơ quan, đơn vị thực hành tiết kiệm 1.000 đồng/người/ngày để xây nhà Đại đoàn kết cho các đối tượng chính sách, hộ nghèo, cận nghèo, hộ khó khăn về nhà ở trên toàn huyện. Đến nay, 100% cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức các đơn vị, tổ chức tham gia, với hơn 50.000 người. Số tiền tiết kiệm từ năm 2012 đến nay được gần 19 tỷ đồng, huyện đã xây mới, sửa chữa khoảng 600 căn nhà cho gia đình chính sách, hộ nghèo.

Trong căn nhà kiên cố, ông Hoàng Văn Đức (tại thôn Hiệp Thắng, xã Quảng Hiệp) xúc động kể lại, trước đây gia đình thuộc diện hộ nghèo. Hai vợ chồng và ba người con sống trong căn nhà lụp xụp, dột nát. Nhận được số tiền 40 triệu đồng từ Quỹ “Tiết kiệm 1.000 đồng” của huyện, cùng số tiền hỗ trợ của xã, thôn và anh em trong gia đình giúp đỡ, tháng 10/2023, ông Đức đã xây dựng được căn nhà mới khang trang tổng trị giá 180 triệu đồng.

Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Hiệp Nhất Trịnh Bá Tuấn phấn khởi chia sẻ, nhờ Quỹ “Tiết kiệm 1.000 đồng”, nhiều hộ người nghèo, khó khăn tại địa phương đã được thụ hưởng những ngôi nhà Đại đoàn kết. Đến nay, thôn Hiệp Nhất không còn nhà dột nát, tạm bợ.

Quả ngọt từ phong trào tiết kiệm tại huyện Cư M’gar ảnh 3Gia đình chị Bùi Thị Hoa tại thôn Hiệp Nhất, xã Quảng Hiệp (Cư M’gar, Đắk Lắk) được hỗ trợ 2 cặp dê sinh sản từ chương trình “Nuôi heo đất” để phát triển kinh tế. Ảnh: Nguyên Dung – TTXVN

Theo Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Cư M’gar Nguyễn Văn Danh, Ban Thường vụ Huyện ủy đã triển khai nhiều hoạt động. Hoạt động nổi bật trong việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là mô hình Tiết kiệm làm theo lời Bác. Bằng tinh thần tự nguyện, tiết kiệm, cán bộ, đảng viên, công nhân, viên chức, giáo viên, các tổ chức cơ sở Đảng đều tham gia tích cực mô hình. Từ đó, hơn 600 ngôi nhà Đại đoàn kết được xây dựng đã tạo sức lan tỏa lớn, củng cố niềm tin trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Đến nay, số hộ gia đình chính sách về nhà ở đã tương đối ổn định.

“Sắp tới, chúng tôi tiếp tục xin ý kiến Ban Thường vụ Huyện ủy nâng mức hỗ trợ lên 45 triệu đồng/nhà. Ngoài số tiền hỗ trợ của Huyện ủy từ nguồn Tiết kiệm làm theo lời Bác, Ủy ban MTTQ huyện kêu gọi các doanh nghiệp, nhà hảo tâm, cùng sự hỗ trợ ngày công của các đoàn viên, hội viên khu dân cư hỗ trợ thêm cho các gia đình”, ông Nguyễn Văn Danh thông tin.

Địa bàn huyện Cư M’gar, hiện nay vẫn còn 1.927 hộ nghèo, 3.294 hộ cận nghèo và hơn 1.000 hộ đang ở nhà tạm, cần được hỗ trợ nhà ở. Năm 2023, tiến tới Kỷ niệm 40 năm thành lập huyện Cư M’gar (23/1/1984 – 23/1/2024), huyện phấn đấu sẽ hoàn thành 100 nhà Đại đoàn kết, với số tiền vận động trên 10 tỷ đồng (bình quân 100 triệu đồng/căn). Bên cạnh đó, huyện tiếp tục vận động các doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh ủng hộ làm nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo, cận nghèo; vận động các nguồn lực khác phục vụ công tác an sinh xã hội tại các xã vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số còn khó khăn.

Với những kết quả đã đạt được, mô hình Tiết kiệm làm theo lời Bác của Huyện ủy Cư M’gar vinh dự được Ban Tuyên giáo Trung ương tôn vinh tại Chương trình “Hồ Chí Minh - Hành trình khát vọng 2023” diễn ra vào đầu tháng 11/2023.

Nguyên Dung

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm